Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong "Hồ sơ Panama" có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.
Bí ẩn tập đoàn gia đình giàu có bậc nhất Việt Nam
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có và bí ẩn tại Việt Nam, bởi thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website và gần như không tiếp xúc với giới truyền thông.
Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.
Theo giới thiệu trên website, kể từ khi ra đời vào năm 1992 do bà Trương Mỹ Lan thành lập với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, công ty đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ.
Năm 2007, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tham gia thành lập công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam và tập đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản.
Bà Trương Mỹ Lan là một người gốc Hoa, bà còn có tên gọi khác là Trương Muội. Các thông tin liên quan đến bà khá ít ỏi, chủ yếu là thành tích về các hoạt động của bà trong công tác xã hội.
Bà Lan và Vạn Thịnh Phát được nhiều người biết đến từ cuối năm 2011, khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực hiện tái cơ cấu theo hình thức hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém gồm ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB.
Mặc dù không xuất hiện chính thức, nhưng bà Lan và Vạn Thịnh Phát được cho là nhóm cổ đông chính của cả 3 ngân hàng nói trên.
Khi hợp nhất, SCB đã có thay đổi lớn khi các vị trí chủ chốt tại HĐQT, Ban Tổng giám đốc được nắm giữ bởi đại diện nhóm cổ đông lớn đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú…
Ở nhiệm kỳ đầu tiên 2012 - 2017, HĐQT của SCB có 8 thành viên và bà Nguyễn Thị Thu Sương được bầu làm Chủ tịch, ông Vũ Văn Thành là Phó Chủ tịch và ông Trầm Thích Tồn là thành viên HĐQT…
Bà Sương và ông Tồn đều nắm vị trí quan trọng tại Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Đại Trường Sơn (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Saigon Peninsula - là công ty liên kết của Vạn Thịnh Phát). Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát là công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan.
Nhưng chưa được nửa nhiệm kỳ, bà Sương và ông Tồn bất ngờ xin từ nhiệm tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014. Sau đó 4 ngày, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB - ông Lee George Lam cũng rời khỏi vị trí.
Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Nhiều dự án bất động sản tỷ USD
Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan hiện sở hữu rất nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. HCM. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc với những thông tin thâu tóm đất vàng, tạo lập các siêu dự án.
Hiện Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - khu vực được đánh giá là đắt đỏ bậc nhất cả nước như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton,...
Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng" trên, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza,...
Gia tộc bà Trương Mỹ Lan cũng đã bỏ ra hơn 700 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD) để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp ở ngay trung tâm quận 3.
Ngoài các dự án nằm trên "đất vàng" nêu trên, hồi tháng 4/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã khởi công xây dựng dự án Saigon Peninsula 6 tỷ USD, thuộc phường Phú Thuận, quận 7 với tổng diện tích 118ha, nhưng hơn 1 năm qua dự án này vẫn còn "án binh bất động".
Dấu hỏi Hồ sơ Panama
Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong "Hồ sơ Panama" có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.
“Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Báo cáo của ICIJ cho thấy công ty luật có trụ sở tại Panama là Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty hải ngoại (công ty offshore) tại quần đảo British Virgin Islands (Anh), Cayman, Seychelles, Bahamas, Bermuda... Đây là những nơi được mệnh danh là "thiên đường thuế", vốn được xem là nơi lý tưởng cho các hoạt động kinh doanh, né thuế.
Theo dữ liệu từ ICIJ, cả hai thể nhân Chu Nap Kee Eric và Truong My Lan đều là người thụ hưởng (beneficiary) của EurAsia ID Concept Group Limited - công ty có địa chỉ đăng ký tại "thiên đường thuế" British Virgin Islandsvà có liên quan tới Multi-Check Limited.
Multi-Check Limited là công ty có địa chỉ tại Hồng Kông và là pháp nhân có liên quan tới các công ty Fortune Point Group Limited, Full Prime Enterprises Limited, Luwei Limited.
Cả ba công ty này đều đều có địa chỉ đăng ký tại "thiên đường thuế" British Virgin Islands và có liên quan đến thể nhân Chu Nap Kee Eric (địa chỉ tại Nexxus Building, 41 Connaught Road Central, Hồng Kông (Trung Quốc).
Luwei Limited có các cổ đông là FORTUNE POINT GROUP LIMITED, Full Prime Enterprises Limited, người thụ hưởng là Chu Nap Kee Eric.
Năm 2013, Luwei Limited đã góp gần gần 97 đồng vào Công ty Cổ phần An Phú.
Đáng lưu ý, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group) - đơn vị mua lại tòa nhà Vincom Center A trên phố đi bộ Nguyễn Huệ từ Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng, rồi sau đó đổi tên thành Union Square - là Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Vinh.
Vào cuối năm 2008, Phú Vinh do Công ty Cổ phần An Phú sở hữu tới 90% vốn góp.
Tháng 4/2011, An Phú bán toàn bộ cổ phần tại Phú Vinh cho nhà đầu tư khác. Không có thông tin chính thức nào về các chủ nhân mới của Phú Vinh kể từ thời điểm đó. Cái tên công ty này chỉ xuất hiện một lần trên báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt trong phần chú thích về hợp đồng bán lại chứng khoán. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sở hữu 11% cổ phần Chứng khoán Tân Việt.
An Phú trở thành cổ đông của Ngân hàng SCB từ năm 2012 khi đầu tư gần 397 tỷ đồng vào ngân hàng này. Trước đó, An Phú có khoản tiền gửi có kỳ hạn 190 tỷ đồng tại ngân hàng này vào năm 2011 (trước giai đoạn hợp nhất 3 ngân hàng).
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của An Phú, công ty đã chuyển nhượng hơn 39,6 triệu cổ phần trị giá gần 400 tỷ đồng này tại SCB.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/gia-toc-giau-co-truong-my-lan-bi-an-tu-ho-so-panama-den-ho-so-xin-thoi-quoc-tich-viet-nam-a82713.html