Cho Yang-ho, vị Chủ tịch bị nhấn chìm trong tai tiếng, đã qua đời do bệnh phổi, hưởng thọ 70 tuổi. Cái chết bất ngờ của ông Cho gây rúng động truyền thông xứ Hàn, bởi xảy ra chỉ 13 ngày sau cuộc họp định mệnh đẩy ông ra khỏi vị trí quyền lực trong hội đồng quản trị.
Ông bị hất khỏi hội đồng quản trị trong vị thế cúi đầu và không thể kháng cự trước những trì triết. Cổ đông trung thành với ngài Chủ tịch đã chịu thất bại cay đắng với chỉ hơn 2% là có thể chạm tay tới ngưỡng cửa "thiên đường" đưa ông Cho trở về ngai vàng. Chủ tịch lẫy lừng một thời buộc phải lui về hậu trường trong tủi hổ khi chính Quỹ hưu trí Quốc gia Hàn Quốc NPS – nhà đầu tư đang giữ ngôi hậu trong Korean Air - công khai lên tiếng sẽ hạ bệ và thanh lọc Korean Air.
Danh tiếng được dựng xây dựa trên lâu đài cát chao nghiêng vì dư luận và hành động quyết đoán từ các cổ đông.
Trước đó, năm 2018, mây đen bao phủ bầu trời khi ông bị luận tội và điều tra vì nghi ngờ "nhúng chàm" trốn thuế hơn 50 tỉ won (tương đương 45 triệu USD) đối với các tài sản được thừa kế tại nước ngoài. Ông cũng bị cáo buộc biển thủ khoảng 20 tỉ won từ công quỹ khi thiên vị trao hợp đồng cho các công ty do gia đình quản lý. Vị Chủ tịch Korean Air đã không thông báo với cơ quan thuế về các tài khoản tài chính ở nước ngoài có giá trị lên tới 1 tỉ won.
Chưa dừng lại ở đó, ông được cho là đã đút túi nhiều khoản lợi nhuận từ điều hành một cửa hàng thuốc bất hợp pháp gần một trường đại học có quan hệ với hoạt động kinh doanh.
Những năm gần đây, người ta chứng kiến những đợt "sóng thần" cáo buộc dồn dập đổ đến với ông Cho, và ngay cả những cộng sự thân cận. Nhưng ngược dòng về quá khứ, từ đầu những năm 2000, ông Cho "tự khóa tay mình" bằng khoản hoa hồng trị giá 19.6 tỉ Won (tương đương 17 triệu đô la) bằng cách thành lập một công ty thương mại chuyên môi giới thiết bị máy bay và vận chuyển hàng miễn thuế trên máy bay của Korean Air, gây ra tổn thất tương đương cho hãng hàng không này.
Bên cạnh đó, trốn thuế là chiêu bài ông Cho đã thuộc lòng. Ông từng có tiền án ngồi tù vì cố nuốt trọn 27,3 tỉ Won tiền thuế (tương đương 24,3 triệu đô la tại thời điểm năm 2000).
Biển thủ, bội tín, gian lận và vi phạm pháp luật liên quan đến thuế và các vấn đề mua bán sử dụng thuốc dường như là những mồi lửa thắp lên cuộc đại hỏa hoạn khiến cho "lâu đài cát" mà ông dày công xây dựng sụp đổ.
Tuy nhiên, xét công – tội một cách công bằng, ông Cho cũng từng lập nên chiến tích vô tiền khoáng hậu khi đưa Korean Air lên đỉnh cao của danh vọng, trở thành hãng hàng không hàng đầu thế giới theo xếp hạng bởi Air Transport World năm ngoái, đồng thời nhận 4 sao xếp hạng từ Skytrax. Năm 2018, Airline Ratings dành trặng cho Korean Air vị trí thứ 8 đáng ngưỡng mộ, vượt trên Japan Air Lines và Cathay Pacific. Trước đó, Korean Air chỉ là một hãng hàng không "hạng thường" sau các bê bối tai nạn máy bay vào 2 thập niên trước.
Doanh thu của Korean Air lội ngược dòng ngoạn ngục, kết thúc ở ngưỡng 12,65 tỉ đô năm 2018, khi bắt đầu ngụp lặn ở con số vẻn vẹn 2 tỉ đô la. Theo thống kê, đội bay đã chạm ngưỡng 167 phi cơ và số điểm bay "thăng hoa" lên ngưỡng 124.
Tuy nhiên, thành công và danh vọng đã được dựng xây một nền tảng lỏng lẻo và suy yếu, bởi chiến tích của ông Cho không thể khiến người ta quên đi quá khứ quá nhiều tội lỗi và chà đạp ông và gia đình ông đã mang lại.
Những người phụ nữ tai tiếng của gia đình Cho
Cách Nhà Xanh - nơi ở chính thức của nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc - vài cây số tại Seoul, ẩn mình trong một cấu trúc đá granit xám hùng vĩ, đó là lâu đài của vương triều của vương triều Korean Air. Đó là nơi diễn ra nhiều năm lạm dụng của bà Lee Myung-hee, vợ chủ tịch Cho Yang-ho.
Buộc quỳ gối và hành hung vì quên mua gừng. Đá và tát vì đến muộn. Dìm nước vì lái xe quá chậm. Đánh vào trán với một cây lau nhà không lý do. Đây chỉ là một vài trong số những hành vi xâm phạm thể xác và xúc phạm nhân phẩm được cho là của bà Lee Myung-hee, "nữ chúa" của triều đại Korean Air, trong việc đối xử với nhân viên. Các cáo buộc lạm dụng - diễn ra từ năm 2013 đến 2017 - được nêu chi tiết trong bản cáo trạng hình sự mới chống lại bà Lee, được đưa ra bởi một nhà lập pháp Hàn Quốc trong tháng 2/2019.
Trong một tuyên bố, công ty mẹ của Korean Air – Tập đoàn Hanjin cho biết: "Chúng tôi thừa nhận rằng một số vụ tấn công đã xảy ra trên thực tế và chúng tôi thành tâm xin lỗi".
Không dừng lại ở đó, nạn nhân C – người làm vườn cho gia đình Cho, đã báo cáo bảy vụ tấn công bị cáo buộc trong ba năm. Một trong những vụ việc, vào mùa đông năm 2013, bà Lee đối diện với tội nhổ nước bọt vào mặt nạn nhân. Mùa xuân tiếp theo, bà Lee tiếp tục ném một mảnh kim loại vào người làm vườn vì không loại bỏ cỏ dại đúng cách. Năm 2016, người làm vườn chịu thương tích khi rơi xuống từ chiếc thang cao 3 mét sau khi bị bà Lee đá.
Câu chuyện tiếp tục khi bà Lee bị cáo buộc đã ném một chiếc bình gốm vào hai nhân viên tại thời điểm tháng 09/2015. Khi chiếc bình không vỡ, bà ta buông lời miệt thị: "Đồ khốn, mày hãy nhanh chóng nhặt nó lên và đem lại đây cho tao". Khi chiếc bình được đưa đến tay, bà ta tiếp tục ném để chắc chắn chiếc bình phải vỡ.
Tháng 12/2013, bà Lee bị cáo buộc đã ném một chùm chìa khóa vào mặt nhân viên tới năm lần sau khi cáo buộc họ viết nhãn không thẳng hàng.
Một số lạm dụng đã được ghi lại trên camera và công khai với công chúng. Trong một video, bà Lee được cho rằng đã la hét với một nhóm nhân viên khi họ đứng cúi đầu. Bà Lee kéo một người và đẩy cô, sau đó lấy một chồng tài liệu và ném xuống đất.
Lee Myung-hee không phải "ác nữ" duy nhất trong gia đình. Trưởng nữ "ma quỷ" Cho Huyn Ah, đã tấn công hai tiếp viên hàng không của Korean Air vì họ đã phục vụ cô ta bằng túi hạt mắc-ca thay vì đổ ra bát sứ, khi máy bay chuẩn bị cất cánh.
Một cuộc tranh luận được châm ngòi trên toàn quốc về gapjil - một từ tiếng Hàn dành cho những kẻ quyền lực đối với người dưới quyền - trong các gia đình ưu tú thống trị kinh doanh và chính trị Hàn Quốc. "Những chaebol này được chính phủ ươm tạo và nuông chiều. Trên nền tảng này, chế độ gia đình vương quyền ngày nay đã được tạo ra".
Một số nhà sáng lập điều hành các "gã khổng lồ" chaebol coi nơi đây như sân chơi của riêng họ, Kim Eun-jung, một chuyên gia về kinh tế và lao động của Tổ chức Dân chủ Nhân dân cho hay. Việc thiếu các giới hạn ngoại vi kìm hãm quyền lực của những nhà lãnh đạo các chaebol đồng nghĩa với việc thừa nhận sự đối xử tàn tệ với nhân viên không phải cá biệt.
Ví dụ, trong trường hợp "cơn cuồng nộ hạt mắc-ca", Cho Hyun Ah đã phải ngồi tù vài tháng sau khi tòa án đưa ra nhận định vi phạm luật hàng không nhưng cuối cùng, cô ta đã được "đổi trắng thay đen" bằng tội thay đổi đường bay và nhận án treo vì tội tấn công nhân viên.
Vào tháng 4/2018, "cơn cuồng nộ cốc nước" – ái nữ Cho Hyun-min một lần nữa đưa gia đình chiếm trọn "hào quang" bằng hành động ném cốc nước thẳng vào mặt một giám đốc quảng cáo trong một cuộc họp. Sau đó, cô ta chỉ bị đình chỉ công việc và xin lỗi nhưng điều này dường như đây là thời điểm trả lời cho một câu hỏi: các nhân viên của Hãng hàng không Hàn Quốc sẵn sàng chịu đựng lạm dụng đến giới hạn nào.
Sau sự cố đó, một nhóm chat ẩn danh thu hút hàng nghìn nhân viên đã bắn phát súng đầu tiên vào "mặt hồ yên ả". Nhóm khuyến khích nhân viên báo cáo bất kỳ tham nhũng, lạm dụng và các hoạt động bất hợp pháp có thể có khác của gia đình Cho.
Tháng 5/2018, 500 nhân viên của Korean Air mặc đồng phục đã biểu tình tại quảng trường Gwanghwamun của Seoul, đeo mặt nạ kiểu Guy Fawkes để bảo vệ danh tính của họ.
Cao trào xảy ra khi một người biểu tình đã trèo lên sân khấu và nói: "Chúng ta đừng im lặng nữa, hãy ngẩng cao đầu", trước khi cởi mặt nạ ra.
Sóng gió đến với Korean Air
Công chúng khó lòng rộng lượng với một kẻ thủ ác và dần đánh mất kiên nhẫn. Một kiến nghị trên trang web của chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi xóa bỏ từ "Hàn Quốc" ra khỏi tên của hãng hàng không.
Nền văn hóa sợ hãi nhấm chìm Korean Air, gây ra bởi sự chênh lệch tương quan về quyền lực. Nỗi sợ này đã ngăn nhân viên chống lại sự xúc phẩm nhân phẩm và lạm dụng của "bề trên". Để sống được, cần biết cách "câm miệng". "Họ nói với bạn tại buổi tập huấn: khi họ đánh bạn, giả vờ như điều đó không xảy ra và đừng kháng cự" – tiếp viên Park Chang-jin, nhân vật chính trong bi kịch "hạt mắc-ca", nói. "Tâm trạng trong công ty là bất kể họ vi phạm đạo đức đến mức nào, chúng ta phải phục vụ họ với tư cách là chủ nhân. Trong công ty, tất cả chúng ta đều trở thành nô lệ tự nguyện".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần hứa sẽ giải quyết các vấn đề với hệ thống chaebol và thoát khỏi gapjil. Tổng thống mô tả đây là "kẻ thủ ác hàng đầu tại nơi làm việc". Nhưng kết quả, những gì đã bám vào cội rễ vào văn hóa chaebol của Hàn Quốc, không dễ dàng để xóa nhòa không một sớm một chiều.
Sẽ thật vô tình nếu như nhắc đến sự thật cổ phiếu của Korean Air đã tăng 3% sau khi thông tin vị Chủ tịch qua đời được loan báo. Tuy nhiên, thật khó có thể phủ nhận cái chết của ông đến quá bất ngờ, quá shock và quá "sai thời điểm". Những sóng gió gì sẽ đến với Korean Air, thật khó có thể đưa ra một câu trả lời. Nhưng có lẽ, sự xáo trộn sẽ không quá sâu sắc khi con trai của ông Cho, Ngài Cho Won-tae vẫn giữ nắm một ghế trong hội đồng quản trị.
theo Tổng hợp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-be-boi-rung-dong-day-gia-dinh-cuu-chu-tich-korean-air-vao-tui-ho-a82765.html