Để trở thành nhà lãnh đạo được vạn người nể phục, tỷ phú Vương Vệ luôn đặt một số nguyên tắc lên hàng đầu.
Đó chính là "tâm – tài – đức".
Thái độ quyết định tất cả
Khi 25 tuổi, Vương Vệ kiếm được khoản tiền đầu tiên trên đời. Lúc đó, ông chỉ muốn nói cho cả thế giới biết rằng: Vương Vệ ta không còn như lúc trước! Ta cũng là người có tiền!
Tuy nhiên, cảm giác này không tồn tại được lâu bởi ông nhận ra vài điều. Thứ nhất, khi sự nghiệp thăng tiến lên một nấc thang mới, cách nhìn nhận cũng sẽ thay đổi. Thứ hai, khi ông ngủ quên trên chiến thắng, vợ chính là người giúp ông tỉnh táo lại. Cuối cùng, ông tìm được đức tin nơi cửa Phật.
Sẽ có 99% điều trong cuộc sống ta không thể nào kiểm soát được. Thứ duy nhất ta có thể nắm trong tay là thái độ làm việc. Thái độ luôn có hai mặt, tích cực hoặc tiêu cực. Điều này hoàn toàn do mình quyết định.
Nếu lựa chọn chọn đúng thái độ, ta có thể vận dụng điều này để kiểm soát 99% còn lại, từ đó khắc phục, bù đắp cho những điều thiếu sót khác.
Nếu ngày đó Vương Vệ ngủ quên trên chiến thắng, không tiếp tục tiến lên, sẽ chẳng bao giờ ông có được thành công như ngày hôm nay.
Tận tâm với nhân viên của mình
Mỗi năm đều có rất nhiều người đến và rời khỏi công ty. Tại sao có những người khi gia nhập công ty thì rất tích cực, nhưng sau một thời gian lại rời đi? Lý do rất đơn giản, hoặc là đãi ngộ không công bằng, hoặc công ty không thể đáp ứng được nhu cầu của họ (cả về vật chất lẫn cơ hội thăng tiến).
Tuy nhiên, đây là điều cần phải nhìn lại. Nhiều nhân viên bỏ việc không phải là do công ty không đáp ứng được nhu cầu của họ, mà quan trọng nhất là công ty không biết là họ đang cần gì.
Theo Vương Vệ, để phát triển nhân lực, trước tiên, phải biết được họ cần gì để giữ họ lại. Người làm lãnh đạo cần thông qua văn hóa doanh nghiệp hoặc quá trình đào tạo để khuyến khích họ hòa nhập với công ty. Từ đó, họ có được cảm giác thân thuộc, cảm thấy vinh dự khi là thành viên của công ty. Trong quá trình này, tùy theo những nhóm người khác nhau mà sẽ có những biện pháp khác nhau.
Quản lý sẽ được đối xử như nào? Tiếp cận những người mới vào công ty thế nào? Cư xử với những nhân viên lớn tuổi có thâm niên ở công ty thế nào? Ngay cả giới tính khác nhau, cùng phải có những chiến lược khác nhau.
Không bao giờ được tùy cơ ứng biến, cách cư xử nhất định phải chi tiết, hệ thống và khoa học.
Các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn có thể sẽ thử nghiệm nhiều mô hình, đổi mới, tái cấu trúc nội bộ nhiều lần. Nhưng dù có thay đổi như thế nào, phải có một điều bất biến, đó là: công ty đối đãi với nhân viên phải thật tâm thật lòng, tích cực và chính đáng.
Khi tiến hành bất kỳ công việc gì, đều phải cân nhắc hai điều: thứ nhất là lợi ích của nhân viên, thứ hai là sự phát triển của công ty. Không thể chỉ nghĩ đến công ty mà bỏ mặc nhân viên.
Có đức, có uy
Nói về việc rèn luyện của người lãnh đạo, Vương Vệ cho rằng quan trọng nhất là cái "đức".
Hiện tại, rất nhiều người theo đuổi cái "uy". Họ khoe khoang sự giàu có của bản thân, cố xây dựng vẻ ngoài hào nhoáng, ra uy với kẻ dưới. Một số người đơn giản chỉ cho rằng, có tiền là có quyền kiêu ngạo. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.
"Uy" không phải được xây dựng trên tiền hay quyền, mà phải là "đức". Một người phải biết ngẩng cao đầu hãnh diện, nhận được sự tôn kính trong vui vẻ của những người xung quanh (chứ không phải là sự ghen tỵ). Đó mới gọi là "uy".
Muốn được người khác tôn trọng, đầu tiên là chúng ta phải tôn trọng người khác, nhất là tôn trọng kẻ dưới. Tôn trọng họ, ta không chỉ nhận được ánh mắt kính ngưỡng những người xung quanh mà còn khiến mọi người tận tâm hơn, nhất là những người đang làm việc cho mình. Có được sự tận tâm của họ, người ta sẽ tích cực làm việc, cống hiến cho công ty.
Phẩm chất của nhà lãnh đạo
Vương Vệ là người không ngừng sáng tạo những cái mới, vì ông luôn suy nghĩ về các nguy cơ trong tương lai. Đợi đến lúc gặp nguy hiểm mới ứng phó, lúc đó không kịp cứu vãn nữa.
Khi có vốn, nên thử những mô hình, những dự án mới. 10 dự án, sẽ có 1 cái thành công. Rất có thế dự án thành công này sẽ cứu vớt công ty trong tương lai. Khi gặp khủng hoảng, phải tích cực, lạc quan, dám thử và dám học hỏi. Trong thời đại phát triển nhanh như ngày hôm nay, không ai là có thể tránh khỏi sai lầm.
Chúng ta không thể đưa ra một sản phẩm hoàn hảo ngay lập tức. Vì vậy, mỗi người cần phải biết khắc phục sai lầm một cách nhanh chóng. Nếu một sản phẩm phải đợi cho đến khi thật hoàn hảo mới tung ra thị trường thì thời cơ đã qua, sự xuất hiện của nó sẽ trở nên vô nghĩa.
theo NetEase/ Trí thức trẻ