Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo, muốn đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Cả bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều có đơn kháng cáo bản án ly hôn sơ thẩm hôm 27/3 vừa qua.
1

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án ly hôn sơ thẩm.

Được biết, Toà án Nhân dân TP. HCM đã nhận đơn kháng cáo của bà Thảo và ông Vũ. Trong đơn, bà Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, trong khi ông Vũ kháng cáo một số nội dung liên quan đến việc chia tài sản.

Đáng chú ý, phía nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với ông Vũ. Ngoài ra, bà Thảo không đồng ý với quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ.

Phía ông Vũ kháng cáo, yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu 70%, bà Lê Hoàng Diệp Thảo 30%.

Trước đó, bản án sơ thẩm chấp nhận thuận tình ly hôn theo yêu cầu của bà Thảo. Bốn người con sẽ do bà Thảo nuôi. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng/năm, tính từ năm 2013, cho đến khi học xong đại học.

Về tỷ lệ cổ phần tại các công ty, tòa xác định ông Vũ đứng tên số cổ phần chiếm 20% vốn điều lệ, bà Thảo 10% Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên.

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), ông Vũ nắm 60%, còn bà Thảo nắm 30% cổ phần.

Tại 3 Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Hòa tan Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchise, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Vũ, bà Thảo lần lượt là 10% và 5%.

Ngoài ra, mỗi người còn đứng tên 15% cổ phần Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê. Còn tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, ông Vũ đứng tên 30% cổ phần (Công ty Trung Nguyên Singapore đã tách thành vụ án khác).

Theo nguyên tắc, tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Ông Vũ và gia đình đã sáng tạo ra cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán nhà bố mẹ và tiền vay mượn. Giấy phép kinh doanh cấp cho ông Vũ và ông Mơ (cha ông Vũ). Những năm sau đó thay đổi tên gọi và bổ sung ngành nghề kinh doanh.

Vì vậy theo tòa, về mặt đóng góp là thuộc về ông Vũ và gia đình, điều này phù hợp với những trình bày của ông Vũ tại tòa.

Tòa nhận định khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên. Bà Thảo nuôi các cháu ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con. Một mình ông Vũ quản lý Trung Nguyên, ông là ông chủ Trung Nguyên và mang về lợi nhuận cao.

Việc bà Thảo cho rằng ông Vũ mải mê thiền định mà không quan tâm đến công ty, tòa nhận thấy căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên đều duy trì phát triển ở 650 tỷ đồng trở lên. Mặc dù việc kiện cáo ảnh hưởng nhưng công ty vẫn phát triển, nên tòa xét thấy phải chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức bà Thảo.

Do đó, Tòa nhận thấy cần phải chia cho ông Vũ 60%, bà Thảo 40%.

Tòa nhận định cần thiết giao cổ phần bà Thảo và ông Vũ trong Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý theo Luật Hôn nhân Gia đình. Ông Vũ thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo; tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới.

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ba-le-hoang-diep-thao-khang-cao-muon-doan-tu-voi-ong-dang-le-nguyen-vu-a83202.html