Đi lên từ nhà thầu nền móng
Sau khi rời Tổng Công ty Licogi, cách đây 15 năm ông Phạm Việt Khoa (hiện là Chủ tịch HĐQT FECON) cùng với các cộng sự của mình đã lập nghiệp là một nhà thầu nhỏ chuyên đi xử lý nền móng các công trình – một lĩnh vực rất ít người lựa chọn. Đến nay nhà thầu này đã là một 10 nhà thầu uy tín trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Ông Phạm Việt Khoa chia sẻ, ngay từ khi mới ra đời HĐQT của FECON đã quyết định phát triển công ty theo quan điểm: "mọi công trình đều bắt đầu từ móng". Với những bước đi chiến lược và bền vững FECON đang dần tiến đến mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu VN về xây dựng và phát triển hạ tầng.
"Tận dụng thế mạnh của các sáng lập viên – là những kỹ sư nhóm kỹ sư địa kỹ thuật và xây dựng, chúng tôi đã vạch ra hướng đi riêng cho công ty – thực hiện những công việc khảo sát, thí nghiệm địa chất và thi công nền móng công trình. Nay, sau 15 năm phát triển FECON cơ bản đã định vị được thương hiệu, uy tín của mình với các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước và quốc tế ở một lĩnh vực vô cùng hẹp nhưng quan trọng này", ông Khoa nói.
Tìm hiểu được biết, FECON hiện đang là số ít nhà thầu có năng lực xử lý nền móng và cung cấp các giải pháp tổng thể cho rất nhiều công trình, nhất là nơi có nền đất yếu. Từ khảo sát địa chất, thí nghiệm địa kỹ thuật, sản xuất cọc móng các loại đến thiết kế, thi công.
Nhiều dự án lớn đã được nhà thầu này triển khai như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; các nhà máy nhiệt điện: Nghi Sơn 1, Thái Bình 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Nhơn Trạch 2; các đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nhiều dự án FDI nổi bật như: Nhà máy Điện tử Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tp.HCM; Nhà máy Điện tử LG Hải Phòng; Nhà máy Honda…
Cũng theo ông Khoa, trong suốt nhiều năm qua FECON luôn coi trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, lấy đó là nền tảng để phát triển. Từ chỗ ép cọc bằng máy tự chế lúc ban đầu, FECON đã chuyển sang công nghệ ép tự hành bằng máy Robot; Từ chỗ sản xuất cọc bằng thủ công, đổ bê tông ngay tại công trường, cọc đổ trước làm ván khuôn cho cọc đổ sau, từ 2008, FECON đã tiên phong trong việc sản xuất và sử dụng cọc ly tâm PHC/ PC như một sản phẩm công nghiệp tinh vi, được sản xuất hàng loạt tại nhà máy.
Riêng năm 2017, FECON đã thử nghiệm và áp dụng thành công công nghệ đầm rung sâu tại dự án Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), Công nghệ Shaft Grouting tại các dự án Empire City – phía Nam; đưa Jet Grouting đường kính lớn vượt ra khỏi phạm vi thi công các dự án tàu điện ngầm ở dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3…
Từ một nhà thầu nhỏ, đến nay nhiều công trình lớn đều rơi vào tay doanh nghiệp này xử lý nền móng. Năm 2018 FECON ghi nhận tổng doanh thu hơn 2.860 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng, tăng trưởng trên 42% so với năm 2017.
Cuộc chơi lớn với công trình ngầm, lấn sân đầu tư hạ tầng
Gần đây, FECON bắt đầu có tham vọng hơn với các dự án công trình ngầm – một lĩnh vực mà ông Khoa cho rằng rất còn nhiều dư địa phát triển, mà trước đây đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhận.
Công trình ngầm không chỉ là hệ thống đường dây, đường ống ngầm kỹ thuật, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ô tô, đường bộ, hệ thống thoát nước ngầm…mà còn là những tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng, thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị. Thậm chí đó còn là đô thị dưới lòng đất như thành phố Montreal (Canada) có đô thị ngầm RESO với hệ thống đường ngầm dài 32 km kết nối khoảng 80% khu văn phòng và 35% khu thương mại ở trung tâm thành phố; Hay khu Tokyo station City, Tokyu station City ở Tokyo hay khu Crysta Nagahori ở Osaka…
Đây được xem là cơ hội cho các nhà thầu có tiềm lực tại Việt Nam không riêng gì FECON. Tuy nhiên, có thể thấy FECON đang là nhà thầu Việt tiên phong, có nhiều tham vọng. Trong 2017 FECON đã đặt chân vào lĩnh vực này khi thực hiện robot khoan hầm (TBM) do kỹ sư của mình thực hiện để khoan những mét hầm đầu tiên của tuyến metro số 1 nối nhà hát TP đến ga Ba Son. Đây cũng là nhà thầu Việt đầu tiên thực hiện TBM do chuyên gia Nhật hướng dẫn. Và hiện đang là nhà thầu tại Dự án Metro line 3 Hà Nội.
Các kỹ sư Việt tham gia gói thầu tại metro số 1 đoạn nhà hát TP đến ga Ba Son
Không chỉ hướng tới lĩnh vực khó là metro, FECON còn tham gia vào lĩnh vực công trình ngầm đô thị như các công trình thoát nước, bãi đỗ xe ngầm, ngầm hóa các tuyến cáp quang, các hầm giao thông…
Mới đây, FECON liên tục có những thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài lớn với mục tiêu trở thành nhóm doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng vào năm 2020. Chẳng hạn như "thương vụ" hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đầu tư, phát triển dự án hạ tầng giao thông Việt Nam với hai đối tác Nhật Bản NEXCO và JEXWAY tại dự án BOT tuyến tránh TP Phủ Lý (Hà Nam).
Năm 2019, FECON cũng sẽ hoàn tất dự án đầu tư đầu tiên vào điện mặt trời tại Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, đồng thời bắt tay ký kết hợp tác với Tập đoàn ACWA Power (Ả rập Xê út) và cùng đối tác nghiên cứu 3 dự án điện mặt trời khác tại Ninh Thuận và Bình Thuận…
Mới đây, FECON cũng đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn Raito Kogyo của Nhật – một trong những tập đoàn xây dựng công trình ngầm hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc. Theo đó, Raito mua lại toàn bộ lượng trái phiếu chuyển đổi của FECON do Ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ) đang sở hữu để tăng tỷ lệ góp vốn lên 19% tại FECON, theo nội dung hợp tác giữa FECON và Raito, tập đoàn này sẽ mua 9.423.828 cổ phiếu tương ứng với 36% vốn điều lệ của Công ty công trình ngầm FECON (FCU).
Ngay trong những ngày đầu năm 20019, công ty này cho biết, đã ký kết các hợp đồng lớn với tổng trị giá trên 1200 tỷ đồng tại những dự án quan trọng như Nhà máy nước thải Yên Xá; Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Dự án nhà máy Jotun Bình Dương, Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… Đặc biệt, tiếp cận thành công dự án Cầu Bago tại Myanmar với gói thầu đầu tiên trị giá 1 triệu USD để làm tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu lên tới 47% cho năm 2019, là 4.200 tỷ đồng.
Theo Trí thức trẻ