Xin cảm ơn vì lời khen tặng và cả những ủng hộ mà khán giả đã dành tặng cho Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO), đặc biệt là chuỗi chương trình Hòa nhạc Giáo dục mà chúng tôi mới bắt đầu gần đây.
Khi Dàn nhạc được thành lập, sứ mệnh của chúng tôi không chỉ là mang đến một tiêu chuẩn mới về âm nhạc giao hưởng tại Hà Nội mà còn nhận vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng cho giới trẻ Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc mà nhiều người vẫn cho là “khó nghe” này. Họ là tương lai của đất nước và chúng tôi mong muốn làm phong phú đời sống của các bạn trẻ thông qua niềm đam mê âm nhạc.
Ông có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa và mục tiêu của chương trình “Hòa nhạc giáo dục”?
Chuỗi chương trình Hòa nhạc Giáo dục là một cách để SSO tiếp cận và truyền cảm hứng cho khán giả. Không gian các buổi Hòa nhạc Giáo dục không quá trang trọng, và điều đó cho phép chúng tôi gần hơn với công chúng qua các phần giao lưu và giới thiệu nhạc cụ.
Chúng tôi hy vọng việc khám phá các nhạc cụ và các tác phẩm được biểu diễn bởi dàn nhạc theo cách gần gũi như vậy sẽ giúp khán thính giả hiểu rõ hơn và có những đánh giá đúng hơn về những gì mà SSO đã và đang mang tới.
Tiêu chí để tuyển chọn các nhạc công nhí tham gia các chương trình “hòa nhạc giáo dục” là gì, thưa ông?
Tất cả các nghệ sĩ độc tấu trẻ trong các buổi Hòa nhạc Giáo dục của SSO đều là học sinh sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các em đều là những học sinh, sinh viên ưu tú với khả năng nổi bật. Đa phần các em chưa bao giờ có cơ hội biểu diễn cùng một dàn nhạc chất lượng cao như SSO.
Đây là một cách chúng tôi giúp quảng bá các nghệ sĩ tương lai của Việt Nam, cũng như mang lại cho các em một trải nghiệm học hỏi đáng giá. Chúng tôi cũng hy vọng các buổi Hòa nhạc Giáo dục sẽ truyền cảm hứng cho các tài năng âm nhạc khác chưa được khai phá mơ ước và phấn đấu để một ngày được cùng biểu diễn với một dàn nhạc như SSO.
Sau 3 chương trình Hòa nhạc giáo dục, ông đánh giá như thế nào về tài năng của các nhạc công nhí Việt Nam?
Các nhạc công đều phát triển theo tài năng của riêng mình bất kể họ đến từ đâu. Hiển nhiên rằng một nhạc công được tiếp xúc, cọ xát nhiều hơn với môi trường âm nhạc chất lượng sẽ tiến bộ nhanh hơn. Những tài năng trẻ hợp tác cùng chúng tôi cho đến nay đều rất tiềm năng và sẵn sàng học hỏi.
Hy vọng rằng bằng cách chia sẻ kiến thức và niềm đam mê âm nhạc, chúng tôi có thể giúp các tài năng trẻ nhận ra tiềm năng thực sự của mình. Với một đất nước mà âm nhạc cổ điển vẫn còn là một khái niệm mới mẻ (ít nhất là so với phương Tây), thật đáng mừng khi các nhạc công luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để trau dồi kỹ năng. SSO rất hạnh phúc khi có thể mang lại một trong số những cơ hội đó cho các tài năng trẻ.
Hòa nhạc giáo dục của SSO có thể coi là một dự án đào tạo và "phổ cập" nhạc hàn lâm cho học sinh, sinh viên lần đầu tiên ra đời. Phải chăng đây là mong muốn “trẻ hóa”, mở rộng thêm đối tượng nghe nhạc giao hưởng của SSO?
Chúng tôi không thu hút khán giả đơn thuần bằng việc chơi loại nhạc mà công chúng muốn nghe. Đó chỉ là giải trí. Mục tiêu của chúng tôi là làm phong phú đời sống tinh thần của khán giả thông qua âm nhạc, giúp họ cảm nhận được linh hồn tồn tại giữa các nốt nhạc. Tất cả bắt đầu từ giáo dục.
Người ta có thể thấu hiểu cảm xúc và con người thông qua các cử chỉ âm nhạc của người nghệ sỹ. Bằng cách giúp khán giả trẻ nói riêng và khán giả nhạc giao hưởng nói chung hiểu được điều kỳ diệu ấy, thế giới sẽ trở nên tươi đẹp hơn. Điều đó cũng kiến những gì chúng tôi làm tại SSO trở nên ý nghĩa hơn và cũng là nguồn cảm hứng cho chính chúng tôi trong hành trình đưa nhạc hàn lâm đến với công chúng Việt Nam.
Ông có thể bật mí đôi chút về buổi hòa nhạc giáo dục tiếp theo không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình âm nhạc này cùng những tài năng mới của Việt Nam, để khám phá các nhạc cụ khác, giới thiệu tới khán giả những tác phẩm quen thuộc hoặc mới lạ. Chúng tôi đang cân nhắc việc mang đến một số trường học các buổi giới thiệu, đào tạo về âm nhạc.
Sau 3 buổi hòa nhạc giáo dục, SSO có dự tính gì cho việc đào tạo các nhạc công nhí này, nếu họ muốn tiếp tục được trình diễn cùng dàn nhạc?
SSO chỉ là một phần trong bối cảnh văn hóa Việt Nam. Chúng tôi hy vọng việc mang một Dàn nhạc giao hưởng đẳng cấp thế giới đến Hà Nội sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng, làm giàu đời sống khán giả thông qua âm nhạc, khiến người dân nơi đây muốn đầu tư nhiều hơn cho thế hệ nghệ sỹ tiếp theo của Việt Nam.
Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông. Chúc SSO sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.