Tạo khuôn khổ pháp lý phát triển hợp tác xã

Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 hợp tác xã ra đời mỗi năm với quy mô ngày càng lớn hơn đặt ra yêu cầu về chính sách và một khuôn khổ pháp lý cho hợp tác xã phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải có khuôn khổ pháp lý cho hợp tác xã phát triển. Ảnh: Bảo Zoãn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải có khuôn khổ pháp lý cho hợp tác xã phát triển (Ảnh: Bảo Zoãn)
Nhu cầu phát triển doanh nghiệp hợp tác xã có, nhưng khuôn khổ pháp lý thì chưa, ông Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phát biểu tại Diễn đàn Pháp lý liên minh hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2019 diễn ra chiều 17.4.

Chương trình do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức.

Theo Phó Thủ tướng, cách đây 15 năm, Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Quốc hội Việt Nam cũng đã hai lần ban hành và gần đây nhất sửa đổi luật về hợp tác xã năm 2012. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo trung ương. Việc phát triển hợp tác xã gắn liền với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Dù vậy, hoạt động của hợp tác xã đang gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã thoát ra tình trạng yếu kém kéo dài trong thời gian dài nhưng việc phát triển chưa đồng đều.

Phần lớn hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nguồn đầu vào, rất ít doanh nghiệp kết nối thị trường và doanh nghiệp để cung ứng đầu ra cho nông dân, Phó Thủ tướng cho biết. Việc kết nối hợp tác xã nông nghiệp với các nhà khoa học, nhà băng hay vai trò quản lý của nhà nước còn lúng túng, Phó Thủ tướng thừa nhận.

Hợp tác xã cũng rất khác so với doanh nghiệp. Luật hợp tác xã hiện hành cho phép hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, nhưng quy trình, trình tự, thủ tục để thành lập một doanh nghiệp hợp tác xã, mối quan hệ của hợp tác xã với các doanh nghiệp này như thế nào vẫn còn là một vấn đề lớn của Việt Nam.

Điều đó đặt ra yêu cầu về chính sách và một khuôn khổ pháp lý cho hợp tác xã doanh nghiệp pháp triển, trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 hợp tác xã ra đời mỗi năm với quy mô ngày càng lớn hơn.

Diễn đàn Pháp lý liên minh hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 quy tụ các chuyên gia tới từ các nền kinh tế phát triển hợp tác xã trên thế giới, là cơ hội cho Việt Nam tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã. Có hơn 33 ý kiến của các chuyên gia đến từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau đã đóng góp ý kiến cho Việt Nam, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam - một trong các đơn vị phối hợp tổ chức, cho biết tại diễn đàn.

Việt Nam hiện có gần 22.500 hợp tác xã, trong đó có trên 13.700 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả hiện chiếm 50%, từ mức 10% cách đây ba năm.

Mô hình hợp tác xã tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại lợi ích cho các hợp tác xã viên, với mức giá trị gia tăng trung bình toàn khu vực cao 13%, so với những người không tham gia. Có những mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, lợi ích này đạt từ 20-40%.

Viện kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, liên minh hợp tác xã Việt Nam, Lavifood và Ngân hàng SCB ký kết một hợp đồng nguyên tắc nhằm xây dựng nhiều trung tâm hỗ trợ nông dân, đặc biệt là hợp tác xã. Ảnh: Bảo Zoãn

Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Công ty Lavifood và Ngân hàng SCB ký kết một hợp đồng nguyên tắc nhằm xây dựng nhiều trung tâm hỗ trợ nông dân, đặc biệt là hợp tác xã (Ảnh: Bảo Zoãn)

Dù vậy, các hợp tác xã hiện nay, do nhiều vướng mắc đặc biệt là chính sách vay vốn, đã không thể tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, ông Lê Thành cho biết. "Nếu được, thì cũng chỉ là các nguồn vốn nhỏ phục vụ cho các hoạt động thường xuyên. Không tiếp cận được các nguồn vốn lớn phục vụ cho việc tái cấu trúc cây trồng vật nuôi. Điều này dẫn đến việc các hợp tác xã hoạt động thiếu đột phá và hiệu quả không cao".

"Chính phủ và các bộ ngành rất nỗ lực nhưng các chính sách, nhất là chính sách tiếp cận đất đai, tín dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, quản trị, thuế... đối với hợp tác xã rất khó khăn", ông Huệ nói.

Chính phủ quy định hợp tác xã có thể vay ngân hàng mà không phải thế chấp khoảng 400 triệu đồng nhưng thực tế không một hợp tác xã nào tiếp cận được nguồn tín dụng, ông Huệ cho biết.

Việc thiếu vốn dẫn đến các hoạt động logistics của hợp tác xã đang bị bỏ ngỏ, từ việc cung ứng các đầu vào, lưu kho, xử lý và bảo quản sau thu hoạch cho đến vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng đều không chủ động và hoàn toàn phụ thuộc vào các đối tác nhỏ lẻ, không đảm bảo được sự ổn định cả đầu vào lẫn đầu ra cho quá trình sản xuất.

Hiện tại, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đang hợp tác với Lavifood để phát triển nhà máy chế biến rau củ quả, là cú hích quan trọng giải quyết đầu ra cho các hợp tác xã trồng rau quả. Đây cũng là cách giải bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, ông Thành cho biết.

Để hoàn thiện và mở rộng chuỗi giá trị, Viện kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ cùng với Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Lavifood và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cùng ký kết một hợp đồng nguyên tắc nhằm xây dựng nhiều trung tâm hỗ trợ nông dân và nhà máy để giúp đỡ cho những người sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã.

Nhật Duy/NQL

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tao-khuon-kho-phap-ly-phat-trien-hop-tac-xa-a84431.html