Bloomberg vừa công bố Misery Index - xếp hạng "độ khổ sở" của 62 nền kinh tế dựa trên tổng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp dự báo năm nay. Theo đó, Venezuela lần thứ 5 liên tiếp đứng đầu với hơn 8 triệu điểm, khi lạm phát được dự báo lên tới 8 triệu phần trăm năm nay.
Theo sau là Argentina, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Thứ tự này không thay đổi so với năm ngoái.
Danh sách các nền kinh tế khổ sở nhất thế giới năm 2018 và năm nay. |
Các quốc gia này đều đang trong cuộc chiến chống lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong khi đó, phần lớn quốc gia khác đối mặt với thách thức ngược lại. Đó là sự kết hợp giữa lạm phát đứng yên và tỷ lệ thất nghiệp thấp, khiến sức khỏe nền kinh tế khó đoán định.
Thái Lan một lần nữa giành danh hiệu nền kinh tế "ít khổ sở nhất", nhờ cách tính tỷ lệ thất nghiệp khác biệt. Thụy Sĩ, Mỹ và Anh đều có cải thiện đáng kể về thứ hạng. Còn Singapore tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm cuối.
Bloomberg Misery Index dựa trên lý thuyết lâu đời, rằng nhìn chung, lạm phát và thất nghiệp thấp sẽ giúp người dân cảm thấy yên tâm về nền kinh tế. Dù vậy, lạm phát thấp kéo dài có thể phản ánh nhu cầu yếu, như trường hợp của Nhật Bản. Tỷ lệ thất nghiệp quá thấp cũng sẽ khiến người lao động khó có cơ hội chuyển sang công việc tốt hơn.
Theo các nhà kinh tế học, gần nửa số nền kinh tế được khảo sát có lạm phát dự báo năm nay thấp hơn năm ngoái. Còn với tỷ lệ thất nghiệp, phần lớn được cho là sẽ giảm.
Năm nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng thay đổi hành vi. Các nền kinh tế mới nổi năm ngoái đổ xô thắt chặt chính sách trong bối cảnh đôla Mỹ mạnh lên và lạm phát ổn định, thì năm nay bắt đầu nới lỏng. Dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay liên tiếp bị các tổ chức, gần đây nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), điều chỉnh giảm.
Hà Thu (theo Bloomberg)