Startup công nghệ y tế: Gia tăng trải nghiệm và trao quyền cho người bệnh

Thị trường công nghệ tòan cầu quý I.2019 ghi nhận tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ y tế (healthtech) đạt 2,9 tỉ USD, dù giảm 3,3% so với cùng kỳ nhưng dự kiến là năm hứa hẹn tăng trưởng lớn cho thị trường này, khi giá trị trung bình của các thương vụ đầu tư được ghi nhận ở mức 9,2 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.

Số liệu trong các báo cáo của Startup Health từ năm 2016 đến nay đều cho thấy, các startup trong lĩnh vực healthtech tập trung mạnh mẽ vào mảng nâng cao trải nghiệm cũng như trao quyền nhiều hơn cho người dùng/bệnh nhân luôn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất so với các startup cùng ngành nhưng tập trung vào các mảng khác.

Startup công nghệ y tế: Gia tăng trải nghiệm và trao quyền cho người bệnh - ảnh 1

Trừ năm 2015, số thương vụ và tổng vốn đầu tư vào healthtech tăng dần từ 2010-2018.

Báo cáo Startup Health Insights về tình hình đầu tư vào các healthtech trong quý I năm nay do Startup Health vừa công bố cho thấy, dù không dẫn đầu số vốn đầu tư nhưng mảng trao quyền cho bệnh nhân (patient empowerment) đang thu hút nhiều nhà đầu tư nhất, với hơn 405 triệu USD vốn đã đổ vào các startup mảng này.

Tuy mảng bảo hiểm dẫn đầu thị trường về giá trị rót vốn là 656,5 triệu USD, nhưng mức độ sôi động không cao bằng, lý do vì thương vụ đầu tư vào mỗi Clover Health đã chiếm đến 500 triệu USD.

Trong nhóm startup nhắm đến nâng cao khả năng tiếp cận y tế cho người dùng thu hút tổng vốn đầu tư lên đến 983 triệu USD, thì lưu lượng vốn vẫn tập trung nhiều nhất vào mảng trao quyền cho bệnh nhân. Thực tế, mảng này có đến 13 thương vụ đầu tư với tổng giá trị 271,8 triệu USD.

Bình luận về xu hướng này, bác sĩ Nguyễn Thành Danh - giám đốc điều hành tập đoàn Besins Healthcare (Pháp), một chuyên gia tư vấn marketing trong lĩnh vực y dược, cho rằng đối tượng khách hàng trong lĩnh vực y tế rất đa dạng, từ người bệnh đến bác sĩ, bệnh viện... Vì vậy, các startup cần xác định đối tượng cụ thể ngay từ khi khởi nghiệp. Ví dụ, nếu chọn bệnh nhân họ phải tập trung vào trải nghiệm của bệnh nhân, gia tăng tương tác, booking bác sĩ…; nếu khách hàng là bệnh viện thì cần một hướng đi khác.

Startup công nghệ y tế: Gia tăng trải nghiệm và trao quyền cho người bệnh - ảnh 2

Các startup tập trung vào mảng trao quyền cho bệnh nhân thu hút nhiều nhà đầu tư trong quý I.2019. Nguồn: Startup Healthtech

Ông Danh nhận định, các startup healthtech tại Việt Nam cần cẩn trọng khi chọn đối tượng khách hàng là bệnh viện, vì là hệ thống phức tạp về pháp lý, phần mềm, dữ liệu… "Việc tập trung vào nâng cao trải nghiệm người dùng sẽ giúp việc tương tác với khách hàng nhanh và hiệu quả hơn, vì sự thấu hiểu người dùng được nắm bắt dễ dàng hơn với bác sĩ hay những nhóm khách hàng khác. Nhờ đó, thời gian gọi vốn của các startup tập trung vào mảng này nhanh hơn các startup mảng khác”, ông Danh nói với Forbes Việt Nam.

Thực tế, cũng theo số liệu báo cáo của Startup Health, hồi năm 2016, trong top 10 thương vụ đầu tư lớn nhất vào các công ty chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, có đến 5 công ty chuyên tập trung vào mảng nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng/bệnh nhân, như Google đầu tư 500 triệu USD vào Onduo, Undisclosed đầu tư 500 triệu USD vào Ping An Good Doctor, Matrix Partners đầu tư 448 triệu USD vào Babytree...

Một năm sau đó, mảng nâng cao trải nghiệm cho người dùng/bệnh nhân tiếp tục là mảng năng động nhất với tổng cộng 191 thương vụ đầu tư, lên đến 1,64 tỉ USD. Đến năm 2018, mảng trao quyền cho bệnh nhân cũng chứng tỏ độ hấp dẫn khi thu hút nhiều vốn nhất thị trường, với 1,04 tỉ USD.

Thị trường healthtech quý I.2019 ghi nhận tổng vốn đầu tư 2,9 tỉ USD, giảm 3,3% về giá trị và giảm 37% về số thương vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên 2019 được kỳ vọng là năm hứa hẹn mức tăng trưởng lớn cho thị trường này, khi giá trị trung bình của các thương vụ đầu tư ở mức 9,2 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.

Startup công nghệ y tế: Gia tăng trải nghiệm và trao quyền cho người bệnh - ảnh 3

Top 10 thành phố/quốc gia thu hút đầu tư cho healthtech mạnh nhất quý I.2019.

Ở ngoài thị trường Mỹ, Trung Quốc được xem là mảnh đất tiềm năng cho ngành healthtech. Trong top 10 thương vụ dẫn đầu về lượng vốn “khủng”, có đến 4 thương vụ rót vào các startup Trung Quốc, đó là Taimei Medical Technology, Shuidichou, Miaoshou Doctor và Medbanks Network Technology. Các startup còn lại trong top 10 nằm rải rác ở các quốc gia Pháp, Thụy Sĩ, Ấn Độ và Israel.

Bên cạnh đó, trong danh sách các tỉnh/thành phố/khu vực hoạt động healthtech mạnh mẽ nhất, cũng có đến 3 thành phố của Trung Quốc, gồm Bắc Kinh (xếp thứ nhì trong danh sách); Quảng Châu (thứ tư) và Chiết Giang (thứ năm).

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng: Mong muốn Hoàn Mỹ - ảnh 3

Startup Health phân chia thị trường healthtech thành 11 nhóm, dựa vào các mục tiêu dài hạn của startup là: 
1. Nâng cao khả năng tiếp cận y tế đến người dùng; 2. Giảm chi phí chăm sóc sức khỏe về 0 đồng; 3. Chữa lành bệnh tật; 4. Điều trị ung thư; 5. Chăm sóc sức khỏe phụ nữ.; 6. Chăm sóc sức khỏe trẻ em; 7. Dinh dưỡng và tập luyện; 8. Sức khỏe não bộ; 9. Sức khỏe tinh thần; 10. Chữa nghiện thuốc; 11. Kéo dài tuổi thọ.

Bích Trâm/Forbes Vietnam

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/startup-cong-nghe-y-te-gia-tang-trai-nghiem-va-trao-quyen-cho-nguoi-benh-a85946.html