Nhiều đại gia Việt có tốc độ phát triển thần tốc khiến các doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu năm phải thèm khát. Bí mật nào đằng sau những thành công của nhiều tỷ phú USD.
Đại gia Việt bứt phá thần tốc
Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (GEX) vừa công bố kết quả kinh doanh 2018 với doanh thu và lợi nhuận kỷ lục: Doanh thu tăng 14,3% lên mức kỷ lục 13,7 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 41,6% so với năm trước đó lên 1,533 ngàn tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Gelex của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn hoàn tất việc mua và sở hữu chi phối Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC), một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất máy biến áp 110kV, trong năm 2018. Tuy nhiên, việc thoái vốn Nhà nước tại EEMC chưa được thực hiện nên Gelex chưa hoàn thành việc này.
Mặc dù vậy, mức tăng trưởng 2018 đã là cao kỷ lục nhất trong quá trình hình thành và phát triển của Gelex, sau 3 năm tái cấu trúc và cả suốt lịch sử DN này.
Tính trong 5 năm qua, tài sản của Gelex tăng gấp 3,4 lần; vốn chủ sở hữu tăng 3,6 lần; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng 3 lần...
Nhiều đại gia Việt lèo lái doanh nghiệp tăng thần tốc trong vài năm gần đây. |
Trong vài năm gần đây, không ít doanh nghiệp có tốc độ phát triển thần tốc, bứt phá ngoạn mục và trở thành đế chế tại Việt Nam như trường hợp của Vinamilk của bà Mai Kiều Liên hay Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh. Trong 10 năm qua, quy mô vốn hóa của Vingroup tăng cả chục lần lên 370 ngàn tỷ đồng. Vinamilk cũng lọt top có quy mô trên 10 tỷ USD.
Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đang bứt phá thần tốc với vị trị số 1 ngày càng vững chắc trong lĩnh vực dây và cáp điện tại Việt Nam, với những doanh nghiệp con nổi tiếng như Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Vinakip,... và đang mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản (BĐS) và đầu tư thông qua M&A. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực truyền thống và là thế mạnh của Gelex, chiếm khoảng 70% doanh số.
Thương hiệu Cadivi đang đứng vị trí số 1 Việt Nam về dây và cáp điện. Thương hiệu Thibidi cũng là thương hiệu hàng đầu Việt Nam về sản xuất máy biến áp. Nếu mua được EEMC, vị trí này sẽ càng được củng cố.
Trong khi đó, Sotrans cung cấp chuỗi dịch vụ logistics khép kín và luôn nằm trong top đầu của Việt Nam. Trong lĩnh vực vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, Viettranstimex là đơn vị thành viên của Sotrans hiện giữ vị trí số 1 Đông Nam Á và Top 50 thế giới.
Đây cũng là ông chủ của một loạt tài sản rất có giá trị, như Khách sạn Melia (HEM nắm 35%); dự án trụ sở Gelex 52 Lê Đại Hành (Hà Nội), dự án đất kim cương tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội),...
Bí mật đằng sau sự phát triển thần tốc
Sở dĩ nhiều đại gia Việt như Vingroup, Vinamilk, Techcombank hay Gelex phát triển thần tốc thời gian qua là nhờ chiến lược M&A doanh nghiệp đầu ngành, khả năng huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cũng như trình độ quản trị cao.
Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn tập trung thâu tóm mảng kinh doanh cốt lõi và có khả năng sinh lời cao: thiết bị điện để tạo ra dòng tiền rồi từ đó đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực có triển vọng và tạo ra giá trị lâu dài.
Trong vài năm gần đây, Gelex từng bước nâng tỷ lệ sở hữu ở các công ty con như Cadivi (hiện đã lên tới 91,64%), Thibidi (78,52%), HEM (66,16%), Sotrans (100%), Vietranstimex (84%), Nước Sông Đà Viwasupco (60,46%)...
Thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành cùng với việc tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước là cách mà các đại gia phát triển đế chế của mình. |
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, định hướng của Gelex là tập trung đầu tư, M&A các doanh nghiệp đầu ngành bởi ở đó không chỉ có dòng tiền dồi dào mà cả những nhân sự tốt nhất, công nghệ dẫn đầu...
Còn theo bà Đỗ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch HĐQT Gelex, Gelex không bỏ tiền ra mua tài sản mà là mua dòng tiền, từ các cỗ máy in tiền đó sẽ tích lũy để đầu tư vào các lĩnh vực khác có triển vọng và khả năng sinh lời dài hạn.
Theo đó, mảng thiết bị điện có dòng tiền dồi dào, khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền này giúp Gelex tiếp tục thâu tóm các doanh nghiệp trong cùng ngành, cũng như tích lũy đầu tư sang các lĩnh vực khác có liên quan như nhóm hạ tầng (điện nước, logisstics, bất động sản công nghiệp,... ). Các nhóm này cần nhiều đầu tư ban đầu lớn nhưng sau sẽ sinh lời đều đặn.
Ngoài ra, tới đây Gelex tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất có tính chất tương đồng/bổ trợ cho mảng sản xuất truyền thống của tập đoàn như: VLXD, BĐS khu công nghiệp... Mục tiêu của Gelex là có thể cung cấp cho thị trường các “gói giải pháp” bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm riêng lẻ như hiện nay.
Một chiến lược khác mà nhiều tỷ phú Việt như ông Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh... đã áp dụng và thành công gần đây là sử dụng nguồn lực quốc tế.
Thời gian qua, Gelex chủ yếu dùng tiền tự có, tiền vay và trái phiếu trong nước để tài trợ cho các thương vụ M&A, nhưng sắp tới DN này sẽ tiếp cận với các nguồn vốn quốc tế giống như Vingroup, Techcombank, Masan,...
Lý do là bởi, nhu cầu thâu tóm và mở rộng quy mô của Gelex rất lớn, trong khi thương vụ thâu tóm một phần Viglacera gần đây cho thấy, dòng tiền của Gelex không theo kịp các thương vụ như vậy. Nếu tiếp tục mua Viglacera thì Gelex phải cần thêm khoảng 180 triệu USD. Đó là chưa kể tới tham vọng thâu tóm nhiều mảng lĩnh vực khác, trong đó có hai cảng, cũng như đầu tư vào các lĩnh vực cần vốn lớn, vốn dài như năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời, hay dự án 2 khách sạn 5-6 sao tại khu đất kim cương tại số 10 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội),...
Hiện Gelex đã làm việc với các tổ chức tài trợ vốn quốc tế. Dự kiến trong quý 4, doanh nghiệp sẽ công bố rộng rãi thông tin về việc huy động vốn ngoại.
M. Hà