Làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam đã kéo theo làn sóng "nhảy việc" của các ứng viên giữa các nhà máy cùng ngành. Tại TPHCM, so với các ngành khác, ngành Sản xuất và Công nghiệp là lĩnh vực được ghi nhận đang trả mức lương cao nhất cho rất nhiều vị trí cấp trung và cấp cao tại đây. Cấp quản lý ngành này có vị trí trả đến 8.000 USD, tương đương 185 triệu đồng/tháng.
Làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục đổ dồn vào thị trường Việt Nam, đăc biệt ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất, báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam Quý 1/2019 của Navigos Group cho biết.
Theo ghi nhận của Navigos, nhiều dự án các nhà máy mới vào Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng qui mô nhân sự đến gấp đôi, hoặc gấp ba lần trong năm, đặc biệt là lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp…
Nhu cầu tăng trưởng qui mô đột biến này do doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy hoặc tái cấu trúc, dẫn tới thách thức lớn cho nhà tuyển dụng trong việc thu hút và giữ chân ứng viên, xuất hiện làn sóng "nhảy việc" của các ứng viên giữa các nhà máy trong cùng một ngành.
Các vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhiều chủ yếu là vị trí Giám sát và cấp Quản lý, dự kiến các nhu cầu tuyển dụng vẫn sẽ tăng đều cho đến khi các công ty hoạt động ổn định.
"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng yêu cầu tuyển dụng các ứng viên phải nói được tiếng Hoa", báo cáo cho biết.
Tại khu vực TPHCM, so với các ngành khác, Sản xuất và Công nghiệp là lĩnh vực được ghi nhận đang trả mức lương cao nhất cho rất nhiều vị trí cấp trung và cấp cao tại đây. Vị trí kỹ sư có thể được trả mức lương là 4.000 USD, cấp Quản lý có vị trí trả đến 8.000 USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: Miifotos.com.
Chiếu theo tỷ giá ngoại tệ của Vietcombank ngày 23/4 ở mức 1 USD = 23.165 đồng, mức lương trên tương đương với gần 93 triệu đồng/tháng đối với vị trí Kỹ sư và hơn 185 triệu đồng/tháng đối với vị trí Quản lý.
Trong báo cáo trên, Navigos cũng đề cập tới hai ngành có biến động về tuyển dụng khác là Nông nghiệp và Địa ốc.
Với mảng Nông nghiệp, năm nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã tham gia xây dựng mô hình nông nghiệp 3F (feed: thức ăn chăn nuôi – farm: trang trại – food: thực phẩm). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư số vốn rất lớn vào dây chuyền sản xuất và chế biến hiện đại, áp dụng những công nghệ tiêu chuẩn châu Âu. Xu hướng phát triển mô hình nông nghiệp mới này dẫn đến những yêu cầu trong tuyển dụng của doanh nghiệp cũng có sự thay đổi nhiều hơn.
Hai mảng có nhu cầu tuyển dụng nhiều là nuôi trồng và thú y. Hầu như doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều các vị trí từ cấp trung và yêu cầu các ứng viên phải hiểu biết chuyên sâu về kĩ thuật.
Với mảng Địa ốc, sóng ngầm M&A kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp C-level.
Theo ghi nhận, xuất hiện những thương vụ Mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực địa ốc diễn ra từ cuối năm 2018 và hoàn tất trong năm 2019, nhưng chưa được truyền thông rộng rãi. Việt Nam được nhìn nhận là địa điểm thu hút nguồn vốn cho M&A của nhiều nhà đầu tư đến từ châu Á.
Nhờ dòng vốn đầu tư của nước ngoài tiếp tục đổ dồn mạnh mẽ, bên cạnh đó là sự phát triển của các khu vực lân cận trung tâm như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng,…thị trường bất động sản Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định vào khoảng 15%. Điều này cũng kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp C-level (các vị trí Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc) khá nhiều như: CFO (Giám đốc Tài chính), COO (Giám đốc Hoạt động), Country Manager (Giám đốc Quốc gia hoặc Trưởng Đại diện) để phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp.
Bình An
Theo Trí Thức Trẻ