Bi hài chuyện đàm phán kinh doanh: Người Âu Tây có thể uống bia và đứng liên tục từ 18-21h, rồi mới ngồi vào bàn ăn tối

Trong đàm phán kinh doanh quốc tế, những khác biệt về văn hóa tạo nên một thách thức lớn cho các nhà đàm phán, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và tính mềm dẻo thì mới có thể vượt qua.


Trong đàm phán kinh doanh quốc tế, những khác biệt về văn hóa tạo nên một thách thức lớn cho các nhà đàm phán, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và tính mềm dẻo thì mới có thể vượt qua.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta dù muốn hay không cũng vẫn là một nhà đàm phán. Nhưng để trở thành một người có kỹ năng đàm phán giỏi đòi hỏi phải có khả năng, kiến thức, kinh nghiệm, phải học tập và phấn đấu không ngừng. Trong kinh doanh quốc tế, đàm phán là một hoạt động không thể thiếu, và có vị trí đặc biệt quan trọng.Quá trình này chịu sự tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài vào quá trình này.

Sự khác biệt văn hóa hiện diện trên các cấp độ khác nhau là một trong những yếu tố quan trọng nhất: Trên cấp độ quốc gia, đó là sự khác biệt của văn hóa dân tộc; trên cấp độ tổ chức, bên cạnh sự tác động của văn hóa dân tộc là sự tác động của văn hóa tổ chức; trên cấp độ cá nhân, mỗi cá nhân tham gia vào quá trình đàm phán đều có những điểm văn hóa khác nhau; Những đặc điểm đó không chỉ phụ thuộc vào dân tộc, văn hóa tổ chức mà còn được quyết định bởi tính cách cá nhân, trình độ văn hóa, kinh nghiệm nghề nghiệp… của nhà đàm phán.

Trong đàm phán kinh doanh quốc tế, những khác biệt về văn hóa tạo nên một thách thức lớn cho các nhà đàm phán, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và tính mềm dẻo thì mới có thể vượt qua. Khả năng đánh giá được các khác biệt văn hóa và điều khiển được đúng cách là yếu tố quan trọng giúp các cuộc đàm phán trong kinh doanh quốc tế thành công. Các bên càng hiểu và thích ứng với nhau thì bầu không khí đàm phán càng thuận lợi, các bên càng thấy rõ lợi ích chung và càng sẵn lòng hợp tác để đôi bên cùng có lợi.

Vốn là người đóng vai trò lãnh đạo tại các tập đoàn đa quốc gia hơn 40 năm, giáo sư Phan Văn Trường được xem là bậc thầy lão luyện trong lĩnh vực đàm phán. Theo ông không thể nói về đàm phán một cách đầy đủ nếu không nói về ẩm thực. Con người ở đâu cũng thích ăn, thích uống. Và khi hội họp, dù không khí có căng thẳng đến đâu chăng nữa, đến giờ ăn và uống thì mọi căng thẳng biến mất, cho việc mà người ta thường gọi là "nhậu nhẹt".

Bi hài chuyện đàm phán kinh doanh: Người Âu Tây có thể uống bia và đứng liên tục từ 18-21h, rồi mới ngồi vào bàn ăn tối - Ảnh 1.

Khỏi phải nói, Việt Nam có truyền thống "nhậu nhẹt" từ lâu. Nhưng hầu như ngày nay không có hợp đồng nào được thỏa thuận nếu hai bên chưa uống trọn ly, dốc trọn chai. Rõ ràng không thể thân thiện nếu chưa thỏa tình, cùng say ít nhất một bữa với nhau. Tuy nhiên, văn hóa nhậu nhẹt và ẩm thực các nước không giống nhau và bạn nên nhớ mà đề phòng vì nó chạm tới phong cách và cuối cùng tới kết quả của thương thuyết.

Giáo sư Trường cho biết người Âu Tây rất thích uống bia vào giờ chiều sau buổi họp. Họ có thể uống bia liên tục từ 18g đến 21g, rồi mới ngồi vào bàn ăn tối. Khó chịu nhất là họ thích đứng uống chứ không chịu ngồi! Họ không dùng thức ăn kèm theo chai bia, mà chỉ đơn thuần uống bia. Phong tục của họ thường kể chuyện tào lao bằng tiếng Anh hay Pháp hay Đức...

Vào những giờ đó không còn thông dịch viên giúp bạn nữa, nhưng dù có thông dịch viên thì họ cũng không muốn cho người này vào, vì hết giờ làm việc rồi và đến lúc thư giãn! Thế là bạn bị kẹt, phải đứng 3 tiếng đồng hồ giữa 5, 6 ông cao hơn bạn ít nhất một đầu, kể chuyện tiếu lâm thuần túy Âu Tây, nói bằng thứ tiếng cao bồi ngoài đường chứ không phải ngôn ngữ chính thức trong buổi họp. Đến khi bạn đói quá rồi, ví dụ vào lúc 20g, thì họ còn phải uống thêm 3 lon bia nữa, kể thêm trăm chuyện nữa, mà vẫn đứng sừng sững không mỏi. Đến khi bạn cảm thấy đói gần cõi chết rồi họ mới vào bàn.

Đến 10 giờ đêm bạn mới trông thấy người ta bưng ra đĩa cơm thực thụ của bạn, sau bao nhiêu món ăn chơi như xúc xích, ô liu, xà lách. Bạn ợ chua, buồn ngủ, mệt mỏi trong khi họ cho cảm tưởng vô cùng hạnh phúc. Bạn nghĩ đến ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, và bạn cảm thấy lạc loài mệt mỏi. Bạn nhớ nước mắm, nhớ món lẩu nóng hổi không sao tìm ra ở xứ người. Và bạn biết mình còn phải cầm cự hàng tuần, hàng tháng nữa, mọi ngày như một.

Ngay cả khi nhậu ở tại nước ta, bạn cũng nên cẩn thận chớ nên đi quá trớn. Người Âu Tây đôi khi trông thì bệ rạc khi họ nhậu nhưng bao giờ họ cũng giữ chừng mực. Người Âu rất thích uống rượu, nhưng họ chỉ uống một hai ly rượu thật ngon. Bạn mà kéo họ uống đua là bạn lầm. Họ không hiểu nổi phong tục hủy hoại sức khỏe khi chúng ta uống đua, nhất là khi rượu không phải loại tốt cho sức khỏe.

Họ luôn luôn giữ chút tỉnh táo để kết luận rằng "mấy ông ấy điên thực rồi, uống cồn 50 độ để tự tử", trong khi đó chúng ta lại cho rằng "tình nghĩa huynh đệ" cần phải uống xả láng. Cho dù phải uống thuốc độc cũng uống, còn họ thì sẽ bỏ cuộc. Đây là chỗ bạn nên thận trọng. Vì chỉ một bước sai, việc đàm phán của bạn sẽ khó thành công. Hễ họ thực sự nghĩ mình điên rồ thì chẳng còn thương thuyết gì nữa.


Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ/Một đời thương thuyết

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bi-hai-chuyen-dam-phan-kinh-doanh-nguoi-au-tay-co-the-uong-bia-va-dung-lien-tuc-tu-18-21h-roi-moi-ngoi-vao-ban-an-toi-a86668.html