Điện mặt trời thời gian qua đã nhận được cú hích lớn với giá bán điện rất cao. Nhưng cơ chế ưu đãi thời gian tới sẽ ít hơn bởi nhiều lý do.
Lo quá tải hệ thống điện
Sức nóng của điện mặt trời “bùng nổ” khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời vào tháng 4/2017. Nhờ đó mức giá điện mặt trời rất hấp dẫn, lên tới khoảng 2.086 đồng/kWh (điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) và kéo dài tới 20 năm, cao hơn nhiều giá nguồn điện khác.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sau khi Quyết định 11 có hiệu lực, đến tháng 3/2019, có 5 dự án điện mặt trời vận hành phát điện với tổng công suất 240 MW; khoảng 8.000 MW điện mặt trời được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 và khoảng 12.000 MW giai đoạn đến 2025. Ngoài ra, còn có hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 17.000 MW đang đăng ký triển khai.
Có nghĩa, tổng công suất dự án điện mặt trời đã được duyệt quy hoạch và đăng ký triển khai lên con số "khổng lồ" hơn 37.000 MW (tổng công suất điện cả nước hiện nay mới chỉ là 46.000 MW. Để có được công suất nguồn điện này thì Việt Nam đã phải mất tới hơn... 60 năm.)
Thực tế cho thấy, cơ chế hỗ trợ giá cố định quy định tại Quyết định 11 (FIT) đã khiến điện mặt trời chưa bao giờ nóng đến vậy.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lo ngại các dự án điện mặt trời nối lưới đang được phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn với quy mô lớn, tiến độ xây dựng đi vào vận hành nhanh, dẫn đến khả năng "gây quá tải lưới điện cục bộ" và ảnh hưởng đến "an toàn cung cấp hệ thống điện".
Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tuy hạ tầng lưới điện 110-220-500KV của miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên đã được đầu tư nâng cấp những năm qua nhưng một số khu vực vẫn không đáp ứng được yêu cầu truyền tải thêm công suất từ các dự án điện mặt trời.
Theo tính toán của EVN, lượng công suất các dự án điện gió, mặt trời có khả năng không phát được công suất trong năm 2019-2020 tại một số khu vực quá tải là khá lớn, ảnh hưởng đến công tác vận hành an toàn của hệ thống cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án.
Một số tỉnh gặp khó khăn trong vấn đề giải tỏa công suất là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đắc Lắk.
Do đó, Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định mới thay thế Quyết định 11 theo hướng giảm bớt ưu đãi cho dự án điện mặt trời.
Tư vấn quốc tế và Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Biểu giá điện mặt trời khác nhau theo hướng vùng có bức xạ thấp có mức giá cao hơn vùng nhiều tiềm năng cường độ bức xạ.
Lý do là để giảm các vấn đề tắc nghẽn lưới; dễ dàng tích hợp lưới; tăng sự đồng thuận của cộng đồng; tránh những cạnh tranh quá mức về đất đai; cho phép các dự án ở những khu vực cường độ bức xạ thấp đạt được hiệu quả như các dự án ở khu vực có cường độ bức xạ cao.
Sau nhiều góp ý, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất Dự án điện mặt trời mặt đất của Vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất) có mức giá cao nhất (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh); vùng 4 - vùng có tiềm năng cao nhất có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).
Giá mua điện được áp dụng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Một vùng nhiều giá điện, có công bằng?
Về việc Dự thảo xây dựng mức giá khác nhau theo 4 vùng, giá mua bán điện xác định tỷ lệ nghịch với cường độ bức xạ, theo hướng khu vực có cường độ bức xạ thấp nhất thì giá mua bán điện cao nhất và ngược lại, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc, xem xét hiệu quả kinh tế khi khuyến khích đầu tư vào các khu vực có cường độ bức xạ thấp.
Góp ý cho đề xuất trên, theo Bộ Tài chính, việc quy định mức giá cụ thể với thời hạn áp dụng 20 năm tương ứng với thời điểm vận hành thương mại sẽ tạo ra nhiều mức giá khác nhau. Trong bối cảnh giá điện mặt trời do nhà nước quy định chưa có yếu tố cạnh tranh, việc trên cùng một khu vực có các dự án áp dụng mức giá khác nhau là chưa đảm bảo công bằng giữa các đơn vị tham gia đầu tư.
Bộ Tài chính cũng cho rằng dự thảo quy định giá mua điện áp dụng 20 năm chưa phù hợp với lộ trình thị trường điện. Đặc biệt trong giai đoạn này, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế đấu giá điện mặt trời. Vì vậy, đề nghị cân nhắc áp dụng thời gian phù hợp.
Ngay cả việc phân vùng, cũng có địa phương không hài lòng khi bị đưa vào vùng có mức giá bán điện thấp hơn các vùng khác.
UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc phân vùng Quảng Trị thuộc khu vực Bắc Trung Bộ (khí hậu miền Bắc) vào vùng 2 thuộc khu vực Nam Trung Bộ (khí hậu miền Nam) là chưa phù hợp. Do khác biệt về khí hậu, Quảng Trị sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư về phát triển điện mặt trời trong cùng một vùng giá điện.
Quảng Trị đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa tỉnh này vào danh mục các tỉnh thuộc vùng 1 (vùng có giá bán điện cao nhất). Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Công Thương đồng tình.
Với ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiếp tục giải trình rằng việc các dự án điện mặt trời tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn với quy mô lớn dẫn đến khả năng gây quá tải lưới điện cục bộ và ảnh hưởng đến an toàn cùng cấp điện hệ thống.
Liên quan quy định giá áp dụng trong 20 năm, Bộ Công Thương cho hay: Đây là cơ chế khuyến khích đã được triển khai thành công tại Quyết định 11. Thời gian áp dụng giá mua điện ưu đãi cho các dự án vào vận hành trong thời gian hiệu lực của Quyết định là cần thiết để các nhà đầu tư tính toán được hiệu quả kinh tế và quyết định đầu tư.
"Trên thế giới chính sách này được áp dụng rộng rãi cho các thị trường mới phát điện như tại Việt Nam", Bộ Công Thương nêu ý kiến.
Lương Bằng
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguon-dien-vo-tan-dan-tha-ho-dung-chi-lo-gia-rat-cao-a86765.html