Có những khi chỉ vì một vài cách hành xử thiếu tinh tế mà một người bị đánh giá là thái độ kém, không tôn trọng người khác trong khi chính bản thân họ không cố tình như vậy. Họ đang mắc chứng "vô duyên" mất kiểm soát!
Giao tiếp là quá trình diễn ra hàng ngày với mỗi chúng ta. Ai cũng mong muốn mình là người ăn nói có duyên, và ngược lại không ai muốn mình bị dán một cái nhãn lên người là vô duyên. Thế nhưng thực tế trong cuộc sống thì chúng ta không hiếm gặp những người vô duyên, và thậm chí điều tệ hơn đó là một số người còn bị căn bệnh này mặc dù bản thân họ không hề muốn như vậy.
Chắc hẳn không khó để bạn bắt gặp được những ví dụ về việc cư xử thiếu duyên như nói chuyện nhưng không để tâm đến cảm xúc của người khác, đùa cợt khi người khác đang buồn, thường xuyên trêu đùa người khác một cách quá đà khiến người khác khó chịu nhưng không chịu dừng lại,..
Người xưa từng dạy "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Ấy thế mà có những khi chỉ vì một lời nói "lỡ lời" mà chúng ta có thể đánh mất đi một mối quan hệ. Có những khi chỉ vì một vài cách hành xử thiếu tinh tế mà một người bị đánh giá là thái độ kém, không tôn trọng người khác trong khi chính bản thân họ không cố tình như vậy.
Vậy góc nhìn tâm lý đằng sau "căn bệnh" vô duyên cũng như bí quyết để khắc phục là gì?
Nguyên nhân của căn bệnh vô duyên nằm ở một kỹ năng tâm lý quan trọng: khả năng tự nhận thức. Nói một cách đơn giản, tự nhận thức là hiểu mình thật sự là người như thế nào. Thế nhưng, tự nhận thức không đơn thuần là việc bạn hiểu được sở thích của mình như thế nào, chẳng hạn bạn thích ăn phở không có hành, thích ăn cam hơn ăn táo. Nó cũng không nằm ở việc bạn hiểu giờ giấc sinh hoạt của bản thân mình thuộc tuýp người "cú đêm" (những người có khả năng tập trung về đêm) hay "gà trống" (những người thích dậy sớm để làm việc). Kỹ năng tự nhận thức là một kỹ năng tâm lý phức tạp và sâu sắc hơn nhiều.
Người bị kết luận vô duyên một phần là bởi vì họ không có năng lực tự nhận thức về hành vi và cách cư xử của họ trong lời ăn, tiếng nói, hành động đối với người khác.
Có một sự thật mà tất cả chúng ta đều phải thừa nhận đó là chúng ta không biết những gì mình không biết. Đối với một số người, bản thân họ không nhận thức được được hành động của họ là vô duyên cho nên họ mới tiếp diễn những hành động như vậy. Nếu họ nhận thức được hành động của mình là không nên làm, gây ảnh hưởng đến người khác thì có lẽ họ đã biết cách điều chỉnh hành vi của mình.
Nghịch lý nằm ở chỗ người biết điều chỉnh hành vi của mình để tốt lên thì những người ấy lại không bị nói là vô duyên. Cho nên, đối với không ít người chính năng lực tự nhận thức về bản thân khiến họ không kiểm soát và phân biệt được đâu là điều nên làm và đâu là điều không nên làm.
Giống như một đứa trẻ khi còn nhỏ, nếu thấy ngọn lửa hoặc con rắn thì trong khả năng nhận thức của nó, rất có thể nó sẽ nghĩ rằng đó là một món đồ chơi thú vị thay vì có thể nhận thức được đây là một sự nguy hiểm đang đe dọa đến sự an toàn của nó. Chỉ đến khi từng thử cho tay vào lửa và bị bỏng tay, nó mới có thể nhận thức được rằng "đừng đùa với lửa" là một điều cần phải học và cần phải tuân theo.
Vấn đề nằm ở chỗ, một đứa trẻ nếu chưa có khả năng tự nhận thức về sự vật/sự việc đâu là an toàn, đâu là nguy hiểm thì cha mẹ cần phải giáo dục. Cho nên, đó là lý do vì sao có những người hay bị người khác nói "họ lớn rồi nhưng tính cách thì còn trẻ con" là bởi vì như vậy. Câu nói này ám chỉ họ là người mà chưa biết hành xử có duyên, hay nói cách khác là năng lực tự nhận thức bản thân còn bị hạn chế.
Theo các nhà khoa học và các nhà tâm lý học, tự nhận thức (Self-awareness) là một trong 4 yếu tố thuộc về trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence viết tắt là EQ), tức khả năng nhận thức bản thân. Càng ngày, càng có nhiều nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của thông minh cảm xúc, trong số đó một kết luận đưa ra rằng thông minh cảm xúc (EQ) và khả năng vượt khó (AQ) chiếm tới 85% thành công của mỗi người, trong khi IQ chỉ chiếm tới 15%. Thông minh cảm xúc là một kỹ năng lớn quan trọng mà tất cả mọi người đều cần phải rèn luyện nói chung, cũng như kỹ năng tự nhận thức nói riêng.
Con người ta không có ai là hoàn hảo cả, là con người ai cũng phải có điểm mạnh lẫn điểm yếu. Cho nên, trưởng thành cũng là quá trình mà mỗi người tự hoàn thiện bản thân để mình trở nên hoàn hảo hơn. Khi còn tuổi TEEN, chúng ta ai cũng trải qua giai đoạn dậy thì. Dậy thì là quá trình mà các bạn tuổi TEEN có những biến đổi về tâm lý và sinh lý để trưởng thành hơn, để lớn hơn. Tương tự như vậy, về tâm hồn chúng ta cũng cần có những sự điều chỉnh để trưởng thành hơn.
Thế nhưng, nếu một người không có kỹ năng tự nhận thức tốt thì họ sẽ rất khó để điều chỉnh được hành vi của mình. Một người rèn luyện khả năng tự nhận thức sẽ biết cách suy ngẫm về hành vi, về lời ăn tiếng nói của họ mỗi ngày. Và rồi, một khi họ thấu hiểu được đâu là điều mình nên làm, đâu là điều mình nên thay đổi họ sẽ biết cách rèn luyện mình để sau mỗi ngày họ trở nên tốt hơn.
Trưởng thành cũng là quá trình mà chúng ta phải thích nghi với các môi trường và nền văn hóa khác nhau, có những phong tục, tập quán và cách hành xử khác nhau. Do vậy, mà mỗi người cũng phải điều chỉnh hành vi và cách hành xử sao cho phù hợp với tùy môi trường. Nếu một người không có kỹ năng nhận thức để điều chỉnh bản thân phù hợp, rất có thể cách hành xử của họ sẽ bị cho là không phù hợp và sẽ bị chính môi trường và nền văn hóa ấy đào thải.
Đó chính là lý do mà vì sao kỹ năng tự nhận thức lại quan trọng như vậy.
Như vậy, bí quyết để trở thành một người có duyên hơn đó chính là rèn luyện kỹ năng tự nhận thức. Một cách nào đó, kỹ năng tự nhận thức cũng có những đặc điểm thuộc về di truyền. Có những người sinh ra sẽ có lợi thế, họ nhận thức tốt và là một người tinh tế trong giao tiếp, hành xử. Ngược lại, cũng có những người sẽ có những hạn chế. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nằm ở việc tự rèn luyện của mỗi người. Bởi lẽ, kỹ năng là thứ có thể rèn luyện để cho bạn tốt hơn.
Cách đầu tiên, nhưng cũng là cách cực kỳ quan trọng đó chính là việc bạn cần xây dựng thói quen "nhìn lại chính mình".
Học cách nhìn nhận lại bản thân mỗi ngày, cách bạn hành xử, cách bạn cư xử, có những gì tốt, có những gì không phù hợp, những gì nên làm, những gì không nên làm,… là một điều quan trọng. Đối với một số người, họ làm điều này thông qua việc ghi chép nhật ký mỗi ngày. Một số người khác dành thời gian một mình để chiêm nghiệm và suy ngẫm về bản thân.
Nếu như bạn thấy một người đang buồn và khóc, và bạn đến với một năng lượng hào hứng để động viên họ. Kết quả là người ta còn phản ứng gay gắt lại với bạn. Nếu dành thời gian chiêm nghiệm lại, bạn sẽ nhận ra rằng khi một người đang có rất nhiều cảm xúc, hãy cứ tôn trọng cảm xúc của họ và để cho cảm xúc ấy qua đi.
Khi ấy, người ta cần không gian riêng và bạn hiểu ra rằng mình không nên can thiệp hoặc xuất hiện quá nhiều. Chắc chắn việc nhìn nhận lại sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm để điều chỉnh hành vì những lần sau đó.
Thêm vào đó, việc tìm hiểu văn hóa, phong cách, quy tắc hành xử của môi trường bạn đang sống là vô cùng quan trọng.
Ông bà ta từng nói "Ở bầu thì tròn ở ống thì dài", việc thấu hiểu điều này sẽ giúp bạn biết cách điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với văn hóa các môi trường khác nhau. Khi ấy, tự nhiên bạn trở thành một người tinh tế và có duyên hơn rất nhiều. Ví dụ như bạn hiểu một người sinh ra trong hoàn cảnh như nào, nền văn hóa như nào sẽ giúp bạn hành xử phù hợp với người đó hơn rất nhiều. Một người lớn lên trong môi trường thuần nông sẽ khác một người trưởng thành và ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài (chẳng hạn du học sinh). Bạn càng chịu khó tìm hiểu nhiều, bạn càng có lợi thế trong việc giao tiếp và hành xử.
Thứ ba, hãy chấp nhận những phản hồi.
Đối với nhiều người, rất có thể họ sẽ ở trong tình trạng "điểm mù" trong nhận thức bản thân. Có thể có những hành động vô tình mà họ không nhận ra được rằng điều đó không nên làm. Khi ấy, chỉ có những người nhìn ra vấn đề và phản hồi cho họ mới giúp họ trở nên tốt hơn. Một lần nữa, "chúng ta không biết những gì chúng ta không biết", cho nên nếu bạn muốn biết, cách duy nhất là hãy sẵn sàng lắng nghe phản hồi.
Đôi lúc bạn sẽ không thoải mái khi phải đối diện với sự thật mình là ai. Tuy nhiên, muốn đi xa thì trước tiên phải hiểu nơi mình đang đứng. Và lẽ dĩ nhiên, nếu bạn đã thực sự thấu hiểu chính mình và gia tăng năng lực tự nhận thức thì chắc chắn trong một thời gian không xa, bạn sẽ rèn luyện mình để trở thành một phiên bản tốt hơn rất nhiều.
(Barcodermagazine, Tâm lý học ứng dụng)
Edward
Theo Trí Thức Trẻ