Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật phát biểu tại phiên thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế.
Tại phiên họp mới đây của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, theo quy hoạch, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 2.109 km, trong đó đến năm 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành 2.000 km cao tốc.
Từ Lạng Sơn - Cà Mau 2109 km, 2020 phấn đấu được 2000 km theo quy hoạch mà hiện mới được 964 km. Có thể nói trong hệ thống phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế trục xuyên tâm Bắc Nam chưa làm được, khó có thể hoàn thành theo Nghị quyết, ông Nhật nói.
Cập nhật về tiến độ đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, ông Nhật cho biết, theo nghị quyết 52 của Quốc hội, từ nay đến 2021 sẽ đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án BOT.
Với các dự án đầu tư công hiện không có vướng mắc gì, nhưng các dự án BOT thì không dễ triển khai.
Theo ông Nhật, hiện các bộ, ngành liên quan rất quyết liệt, phấn đấu đến 30.4 này hoàn thiện thủ tục để bàn giao cho địa phương giải phóng mặt bằng, trước khi mang dự án ra đấu thầu. Tiền đền bù giải phóng mặt bằng của 8 dự án khoảng 13.000 tỷ đồng. Dự kiến tháng 3.2020 mới tìm được nhà thầu, và tháng 4 mới khởi công được dự án BOT đầu tiên.
Bộ đã làm việc với cả 13 địa phương có tuyến đường đi qua và các địa phương đều hứa sẽ bàn giao mặt bằng toàn bộ vào 30.12 năm nay, Thứ trưởng Nhật thông tin.
Lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh, cái khó của 8 dự án BOT hiện nay là các nhà đầu tư tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các nhà đầu tư nước ngoài lại không mặn mà.
"Thực sự Quốc hội phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật PPP, hiện nay các văn bản ở tầm nghị định, thông tư kêu gọi nhà đầu tư rất khó khăn. Chúng tôi đã họp rất nhiều cuộc rồi, mong Quốc hội sớm hoàn chỉnh luật này. Tôi phụ trách trực tiếp lĩnh vực này. Các nhà đầu tư từ các nước phát triển như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… chưa thấy ai tìm hiểu (các dự án BOT của Việt Nam)", Thứ trưởng Nhật cho biết.
Theo ông Nhật, các nhà đầu tư lớn có 3 yêu cầu mà Việt Nam không đáp ứng, đó là bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi tỷ giá và bảo lãnh rủi ro Chính phủ. Với lý do này, "các nhà đầu tư lớn họ không vào, đặc biệt các nước phát triển, duy nhất chỉ có Trung Quốc vào nhiều nhất".
Cũng nằm trong tình trạng khát vốn, đường sắt cao tốc Bắc Nam cũng đang cần "phải vay ODA hay thế nào đó" để có được 60 tỷ USD để đầu tư, bởi theo ông Nhật, tư vấn nước ngoài cho rằng phải đầu tư ít nhất 300 km mới thống nhất được hạ tầng để vận hành được (ví dụ đoạn Hà Nội – Vinh). Mà số tiền lớn như vậy thì hiện ngoài khả năng thu xếp của Chính phủ.
Hà Vũ/Người Đô Thị
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/du-an-cao-toc-bac-nam-moi-chi-co-cac-nha-dau-tu-trung-quoc-quan-tam-a87158.html