Kể từ khi niêm yết vào năm 2014, chưa khi nào nhân sự cấp cao của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ, HoSE: MWG) lại biến động như năm nay.
Ngoài thành viên sáng lập Đinh Anh Huân rời công ty, cả 4 nhà đồng sáng lập vẫn chung sức trên "con tàu" TGDĐ kể từ khi công ty thành lập vào năm 2004 là ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT; ông Điêu Chính Hải Triều và ông Trần Lê Quân là Thành viên HĐQT; ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng Ban kiểm soát.
Tại Đại hội lần này, ông Trần Lê Quân xin rút khỏi HĐQT với chia sẻ cá nhân đã 60 tuổi và muốn làm điều gì đó "mình yêu thích, muốn chăm sóc sức khỏe bản thân".
Ông Trần Lê Quân sinh năm 1960, kỹ sư viễn thông. Ông có 3 năm làm Giám đốc CTCP TGDĐ trước khi trao quyền cho ông Trần Kinh Doanh. Nói về quyết định từ nhiệm, ông nhận thấy mình có vai trò ý nghĩa nhất khi thành lập công ty, thiết lập hệ thống nhưng giai đoạn đó cũng đã qua rất lâu.
Thiết kế: Liên Hương
Một nhân tố mới trong HĐQT của TGDĐ chính là cái tên Đào Thế Vinh với vai trò Thành viên HĐQT độc lập. Ông Vinh hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) - công ty sở hữu chuỗi nhà hàng ăn uống như Vuvuzela, Gogi, Kichi Kichi....
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài mong muốn thành viên “ngoại đạo” này sẽ đóng góp luồng gió mới cho TGDĐ trong việc hoạch định chiến lược, tư vấn cho HĐQT ra các quyết định mới mẻ, đúng đắn.
Cùng với đó là việc ông Trần Kinh Doanh, Thành viên HĐQT trở thành Tổng giám đốc TGDĐ. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài sẽ không còn kiêm nhiệm - một bước đi mà ông tự nhận là tuân thủ quy định Thông tư 71: Tách biệt Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc TGDĐ.
Không sáng lập nhưng ông Trần Kinh Doanh được xem là một trong những nhân sự đầu tiên tham gia phát triển TGDĐ. Ông giữ vị trí then chốt trong khối phát triển kinh doanh chỉ 3 năm sau khi công ty thành lập. Ông Doanh là người trực tiếp đưa hệ thống thegioididong.com có mặt ở 63 tỉnh thành.
Thành công từ chuỗi bán lẻ điện thoại này với trên 40% thị phần, ông Doanh bắt đầu bắt tay vào phát triển mở rộng chuỗi Điện Máy Xanh. Năm 2014, lãnh đạo sinh năm 1973 lại bổ nhiệm làm Tổng giám đốc CTCP Thế Giới Di Động, công ty con của TGDĐ, vận hành hai ngành hàng di động và điện máy. Sau 2 – 3 năm, Điện Máy Xanh vươn lên chiếm 35% thị phần.
Qua 10 năm, số lượng cửa hàng điện thoại tăng trưởng nhanh chóng, phát triển thêm ngành điện máy và bách hóa.
Sau khi thành công với 2 chuỗi bán lẻ, áp lực tăng trưởng với TGDD lại càng lớn. Công ty tìm đến hướng đi mới trong ngành bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng với sự ra đời của Bách Hóa Xanh. Ông Trần Kinh Doanh một lần nữa được điều chuyển giữ vị trí điều hành ngành hàng mới.
Nói về người đồng hành với mình hơn một thập niên, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho rằng vị trí CEO dành cho ông Trần Kinh Doanh là "không có gì lạ" bởi kinh nghiệm dẫn dắt TGDĐ và đưa ra hướng đi cho các ngành hàng.
Sự bổ nhiệm này cùng với đó là việc đưa ông Đoàn Văn Hiểu Em - người gắn bó với Thế Giới Di Động từ năm 2007 trở thành CEO tại công ty vận hành 2 chuỗi bán lẻ. Ông Hiểu Em làm việc ở TGDĐ từ năm 2007 cùng thời điểm với ông Doanh và trải qua những vị trí khác nhau, bắt đầu từ phòng tài chính kế toán, trưởng ngành hàng rồi Giám đốc ngành hàng điện thoại và sau đó là Giám đốc ngành hàng điện tử – viễn thông.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em. Ảnh: MWG
Ông Hiểu Em thừa nhận có gặp áp lực nhưng hoàn toàn tự tin được trao trọng trách mới khi chuỗi điện thoại đang chiếm 45% thị phần còn điện máy là 35%. Với những chiến lược về gia tăng doanh thu, cải tiến cửa hàng, đa dạng hóa sản phẩm, ông tin rằng TGDĐ sẽ còn cơ hội mở rộng thị phần thêm nữa.
Chủ tịch Trần Đức Tài chia sẻ lãnh đạo cấp cao ở TGDĐ không có người ngoại đạo bởi những nhân sự chuyển ngang từ công ty khác không có được am hiểu về môi trường, văn hóa công ty, văn hóa kinh doanh hay tác phong làm việc. Lãnh đạo cấp cao đều được bổ nhiệm với các nhân sự sau quá trình dài gắn bó.