Khi bạn đạt được thành công nghĩa là bạn đã dũng cảm hành động và vượt qua vô vàn nỗi sợ hãi.
Đó là những câu hỏi quen thuộc trên con đường chạm tới thành công mà ai cũng sẽ gặp phải. Cuộc chiến tâm trí là có thật và đầy thách thức. Bạn có thể đánh bại những suy nghĩ tiêu cực và làm chủ tâm trí nhưng cũng có thể bị chính những suy nghĩ lấn át bản thân mình.
Thành công sẽ luôn đòi hỏi những thách thức lớn hơn, phức tạp hơn, điều này đồng nghĩa việc sẽ có một mức độ sợ hãi cao hơn bạn cần phải phá vỡ. Hãy tưởng tượng điều này giống như một dây thun. Mỗi khi bạn đối mặt với một nỗi sợ hãi, độ đàn hồi sẽ kéo dài hơn và căng thẳng sẽ lớn hơn. Khi bạn dũng cảm và thực hiện hành động, căng thẳng sẽ được giải phóng và dây thun sẽ bay xa hơn và tạo ra sự mở rộng lớn hơn.
"Rủi ro lớn nhất là chẳng đối mặt với rủi ro nào. Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh, chiến lược mà chắc chắn sẽ thất bại chính là tránh xa các rủi ro." - CEO Facebook Mark Zuckerberg
Nỗi sợ là điều bình thường và cần thiết cho thành công
Nếu không có nỗi sợ hãi, bạn sẽ không thể phát triển bản thân và trưởng thành. Nếu bạn muốn thành công, bạn phải vượt qua một số nỗi sợ hãi, và điều này là hiển nhiên với bất cứ ai. Nhưng làm thế nào bạn có thể vượt qua nỗi sợ một cách dễ dàng? Có rất nhiều giải pháp để chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình như thiền, tư vấn, những cuộc trò chuyện tâm lý, thể dục,..
Mặc dù những giải pháp này đều có ảnh hưởng tích cực, nhưng cách tối ưu nhất để chinh phục nỗi sợ hãi của chính mình là đi thẳng qua chúng. Dưới đây là hai bước đơn giản giúp bạn phá vỡ nỗi sợ hãi đang bủa vây:
1. Nhận thức được nỗi sợ của mình
Nỗi sợ thường được "ngụy trang" rất tốt và xuất hiện trong cuộc sống của bạn một cách tự động như thể điện sẽ tự động xuất hiện khi bạn bật công tắc đèn. Chúng thường xuất hiện bởi hành động hoặc lời nói của người khác, bởi suy nghĩ của bạn về hậu quả khi thực hiện một công việc khó khăn.
Nỗi sợ hãi tự chứa quá nhiều năng lượng. Vì vậy thay vì nghĩ đến những điều vô nghĩa và chưa xảy ra, hãy tưởng tượng bạn có thể làm gì với nguồn năng lượng đó để nó có thể giúp ích cho bạn. Hãy tưởng tượng nỗi sợ là một nắm đấm. Mỗi khi bạn nghĩ về nỗi sợ, bạn cung cấp nhiều sức mạnh cho nắm đấm hơn.
Ở những lần đầu tiên bạn thực hiện những mục tiêu như lần đầu tiên đầu tư tiền bạc vào một dự án, lần đầu tiên viết một bài báo cáo hay lần đầu tiên gặp một đối tác khách hàng, nỗi sợ hãi sẽ đến và có thể choáng ngợp tâm trí bạn.
Khi đó, bạn cố gắng giành chiến thắng bằng cách sử dụng nắm đấm của mình để phá vỡ rào cản thử thách. Bạn muốn vượt qua và biết rằng phá vỡ thử thách bạn sẽ đạt được mục tiêu đã định.
Sẽ có rất nhiều lần thất bại và không đạt được kết quả khả quan. Ngay lúc này, bạn cần phải thực hiện một bước nhảy vọt. Cuối cùng, thử thách được phá vỡ, năng lượng từ nỗi sợ sẽ được giải phóng và bạn có thể sẵn sàng tận dụng nguồn năng lượng to lớn này để thực hiện các hành động tiếp theo.
"Nếu bạn không sẵn sàng chấp nhận rủi ro bất thường, bạn sẽ phải giải quyết vấn đề một cách bình thường." - Jim Rohn
2. Tìm hiểu tại sao bạn sợ điều đó
Sau khi bạn nhận ra nỗi sợ hãi là gì, hãy tự hỏi: "Tại sao tôi lại sợ thực hiện hành động này?" Hãy khám phá những kết quả đạt được khi phá vỡ nỗi sợ hãi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi phá vỡ nỗi sơ hãi và đạt được mục tiêu mà mình mong đợi?
Những câu hỏi này rất quan trọng bởi bạn sẽ nhận ra rằng nỗi sợ chỉ đang cố gắng giữ bạn trong vỏ bọc an toàn của chính mình. Thực tế là con người không được bao bọc để thành công, chúng ta được bao bọc để sinh tồn.
Một khi bạn nhận ra những điều tiêu cực sẽ xảy ra nếu bạn đạt được thành công, hãy bình tĩnh và hình thành những điều tích cực thay thế trong tâm trí. Ví dụ như:
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi là nỗi sợ thành công vì tôi nghĩ rằng mọi người sẽ không gần gũi tôi nữa và tôi sẽ không thể dành nhiều thời gian cho gia đình. Vì vậy, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình. Thay vì nghĩ mọi người sẽ không thích tôi nữa, tôi tạo ra một thực tế mới mà tôi mong muốn: tôi có thể giúp đỡ và tạo sức ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Tôi cũng sẽ đảm bảo nghỉ nhiều ngày và giao phó công việc cho cấp dưới dể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Một khi tâm trí của bạn được vây quanh bởi những kết quả tích cực, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để hành động. Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng chính bạn là người chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Không ai khác thì nói gì đến nỗi sợ hãi!
theo Addicted 2 Success
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/2-buoc-don-gian-giup-ban-vuot-qua-noi-so-hai-muon-thanh-cong-nhat-dinh-phai-chu-cam-xuc-cua-minh-a87336.html