Tất cả những gì mà Trần Minh Tiến (sinh năm 1987, cựu sinh viên Trường CĐ Sư phạm Long An) đang làm chỉ vì một lý do, cùng kêu gọi mọi người hành động vì môi trường, vì hành tinh xanh của nhân loại.
Căn nhà của chàng trai được mọi người gọi là Tiến “khùng” nằm hẻo lánh, sâu tít tại một ấp nhỏ của tỉnh Long An với giá… 500.000 đồng. Căn nhà làm bằng đất sét trộn với rơm, mái lợp bằng lá cỏ tranh và cỏ bàng, la phông bằng những miếng phên tre, cửa, giường, bàn ghế đều bằng tre. Nhà không có quạt máy chỉ có quạt tre, tất cả các vật dụng trong nhà từ rổ, giỏ xách... đều do Tiến tự đan lát. Thế nhưng, Tiến bảo: “Người khác có 500 triệu cũng chưa chắc làm được cái nhà như thế này”.
“Nó thích sống trong rừng rú vậy đó. Không tin được luôn, bởi thế người ta gọi nó khùng là phải rồi”, cô Trần Thị Tươi (cô ruột của Tiến) giải thích khi kể cho chúng tôi nghe về biệt danh Tiến “khùng”.
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy Tiến “khùng” là một chàng trai đạp xe đạp, đầu đội nón được làm bằng cỏ bàng, mang trên người chiếc túi vải tái chế. Tiến kể: “Ngày xưa ai cũng bảo mình khùng cả. Nhưng từ ngày mình làm được nhiều điều chưa ai từng làm và có ích cho xã hội, bảo vệ được môi trường thì mọi người không còn nói nữa”.
Sau khi xây thành công căn nhà thân thiện với môi trường, Tiến đã tiếp tục xây thêm một căn nhà ngay bên cạnh, rộng hơn nhưng cũng “độc lạ” và thân thiện với môi trường như vậy.
Căn nhà này Tiến xây để kết nối bạn trẻ ở các thành phố lớn trên cả nước về cùng sống, cùng làm và cùng trải nghiệm sống xanh giống mình bởi Tiến quan niệm không việc gì làm một mình mà có thể mang lại kết quả tốt, bảo vệ môi trường cũng vậy. Hiện tại Tiến đã truyền cách thức làm các sản phẩm thân thiện với môi trường cho 4 bạn trẻ.
“Thực ra dùng ống hút cỏ để thay ống hút nhựa hay dùng lá chuối để gói rau thì thực chất cũng chỉ là hình thức bên ngoài, quan trọng là thức uống mình uống và bó rau được gói bởi lá chuối đó có sạch không. Chính vì thế mình quyết định vừa sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường, vừa làm nông nghiệp sạch, thuận tự nhiên”, Tiến lý giải về lý do kết hợp nông nghiệp sạch và làm các sản phẩm thay thế đồ nhựa.
“Mình làm theo tiêu chí không làm cỏ, không diệt sâu rầy, không xới đất và không dùng phân bón hóa học. Vì trong đất có rất nhiều vi sinh vật giúp đất được tốt và giúp cho chất hữu cơ khi rớt xuống đất sẽ được phân giải. Nên nếu xới đất là sẽ đảo lộn hệ sinh thái đó...”, Tiến nói.
Với Tiến nếu hành động bảo vệ môi trường mà vô tình hại đến môi trường ở một chiều hướng khác thì cũng như không. Chính vì thế, trong quá trình làm ống hút cỏ, thay vì chọn cắt cỏ bàng như nhiều người vẫn làm, Tiến thu hoạch bằng cách chọn và nhổ từng nhánh một, mặc dù tốn nhiều thời gian và rất vất vả.
Khi câu chuyện độc đáo của Tiến “khùng” bảo vệ môi trường được quay clip và đăng lên các trang mạng, được dịch ra các bản tiếng Anh, nhiều trang nước ngoài dẫn lại nên khách ở nhiều nước tìm đến gặp Tiến.
“Khách ở các nước ở châu Âu rất thích thú với những sản phẩm này, bởi vì bên họ đã chính thức cấm đồ nhựa nên họ tìm đến tận nơi để gặp mình và mua sản phẩm. Nhưng mình đều từ chối hết vì bản thân chưa đủ khả năng để cung ứng rộng khắp. Hiện tại mình chỉ đảm bảo được thị trường trong nước và giải cứu được bớt đồ nhựa ở VN. Nhưng mình chỉ cho họ là nên tìm nguồn nguyên liệu ngay tại nước họ để thay thế ống hút nhựa, và mình có gợi ý loại cỏ sậy”, Tiến chia sẻ.
Theo Thanh Niên