1. Dự án Bình Quới - Thanh Đa
Dự án Khu đô thị du lịch - sinh thái Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt năm 1992, giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn thực hiện. Năm 2010, dự án bị thu hồi, toàn bộ 426ha đất được giao cho Tập đoàn Bitexco điều chỉnh quy hoạch 1/2000. Năm 2015, UBND TP.HCM ra quyết định chỉ định liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties Pjsc của UAE. Ngay sau đó, tập đoàn đến từ Trung Đông đã xin rút lui vì phải chờ đợi pháp lý quá lâu.
Hơn 4km2 bán đảo nằm giữa lòng sông Sài Gòn đến nay vẫn là bãi đất mênh mông, khâu giải phóng mặt bằng dậm chân tại chỗ, trái ngược với loạt toà nhà cao tầng, biệt thự sang trọng bên khu Thảo Điền (Quận 2) chỉ cách một con sông.
Ở diễn biến mới nhất, 10 doanh nghiệp đã đề nghị được tham gia đấu thầu dự án và sẵn sàng ký quỹ 3 tỷ USD. Diễn biến này làm sống lại hi vọng hồi sinh khu đất rộng nhất còn sót lại trong lòng TP.HCM.
2. Dự án Saigon Pearl
Dự án Saigon Pearl nằm bên bờ sông Sài Gòn, giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh và nhìn ra cầu Thủ Thiêm sang Quận 2. Tổng diện tích dự án là 10,4ha, gồm 8 block cao 38 tầng với 2.200 căn hộ cao cấp, 2 cao ốc văn phòng và khách sạn trên 40 tầng với tổng diện tích 75.000 m2, 126 villas và trường học, khu mua sắm...
Chủ đầu tư dự án là CTCP Tập đoàn SSG - một doanh nghiệp bất động sản lâu đời và kín tiếng ở TP.HCM.
3. Dự án Vinhomes Central Park
Dự án quy mô 43ha được xây dựng trên nền bến cảng Tân Cảng, gồm 17 toà tháp cao 38-50 tầng với 10.000 căn hộ, 88 căn biệt thự cao cấp, bệnh viện, trường học và đáng chú ý là toà Landmark 81 tầng cao nhất Việt Nam.
Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Vingroup, tổng mức đầu tư là khoảng 30.000 tỷ đồng.
4. Dự án Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son
Dự án có quy mô 25,3ha được xây trên nền Nhà máy đóng tàu Ba Son, theo quy hoạch sẽ có 16 toà cao ốc với 3.000 căn hộ cùng 63 căn biệt thự. Dự án nằm ở đầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, ở cửa ngõ vào Quận 1 và là một trong những vị trí đắc địa nhất TP.HCM.
Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ TP. HCM - một thành viên của Tập đoàn Vingroup. Thời gian qua, xuất hiện thông tin một phần dự án đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Alpha King tới từ Hong Kong.
5. Dự án Khu công viên Bến Bạch Đằng
Đầu tháng 10/2018, UBND TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Khu công viên bến Bạch Đằng do Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontuorist) cùng CTCP Đầu tư Sài Gòn An Phát lập.
Dự án rộng 18ha, hướng tới ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng kết hợp bãi đỗ xe ngầm. Toàn bộ mặt đường Tôn Đức Thắng sẽ là công viên, đường đi bộ.
Cùng với đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất chuyển đổi công năng cầu tàu Ba Son để phục vụ thu hút, phát triển và khai thác bến du lịch. Toàn bộ cầu tàu Ba Son (377,8 m) hiện hữu (nằm tiếp giáp khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son) sẽ được chuyển đổi thành bến thủy để các phương tiện thủy (tàu khách nước ngoài, du thuyền, phương tiện thủy nội địa...) ra vào, neo đậu đưa đón hành khách du lịch.
6. Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội
Cũng nằm trên nền Cảng Sài Gòn (được di dời), năm 2015, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.
Dự án quy mô 31,5ha, gồm 3.116 căn hộ nhìn ra sông Sài Gòn, 32 căn biệt thự trải dài 1,8km bờ sông.
Chủ đầu tư dự án, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông được thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 1.154 tỷ đồng, 3 nhà đầu tư là Vingroup (45% vốn), CTCP Cảng Sài Gòn (26%) và Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé (29%).
Năm 2016, chủ đầu tư Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội tăng vốn lên 5.400 tỷ đồng, trong đó Vingroup và Cảng Sài Gòn không góp thêm, giảm tỷ lệ về lần lượt là 9,62% và 5,56%, trong khi Hạ tầng Bến Nghé chính thức sở hữu dự án với tỷ lệ 84,82%.
Hạ tầng Bến Nghé là công ty con 100% vốn của CTCP Đường Khánh Hội - một doanh nghiệp kín tiếng đã được Nhadautu.vn đề cập trong một bài viết cách đây chưa lâu.
7. Dự án Khu dân cư Phường Tân Thuận Đông
Nằm trong chiến lược di dời các cảng biển, Cảng Bến Nghé và Cảng Tân Thuận ở Quận 7 cũng sẽ dời đi, nhường chỗ cho dự án bất động sản quy mô 81,3ha tại đây. Theo quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 2013, dự án có quy mô dân số 15.000 người.
Đây cũng là dự án hiếm hoi có vị trí rất đẹp, song chưa có chủ đầu tư được cấp phép.
8. Dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B
Xuôi theo Sông Sài Gòn về phía Quận 7, nằm bên chân cầu Phú Mỹ (quận 2) là dự án Khu Dân cư Thạnh Mỹ Lợi B. Dự án có quy mô 120ha, giữa thập kỷ trước được giao cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong làm chủ đầu tư. Năm 2011, doanh nghiệp này xin phép UBND TP.HCM thành lập công ty cổ phần mang tên Thạnh Mỹ Lợi để triển khai dự án và được chấp thuận. Hai đối tác được lựa chọn là Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa (Mesa Group) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Phước.
Hiện nay, Tập đoàn Novaland đã mua lại phần lớn vốn cổ phần trong CTCP Thạnh Mỹ Lợi.
9. Siêu dự án Mũi Đèn Đỏ
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị (có tên thương mại là Saigon Peninsula). Vị trí nằm tại phường Phú Nhuận, Quận 7, TP.HCM, giáp với rạch Bà Bướm và sông Sài Gòn trên đường Đào Trí, khu vực này còn được gọi là khu Mũi Đèn Đỏ.
Toàn bộ diện tích lập quy hoạch dự án khoảng 117ha, trong đó có khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82ha và khu đô thị nhà ở khoảng 35ha. Tổng mức đầu tư ước khoảng 6 tỷ USD.
Chủ đầu tư siêu dự án này là Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula. Pavilion Group giữ vai trò quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng công trình.
Theo quy hoạch, khu công viên đô thị này gồm có chức năng căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, cao ốc văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao, cảng tàu khách quốc tế… Hiện tại, theo quan sát, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hạ tầng nội khu và nhà điều hành dự án, đặc biệt là hệ thống đê kè bao quanh toàn bộ khu đất rộng lớn này.
Theo Nhà Đầu Tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dien-mao-bo-song-sai-gon-tuong-lai-nhin-tu-loat-du-an-khung-a87615.html