Câu lạc bộ giám đốc, nơi quy tụ hơn 100 ‘tướng lĩnh’ trên mặt trận kinh tế sau 1975

Ngày 30/4/1975, dân tộc ta hoàn thành sự nghiệp thống nhất non sông, đưa đất nước thoát khỏi nỗi đau chia cắt. Khi chiến tranh kết thúc, đất nước vào cuộc kiến thiết. Đây là lúc vai trò của doanh nhân – những “vị tướng” trên mặt trận kinh tế được thể hiện rõ nhất.


Ngày 30/4/1975, dân tộc ta hoàn thành sự nghiệp thống nhất non sông, đưa đất nước thoát khỏi nỗi đau chia cắt. Khi chiến tranh kết thúc, đất nước vào cuộc kiến thiết. Đây là lúc vai trò của doanh nhân – những “vị tướng” trên mặt trận kinh tế được thể hiện rõ nhất.

Giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh được Giáo sư Đặng Phong (1939-2010), một nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Việt Nam mô tả chi tiết trong cuốn “Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989” do Nhà xuất bản Tri thức phát hành.

“Từ năm 1978, do hàng loạt điều kiện trong nước và điều kiện quốc tế, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đi vào giai đoạn khủng hoảng thiếu hụt. Nguồn nhập khẩu giảm sút. Nguồn hàng nhập khẩu giảm thì đầu vào cho các ngành sản xuất cũng cạn kiệt. Đến năm 1980, Nhà nước chỉ cung cấp cho nhà máy khoảng 40- 50% nguyên liệu so với kế hoạch, có thứ thì chỉ được 20%”, Giáo sư Đặng Phong viết. 

Trong bối cảnh các xí nghiệp quốc doanh đều ngắc ngoải, tưởng như không có đường ra, nhiều giám đốc xí nghiệp tại TP. HCM khi đó có rất nhiều trăn trở muốn đề đạt ý kiến với Nhà nước.

Năm 1980, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đang là Bí thư Thành ủy TP. HCM đã thành lập “Câu lạc bộ giám đốc”.

Câu lạc bộ quy tụ khoảng 100 thành viên là các giám đốc, Bí thư tổ chức Đảng, phụ trách công đoàn các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh thời bây giờ, với lịch sinh hoạt định kỳ.

Tại đây, đích thân ông Võ Văn Kiệt – lãnh đạo cao nhất của TP. HCM lúc bấy giờ lắng nghe ý kiến thực tiễn từ các xí nghiệp và trực tiếp chỉ đạo cho phép làm theo những sáng kiến, sáng tạo của công nhân, giám đốc.

Một trong những ví dụ làm tốt của Câu lạc bộ Giám đốc thời đó là xí nghiệp dệt Thành Công. Năm 1979, sản lượng vải của dệt Thành Công là là 4,2 triệu mét, năm 1980 giảm xuống 2,5 triệu mét, xí nghiệp lâm vào cảnh khó khăn.

Nhờ Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt khi đó “bật đèn xanh” nên dệt Thành Công vay được 180.000 USD của Vietcombank, dùng vốn đó nhập nguyên liệu về, sản xuất rồi bán.

Kết thúc năm 1981, dệt Thành Công từ chỗ không có đồng USD nào, đã tích luỹ được một số vốn ngoại tệ tự có là 1,3 triệu USD. Sang năm 1982, số vốn tự có tăng lên 2,5 triệu USD. Đến năm 1985, sản lượng của nhà máy tăng so với các năm trước: 8,322 triệu mét, gấp đôi năm 1978, 3,3 lần năm 1980... Cán bộ công nhân viên có đủ việc làm, có thu nhập tương đối cao.

Đến năm 1984, có một sự kiện giúp cho dệt Thành Công không những được đồng tình ủng hộ mà còn được nhân lên thành một kiểu mẫu, một mô hình lan tỏa trong toàn ngành Công nghiệp nói riêng và các xí nghiệp quốc doanh của cả nước nói chung. Đó là Hội nghị đặc biệt được tổ chức ở khuôn viên Xí nghiệp dệt Phước Long.

Hội nghị này là sáng kiến của nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM Võ Văn Kiệt, lúc đó đã là Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Khách mời là các vị lãnh đạo ở Trung ương, đại diện các Bộ, Ban, Ngành, lãnh đạo TP. HCM, hơn 20 giám đốc các công ty trong và ngoài ngành Dệt, Chủ tịch và Bí thư một số tỉnh... Trong số các vị lãnh đạo Nhà nước, có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Chí Công. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh cũng tham dự.  Tổng số đại biểu là 200 người.

Tại hội nghị đặc biệt này, Tổng giám đốc dệt Phước Long khi đó đã báo cáo về tình hình dệt may cả nước và chủ động giới thiệu về việc “xé rào” của Thành Công.

“Bản trình bày của Tổng Giám đốc Bùi Văn Long cùng với việc trả lời chất vấn của các đại biểu kéo dài suốt buổi sáng, không nghỉ, vì mọi người rất hào hứng muốn nghe, nghe nữa, hỏi tiếp và nghe tiếp... Buổi chiều, Giám đốc dệt Thành Công Nguyễn Xuân Hà trình bày những tình tiết cụ thể của một xí nghiệp đi tiên phong trong việc tháo gỡ những khó khăn của ngành dệt may” Giáo sư Đặng Phong viết.

Phần trình bày gồm những chuyện chạy vay nóng ngoại tệ, từ chỗ máy móc trùm chăn, công nhân đi chăn bò... đến chỗ máy chạy suốt ngày đêm, trả xong nợ, nộp ngân sách đủ và đúng hạn, lại có tích lũy.

“Hội nghị Phước Long dự kiến họp trong 2 ngày, nhưng do sự phong phú của các bản trình bày, sự phong phú của những câu hỏi và những câu trả lời làm cho phải kéo dài thêm một ngày nữa, song không ai tỏ vẻ mệt mỏi. Kết thúc hội nghị, một cơ chế mới đã được đồng thuận cho toàn ngành Công nghiệp”, Giáo sư Đặng Phong kể lại. Đây cũng chính là dấu ấn quan trọng của Câu lạc bộ giám đốc thời đó, như nhận định của Giáo sư Đặng Phong: “Đó là một thắng lợi rất lớn, một bước chuẩn bị quan trọng cho sự nghiệp đổi mới sau này”.

Hoàng Lan

Theo VietnamFinance

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cau-lac-bo-giam-doc-noi-quy-tu-hon-100-tuong-linh-tren-mat-tran-kinh-te-sau-1975-a87688.html