Thế giới chi 1.000 tỉ USD/năm cho nhu cầu rau-củ-quả, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thế mạnh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hiến kế gì cho Chính phủ?

Ngành quả-rau-hoa đã vượt mặt các ngành hàng chiến lược khác như dầu thô, gạo, cá da trơn, thủy sản để khẳng định tiềm năng xuất khẩu vào thị trường trị giá 1.000 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, ở trong nước, doanh nghiệp và hộ sản xuất vẫn còn loay hoay với nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách nông nghiệp, đất đai, cơ chế sản xuất, hợp tác và xuất khẩu...


Ngành quả-rau-hoa đã vượt mặt các ngành hàng chiến lược khác như dầu thô, gạo, cá da trơn, thủy sản để khẳng định tiềm năng xuất khẩu vào thị trường trị giá 1.000 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, ở trong nước, doanh nghiệp và hộ sản xuất vẫn còn loay hoay với nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách nông nghiệp, đất đai, cơ chế sản xuất, hợp tác và xuất khẩu...

Nhu cầu thế giới là 1.000 tỉ USD/năm nhưng Việt Nam vẫn còn xuất khẩu tự phát

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Hội nghị Đầu tư Xanh Trà Vinh 2019 và khởi công Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Lavifarm do UBND tỉnh Trà Vinh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra nhiều thách thức đối với ngành quả-rau-hoa và đề xuất cơ chế bốn trụ cột giải quyết vấn đề này.

Nhận định về tình hình chung, ông Nhân cho biết, nếu tốc độ thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị vẫn giữ nguyên ở mức là 0,72%/năm như trong 17 năm qua, thì phải mất 30 năm, tức là đến năm 2049, nông thôn mới đạt được 80% thu nhập của thành thị.

Theo ông Nhân, câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho thị trường nào và tổ chức sản xuất như thế nào vẫn là nền tảng để người nông dân có thu nhập cao hơn và nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Bí thư TP.HCM nói : "Thực tiễn đang chỉ ra nhóm sản phẩm mới có tiềm năng đột phá xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho nông dân là quả - rau - hoa, đã vượt qua xuất khẩu dầu thô và gạo".

Theo đó, năm 2016 là năm đầu tiên chứng kiến xuất khẩu quả - rau - hoa đạt giá trị 2,45 tỉ USD, vượt qua xuất khẩu dầu thô là 2,4 tỉ USD và xuất khẩu gạo là 2,16 tỉ USD.

Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dầu thô, gạo, cà phê, cá da trơn, thủy hải sản đã lao dốc từ đỉnh hoặc không tăng trưởng suốt giai đoạn 2011-2018. Tuy nhiên, ngành quả-rau-hoa lại có chiều hướng gia tăng giá trị xuất khẩu liên tục.

Theo ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, thế giới chi trung bình 1.000 tỉ USD/năm cho ngành rau, củ, quả. Việt Nam xuất khẩu ngành hàng này đứng vị trí thứ hai, chỉ xếp sau thủy sản.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2018, giá trị xuất khẩu ngành quả-rau-hoa đạt 3,52 tỉ USD, sắp vượt qua mặt hàng tôm chủ lực của ngành thủy hải sản (đạt 3,55 tỉ USD).

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nhóm sản phẩm này không thuộc 6 sản phẩm nông nghiệp quốc gia do Chính phủ xác định và giai đoạn 2017 - 2018 cho thấy xuất khẩu quả - rau - hoa có dấu hiệu chững lại.

Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích : "Chính phủ chưa có chương trình hỗ trợ xuất khẩu quả - rau - hoa như một sản phẩm quốc gia mặc dù chúng tôi đã kiến nghị Quốc hội. Hoạt động xuất khẩu còn mang tính tự phát. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng và chế biến rau quả rất ít. Diện tích trồng trọt chưa tới 10% diện tích đất nông nghiệp".

Thế giới chi 1.000 tỉ USD/năm cho nhu cầu rau-củ-quả, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thế mạnh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hiến kế như thế nào ? - Ảnh 1.

Nhu cầu thế giới là 1.000 tỉ USD/năm nhưng Việt Nam vẫn còn xuất khẩu tự phát

Các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao, cần có giải pháp chiến lược cho ngành hàng giàu tiềm năng xuất khẩu

Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra khuyến cáo : "Các nước nhập khẩu quả - rau - hoa của Việt Nam, trong đó lớn nhất là Trung Quốc (chiếm tỉ trọng 73,8%) đã bắt đầu đặt ra các tiêu chuẩn nhập khẩu cao hơn về chất lượng, xuất xứ hàng hóa...Sản xuất hộ đơn lẻ không thể đáp ứng các yêu cầu về chuẩn công nghệ sản xuất, kiểm định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa".

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đầu tư vào trồng, chế biến quả - rau - hoa còn rất ít. Diện tích do các doanh nghiệp này sử dụng chỉ chiếm dưới 10% diện tích đất nông nghiệp và sản lượng cũng đạt dưới 10% sản lượng của cả nước.

"Ở ĐBSCL có gần 1.200 hợp tác xã nông nghiệp nhưng hợp tác xã liên quan đến ngành quả - rau - hoa chỉ chiếm 10%", ông Nhân thông tin thêm.

Ngoài việc nhận định khó khăn, Bí thư TP.HCM đã đề xuất cơ chế bốn trụ cột để giải phóng tiềm năng của ngành quả-rau-hoa.

Đầu tiên, Chính phủ cần đưa nhóm sản phẩm quả - rau - hoa vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia 2019-2025. Tiếp theo là giải pháp xây dựng Hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ và liên kết nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ và cơ chế tài chính từ phía ngân hàng.

Chính sách hỗ trợ vốn và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư chế biến và xuất khẩu quả-rau-hoa cũng không kém phần quan trọng để đảm bảo đầu ra cho các hộ sản xuất trong hợp tác xã.

Cuối cùng, chính quyền địa phương phải xem sản xuất và xuất khẩu quả, rau, hoa là "một con đường nhanh, bền vững để người dân thoát nghèo và có thu nhập ngày càng cao".

Thế giới chi 1.000 tỉ USD/năm cho nhu cầu rau-củ-quả, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thế mạnh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hiến kế như thế nào ? - Ảnh 2.

Dây chuyền công nghệ cao hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Mô hình Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Lavifarm - nguồn ảnh : Tạp chí Nhà quản lý

Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Lavifarm: cơ chế tiên phong để huy động nguồn lực hỗ trợ nông nghiệp

Cũng trong chuỗi sự kiện, chính quyền tỉnh Trà Vinh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các doanh nghiệp đã chính thức động thổ Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Lavifarm có diện tích gần 17ha. Đây là mô hình hỗ trợ nông nghiệp quy mô đầu tiên tại Việt Nam do Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sáng lập và vận hành.

Theo ông Lê Thành, Trung tâm sẽ thực hiện sứ mệnh trước mắt là đào tạo nông dân thành công nhân nông nghiệp, đổi mới để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, liên kết và hợp tác để đảm bảo lợi ích cho nông dân, bên cạnh việc tham vấn chính sách cho Trung ương và địa phương.

Mô hình Lavifarm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng logistics, dự kiến dây chuyền đóng gói rau ăn lá và rau ăn củ là 15,6 tấn/ngày, có kho lạnh và kho khô 1.000 tấn, vườn trồng thực nghiệm lên đến 10ha, cấy ghép và ươm trồng khoảng 1 triệu cây thân mền/năm...


Phương Danh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/the-gioi-chi-1-000-ti-usd-nam-cho-nhu-cau-rau-cu-qua-viet-nam-van-chua-tan-dung-duoc-the-manh-bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-nguyen-thien-nhan-da-hien-ke-gi-cho-chinh-phu-a87726.html