Diễn biến giá xăng dầu thế giới tiếp tục đà tăng khiến cho áp lực tăng giá xăng dầu trong nước ngày 2/5 ngày càng mạnh.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng RON 92 – xăng nền để pha chế xăng E5 trung bình 15 ngày qua ở mức giá 80,1 USD/thùng, cao hơn 2,2 USD/thùng so với mức giá của kỳ trước (ngày 17/4).
Còn giá xăng RON 95 cũng ở mức trung bình 82,13 USD/thùng, tăng 2,33 USD/thùng so với kỳ trước.
Giá xăng dầu khó thoát đợt tăng mạnh lần thứ ba liên tiếp. Ảnh: Lương Bằng |
Cho nên, giá xăng dầu trong nước ngày 2/5 sẽ khó thoát đợt tăng mạnh, kể cả khi nhà điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá. Thực tế, dư địa để sử dụng Quỹ bình ổn giá gần như đã cạn bởi nhiều DN đầu mối đã bị âm Quỹ. Cụ thể, Petrolimex tại thời điểm ngày 17/4 là âm tới 240 tỷ đồng. Còn PVoil âm tới 622 tỷ đồng.
Tại kỳ điều hành giá ngày 17/4, xăng E5 xả Quỹ tới gần 1.500 đồng/lít, trong khi RON 95 chỉ ở mức 743 đồng/lít. Còn kỳ điều hành ngày 2/4, xăng E5RON92 phải xả quỹ lên tới 2.042 đồng/lít, cao hơn hẳn mức xả quỹ của xăng RON 95 (xăng RON95 xả 1.304 đồng/lít).
Do vậy, nếu tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu ngày 2/5 thì Quỹ bình ổn giá tại các DN sẽ ngày càng âm nặng. Khi quỹ âm thì DN phải tự bỏ tiền của mình ra tạm ứng bù vào mức được xả quỹ (vay ngân hàng hoặc vốn doanh nghiệp. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp đầu mối “than vãn” thời gian qua.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Petrolimex mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Petrolimex và hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng: Quỹ bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, khi quỹ bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại.
Ước tính với số âm Quỹ bình ổn hiện ở mức 380-400 tỷ đồng, nếu nhà điều hành tiếp tục quyết định xả Quỹ bình ổn, sẽ gây bội chi quỹ này. "Đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đi vay ngân hàng bù lại, nhưng nếu không có khoản hoàn trả thì ngân hàng có thể dừng cho vay", ông nói và đề nghị các doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex, cần kiến nghị kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu.
"Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.
Điều này một lần nữa khẳng định thêm rằng, giá xăng dầu ngày 2/5 sẽ khó có thể thoát một đợt tăng mạnh.
Việc “lạm chi” Quỹ bình ổn giá cũng bị doanh nghiệp xăng dầu “tố” là một trong các lý do khiến cho xăng E5 tiêu thụ không được như mong muốn và nhiều đại lý dừng bán E5.
Saigon Petro trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Tài chính mới đây cũng thừa nhận: Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các DN đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì Quỹ bình ổn giá vẫn được đảm bảo.
“Điều này sẽ không khuyến khích các DN đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5”, Saigon Petro nêu ý kiến.
Theo Vietnamnet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/vua-het-nghi-le-doi-mat-xang-dau-tang-gia-manh-a87920.html