70 tuổi tôi thấm thía: Đời người hơn nhau tầm nhìn dài hạn, đáng tiếc hồi 20 tuổi chúng ta dễ thỏa hiệp, dễ bằng lòng với những sở thích bề ngoài, nhỏ nhặt trước mắt

Nếu chỉ là ngồi lướt facebook đọc những giật gân, tin showbiz, nếu chỉ là ngồi café trà đá chém gió hết một ngày, nếu chỉ là xách xe lên và đi "check-in" với những bức ảnh nhạt nhẽo vô hồn, khát khao được ngủ xuyên màn trưa hay chôn mình trong những cuộc vui vô bổ đầy chất kích thích, thì thật sự quá lãng phí thời gian. Nhưng đáng buồn, có một lớp người trẻ như thế!


Nếu chỉ là ngồi lướt facebook đọc những giật gân, tin showbiz, nếu chỉ là ngồi café trà đá chém gió hết một ngày, nếu chỉ là xách xe lên và đi "check-in" với những bức ảnh nhạt nhẽo vô hồn, khát khao được ngủ xuyên màn trưa hay chôn mình trong những cuộc vui vô bổ đầy chất kích thích, thì thật sự quá lãng phí thời gian. Nhưng đáng buồn, có một lớp người trẻ như thế!

01

Người ta nói chẳng sai: tuổi trẻ có sức khỏe, thời gian nhưng thiếu đi vốn sống và kinh nghiệm, khi lớn khôn từng trải thì lại tiếc vì không còn sức khỏe và thời gian. Dưới đây là những điều tôi chiêm nghiệm được khi đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời khi đã bước vào ngưỡng tuổi 70. 

Rồi tất cả chúng ta sẽ già đi và có bao giờ bạn nghĩ về những thứ đã trôi qua mà không thể lấy lại được, những thứ nghĩ lại chỉ còn là những kỷ niệm đẹp nhưng không thể một lần chạm tay với tới, những ước mơ dang dở hay những lời thủ thỉ với người bạn thích mà chưa đủ bản lĩnh để bộc bạch? Trong 1-2 năm, thậm chí 1-2 tuần trở lại đây, chúng ta đều có những niềm nuối tiếc nhất định vì đã bỏ qua cơ hội, vì lãng phí thời gian đang là căn bệnh của tuổi trẻ.

Nhiều bạn sẽ lý luận với tôi rằng tuổi trẻ còn dài, còn nhiều thời gian để làm điều mình thích. Đồng ý là như vậy, nhưng nếu cứ nói như thế thì bạn mãi để tuổi trẻ trôi qua với niềm tin ngày mai sẽ tươi đẹp, khi ngày mai đến sẽ tặng bạn một cái tát và cuốn phăng bạn đi cùng tương lai đen tối mịt mờ. 

Ở tuổi 18 khi bước chân vào trường đại học, ta lại tiếc những việc đã không thực hiện thời phổ thông.

Khi ở tuổi 22 chông chênh giữa đời, cầm tấm bằng đại học mà cảm thấy tiếc vì đã không trau dồi các kỹ năng để chọn lấy cho mình một nghề phù hợp.

Đến khi đi làm 1-2 năm, chúng ta lại tiếc vì đã không theo đuổi đam mê của mình, để mỗi ngày làm việc là 8 tiếng sống rệu rã uể oải. 

Và đến ngưỡng cuối của tuổi thanh xuân, nhìn lại mới thấy nuối tiếc, mới nói "giá như". 

Cái vòng quay luẩn quẩn ấy đang tồn tại trong chính xã hội của chúng ta, cướp đi bao giấc mơ tươi đẹp, cướp đi bao tuổi xuân ngập tràn, và cũng là thứ cản bước tiến của xã hội: sự lãng phí thời gian.

70 tuổi tôi thấm thía: Đời người hơn nhau tầm nhìn dài hạn, đáng tiếc hồi 20 tuổi chúng ta dễ thỏa hiệp, dễ bằng lòng với những sở thích bề ngoài, nhỏ nhặt trước mắt - Ảnh 1.

02

Tuổi trẻ thường dễ thỏa hiệp, dễ bằng lòng với những sở thích nhỏ nhặt của mình. 

Nghĩ lại mà xem, đã bao giờ bạn dự định học tiếng Anh, nhưng lại trì hoãn để xem nốt bộ phim mình yêu thích, 1 tháng 30 ngày còn dài, mai học cũng không muộn. Và cứ thế, sau khi xem hết tập 29 thì cũng đã hết tháng, thôi thì lại ừ hữ để tháng sau. Và cứ như vậy, cả 1 năm không nhét nổi một chữ tiếng Anh vào đầu. 

Bạn đã từng mong muốn có một công việc part-time sau khi trở thành anh chị sinh viên ngay từ năm nhất, và bạn lại được nhồi vào đầu tư tưởng năm nhất hãy cứ thỏa sức vui chơi sau 3 năm cày cuốc để vào được ngôi trường danh giá này. Và rồi đến năm thứ 2, thứ 3 mong ước giản đơn ấy vẫn chưa thể thực hiện được, đến khi ra trường, mục kinh nghiệm làm việc chỉ toàn những lời "chém gió" cóp nhặt trên mạng. 

Tôi đã từng ngại ngùng khi nói lời yêu với cô bạn cùng lớp, để khi cô ấy sánh bước bên người khác, cảm giác buồn bã u uất lại nhói lên trong tôi. Thói quen trì hoãn luôn làm bạn thoải mái và hài lòng trong ngắn hạn, còn trong dài hạn nó đem đến một tương lai mịt mờ u ám. Cả một tuổi xuân màu hồng trở nên xám xịt bởi thói quen trì hoãn, thời gian chẳng đợi chờ ai, còn trì hoãn thì níu giữ ước mơ.

Cảm thức về thời gian thực sự không dễ để nhận ra khi còn trẻ. 

Chúng ta thường bỏ qua những định hướng của thế hệ đi trước, với lý do tôi sống cuộc sống của tôi, đừng ai xen vào cuộc đời tôi, tôi làm những gì tôi thích,… với những dại khờ khát khao của tuổi trẻ, họ sống một cách bản năng thái quá. Điều đó dĩ nhiên tốt, nhưng cần phải xem những cách thể hiện "khát khao, dại khờ" ấy là gì? 

Nếu chỉ là ngồi lướt facebook đọc những giật gân, tin showbiz, nếu chỉ là ngồi café trà đá chém gió hết một ngày, nếu chỉ là xách xe lên và đi "check-in" với những bức ảnh nhạt nhẽo vô hồn, khát khao được ngủ xuyên màn trưa hay chôn mình trong những cuộc vui vô bổ đầy chất kích thích, thì thật sự quá lãng phí. Người ta chỉ nhận ra sai lầm khi đã trải qua sai lầm, và nhận ra sai lầm khi nhận được những lời khuyên mình từng coi là sai lầm. Và khi nhận ra cái sai, thì một tuổi xuân sai đã qua.

Điều nuối tiếc nhất là không làm được những điều mình thích, là đã không sống trọn vẹn tuổi thanh xuân. 

Tuổi trẻ chúng ta thật nhiều hoài bão: có một thu nhập thật cao, trở thành ông chủ ở tuổi 25, được vinh danh với những cống hiến cho xã hội, làm những thứ mình thích, yêu người mà mình yêu, đi khám phá thế giới bao la rộng lớn ngoài kia,… Đó chắc hẳn là ước mơ về cuộc sống màu hồng của thế hệ trẻ hiện nay, nghe thì có vẻ giản đơn nhưng thói quen trì hoãn và sự lãng phí thời gian bấy lâu nay đang cản bước chúng ta. 

Muốn thu nhập cao ư? Nhưng suốt thời đi học lại không chăm lo học hành, toàn tiếp thu những thứ ba lăng nhăng, có thể phán như thánh về những tin showbiz, thuộc vanh vách các bài hot-hit, nhưng lại chẳng thể phân tích nổi một báo cáo tài chính, chẳng thể gõ nổi một dòng code, ròng rã một ngày trời không bán nổi một sản phẩm,… Vậy ai trả thu nhập cao cho một người như thế? 

Muốn đi phượt qua những cung đường đẹp nhất Việt Nam? Vậy lấy chi phí ở đâu khi vừa ra trường và trên khuôn mặt non choẹt đang hiển hiện hai chữ "thất nghiệp"? 

Dám yêu ai khi mà đến tương lai của chính mình còn đang không lo nổi? 

Không có nền tảng cơ sở chính là kết quả của sự lãng phí thời gian khủng khiếp nhất, đến khi bạn nhận ra điều ấy, thì đã muộn. Nhìn bên cạnh những người cùng trang lứa đang có những thành công nhất định lại cảm thấy càng u uất chán nản, tiếc cho một tuổi thanh xuân không trọn vẹn. Nhưng hãy chấp nhận, vì lúc bạn đang thỏa mãn với những sở thích cá nhân tầm thường, thì họ đang chăm chỉ học hành, đọc sách trau dồi kiến thức, lúc bạn vùi mình trong chăn ấm đệm êm sau buổi tối cày phim với ước mơ được như nhân vật chính thì là lúc họ vừa đi làm thêm về với cái dạ dày trống không

Suy cho cùng tất cả đều là trải nghiệm, bạn trải qua sự hài lòng của bản thân, thì họ trải qua những vất vả của cuộc sống, tuy nhiên những vất vả này mới là nền móng cho sự thành công sau này, sử dụng thời gian để tích lũy kinh nghiệm, học tập, làm việc chính là một cách để thành công trong tương lai.

70 tuổi tôi thấm thía: Đời người hơn nhau tầm nhìn dài hạn, đáng tiếc hồi 20 tuổi chúng ta dễ thỏa hiệp, dễ bằng lòng với những sở thích bề ngoài, nhỏ nhặt trước mắt - Ảnh 2.

03

Như đã nói ở trên, lãng phí thời gian là căn bệnh của tuổi trẻ, đã là bệnh thì cần thuốc chữa:

Mục đích cuộc sống của bạn là gì? Đến năm 30 tuổi bạn sẽ thành người như thế nào? 

Đã bao giờ bạn tự hỏi câu hỏi này? Tôi cá là nếu hỏi 1000 người thì số lượng người trẻ đáp lại một cách nghiêm túc chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Phần đông chúng ta sống bản năng và không có mục đích, hoặc chỉ có những mục tiêu trong ngắn hạn: hôm nay phải làm xong bài tập nhóm, tối nay phải đi uống trà sữa, cuối tuần phải đi đâu đó để thỏa mãn đam mê xê dịch… Những mục tiêu đó đương nhiên là tốt, nhưng chúng không có tính tổng thể. 

Thay vào đó chúng ta nên tự hỏi: Trước năm 30 tuổi tôi sẽ là người như thế nào? Trước năm 30 tuổi tôi sẽ đặt chân đến 100 quốc gia? Tôi sẽ tự do tài chính và mở một nhà hàng vào ngày sinh nhật lần thứ 30 của tôi? Trước năm 30 tuổi tôi sẽ trở thành chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực của mình? 

Nếu chỉ đặt mục tiêu trong ngắn hạn sẽ vô tình cản trở tầm nhìn và năng lực của bạn, bạn sẽ chỉ làm những công việc tủn mủn hàng ngày để đạt được mục tiêu hàng ngày, và cứ ngày này qua ngày khác bạn chỉ có tầm nhìn ngắn hạn mà không thể có bước đột phá trong tương lai. 

Việc xác định được mục tiêu tổng thể, từ đó phân chia ra các mục tiêu nhỏ sẽ khoa học và logic hơn, từ đó thấy được lộ trình cuộc đời, biết được chúng ta đang ở đâu, cần phải nỗ lực như thế nào để đạt được mục đích đề ra. 

Hãy nhìn xa hơn một chút, đặt mục tiêu cao hơn một chút để phấn đấu, cố gắng, cuộc sống này là của bạn, thời gian của bạn do bạn quản trị, thiết lập trình tự cuộc đời gắn với thời gian là một cách để tránh lãng phí thời gian. 

Tôi đã chia sẻ điều này với những người thuộc thế hệ mình và nhận được những lời phản biện sáo rỗng như: ngày mai còn chưa biết ra sao huống hồ 10 năm nữa, cần gì nhìn xa thế làm gì hãy sống hết mình ngày hôm nay đã,… Không ai hiểu mình bằng chính mình, nếu bạn không thể mường tượng được mình của những năm tiếp theo thì không ai có thể giúp bạn, bạn sống hết mình ngày hôm nay với những mục tiêu nhỏ bé thì bạn cũng sẽ sớm hết thanh xuân một cách lặng lẽ. 

Bạn muốn giàu có hay nổi tiếng, bạn muốn trở thành ông nọ bà kia nhưng bạn lại không dám ước mơ, kể cả cuộc sống hiện tại quá khó khăn nhưng ước mơ không bị tính thuế. Không dám mơ mộng, không dám tưởng tượng, không dám đặt mục tiêu dài hạn là bạn đang vô trách nhiệm với chính tương lai của mình.

70 tuổi tôi thấm thía: Đời người hơn nhau tầm nhìn dài hạn, đáng tiếc hồi 20 tuổi chúng ta dễ thỏa hiệp, dễ bằng lòng với những sở thích bề ngoài, nhỏ nhặt trước mắt - Ảnh 3.

04

Thay đổi thói quen là điều không dễ, nhưng bắt buộc phải làm

Theo quan sát của tôi, bên cạnh những bạn chăm học, chăm làm, chăm đọc sách, thì không ít bạn trẻ đang tự giết mình bằng những thói quen vô bổ. Có nhiều đám tụ tập ngồi lỳ cả ngày trong nhà đánh điện tử, niềm vui được nhen nhóm trong vài tiếng mà vô tình dập tắt cả tương lai phía trước. Tôi cam đoan vài năm sau khi nếm trải khó khăn của cuộc sống, họ sẽ nghĩ đến những giờ phút chơi game sung sướng ấy và lại nói "giá như". 

Có thật nhiều những thói quen xấu đang ngấm ngầm diễn ra và là yếu tố đang hủy hoại tương lai của thế hệ trẻ. Nghĩ về tương lai một cách có trách nhiệm, nhìn vào hiện tại một cách chân thật nhất, thói quen nào tốt, xấu đang ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện mục tiêu cuộc đời, tạo dựng thói quen với tinh thần phấn chấn nhất bằng cách lặp đi lặp lại một việc gì đó trong 3 tuần là có thể trở thành thói quen. Bỏ được thói quen xấu không dễ, nhưng phải làm ngay nếu không muốn tiếp tục lãng phí thời gian. 

Một số thói quen nên hình thành và duy trì:

Duy trì văn hóa đọc: Đọc có 2 loại: Đọc sách để tăng cường tri thức, vì sách chứa đựng những tinh hoa về mặt thông tin được chọn lọc, đọc sách giúp chúng ta hiểu biết hơn. Đọc báo là để tăng cường thông tin, báo khác với sách ở chỗ đọc sách là để nắm được tri thức, đọc báo là để nắm được thông tin ngắn hạn về cuộc sống thường nhật đang diễn ra xung quanh. 2 loại hình bổ trợ cho nhau giúp ta tăng lượng tri thức và thông tin đáng kể. 

Xê dịch: Đi phượt, đi du lịch khám phá là một cách để học hỏi về văn hóa, các giá trị sống của cộng đồng, cũng là khám phá chính bản thân mình, giao lưu kết bạn, mở rộng quan hệ xã hội, thay đổi môi trường giúp làm tươi mới cuộc sống thành thị. 

Viết lách: Không hẳn là viết một bài dài mấy nghìn từ, mà đơn giản hãy ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của bạn vào facebook hoặc cuốn sổ nhỏ, để lưu lại những kỷ niệm vì cảm xúc luôn dẫn lối cho ngòi bút, tư duy ngôn ngữ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng giao tiếp, thuyết trình trước đám đông. 

Tìm cách giải quyết mọi vấn đề: Không biết phải hỏi, nhưng trước khi hỏi, hãy tự tìm hiểu, hãy phát huy tính tự lập trong tư duy, chỗ nào khó quá thì hãy hỏi, từ đó ta nắm chắc vấn đề hơn do đã có sự tìm hiểu trước đó, thậm chí còn tìm ra giải pháp tốt hơn để giải quyết vấn đề.

70 tuổi tôi thấm thía: Đời người hơn nhau tầm nhìn dài hạn, đáng tiếc hồi 20 tuổi chúng ta dễ thỏa hiệp, dễ bằng lòng với những sở thích bề ngoài, nhỏ nhặt trước mắt - Ảnh 4.

05

"Just do it!"

Khi mục tiêu tổng thể đã được thiết lập, những mục tiêu con đã được hoạch định. Thì bước tiếp theo "Just do it!". Hãy thực hiện nó. 

Tôi quen một người bạn có đam mê làm bánh nhưng lại chọn công việc văn phòng 8 tiếng/ngày vì mong muốn của gia đình, chị đặt mục tiêu mở được một cửa hàng bánh trước khi về hưu. Bằng ước mơ và tài năng, chị bỏ ngang công việc nhàm chán và tự kinh doanh riêng, mở hiệu bánh của riêng mình ngay ở độ tuổi 26 đầy khó khăn do thiếu kinh nghiệm và vốn, nhưng với suy nghĩ cứ làm là tới. 

Đáp lại những vất vả khi theo đuổi đam mê, năm 30 tuổi chị không chỉ duy trì một cửa hiệu có tiếng, mà đã phát triển thành một chuỗi các cửa hàng trên khắp Việt Nam, hiện đang hoàn thiện nốt một số thủ tục để xuất khẩu ra thế giới. Muốn hưởng quả ngọt bùi ngày mai thì phải trải qua sự cay đắng hôm nay, đặt mục tiêu thì dễ nhưng khi thực hiện mới nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, cần trải nghiệm và kiến thức để vượt qua khó khăn. 

Nhưng đừng ngại ngần mà không làm tới, trưởng thành là cả một quá trình lao động và tích lũy giá trị sống, còn tuổi trẻ thì hữu hạn, hãy xông pha, dám làm hết sức, dám làm tới để thực hiện ước mơ, hoàn thành, thậm chí rút ngắn thời gian để đạt được mục tiêu ấy. Muốn tỏa sáng vào ngày mai, thì hôm nay bạn phải lấp lánh rồi.

Sử dụng thời gian một cách hiệu quả, câu nói này đã có quá nhiều người nói. Nhưng tôi vẫn muốn lặp lại và nhắc các bạn trẻ hãy sống, hãy yêu, hãy vui chơi và làm việc hết mình vì tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, để khi nhìn lại chúng ta không hối tiếc vì những gì đã qua. 

Ngay hôm nay, hãy đặt cho mình những mục tiêu dài hạn, chia nhỏ chúng ra, thực hiện bằng tất cả đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng mọi cách phải thực hiện cho kỳ được ước mơ của mình. 

Dừng mọi thói quen xấu và tập những thói quen tốt. Dẫu có khó khăn thì phải vượt qua, không chạy được thì đi, không đi được thì lết, bằng mọi giá phải tiến về phía trước. Tuổi thanh xuân ngày càng thu hẹp lại, chúng ta ngày càng lớn khôn, sống vội, sống gấp để mỗi ngày trôi qua là một ngày đẹp, để cả tuổi xuân tràn ngập hạnh phúc và thành công.

(Trích Ybox/Youthconfessions)


Antonov

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/70-tuoi-toi-tham-thia-doi-nguoi-hon-nhau-tam-nhin-dai-han-dang-tiec-hoi-20-tuoi-chung-ta-de-thoa-hiep-de-bang-long-voi-nhung-so-thich-be-ngoai-nho-nhat-truoc-mat-a88044.html