Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra chiều ngày 2/5, ông Trương Gia Bình, với tư cách là Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đã thẳng thắn đề xuất Chính phủ "giao việc" cho tư nhân làm nhiều hơn.
"Mà nhiệm vụ thì phải nhiệm vụ to. Tôi nói ví dụ như dự án đường sắt Bắc Nam hay là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân thì tôi tin chắc rằng việc thực thi không phải mất 30 năm mà chỉ trong vòng dưới 10 năm. Và đây là những nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ", ông Bình nói.
Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân. Ảnh: Giang Huy. |
Ông cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân được quốc tế ấn tượng tốt với các chỉ số của Việt Nam thời gian qua. Đặc biệt, về môi trưởng kinh doanh, logictics, đổi mới sáng tạo... đều tăng 25 bậc trong năm qua. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận thực tế vẫn còn tình trạng "trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh". Do đó, ban IV trong thời gian tới tiếp tục đánh giá tiêu chí tuân thủ các thủ tục hành chính.
Đề xuất "giao việc nhiều hơn" cho khối tư nhân cũng được ông Nguyễn Trung Chính - Phó Chủ tịch VINASA kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nêu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân. Là người điều phối phiên hiến kế về phát triển kinh tế số sáng 2/5, ông Nguyễn Trung Chính cũng thay mặt nêu đề xuất: "Chính phủ nên giao bớt việc cho tư nhân".
Theo ông Chính, kinh tế số là con đường duy nhất để rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Ông kỳ vọng, năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường. Phiên hội thảo về kinh tế số cũng đề xuất đẩy nhanh hoàn thiện thể chế pháp ký cho kinh tế số.
Tại diễn đàn, ông Don Lam - Phó trưởng ban IV, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital nêu các kiến nghị từ phiên hiến kế Tài chính - Tín dụng. Theo ông Don Lam, đại diện bộ ban ngành, chuyên gia, diễn giả đều nhận thấy sự mất cân bằng thị trường vốn trung và dài hạn tại Việt Nam. Việc phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống tín dụng ngân hàng đang gây áp lực cho nền kinh tế.
Các ý kiến ghi nhận từ phiên kiến kế gồm: cơ chế chính sách dành cho thị trường vốn cần xây dựng theo hướng cân bằng, giảm lệ vào tín dụng; ưu tiên xây dựng mô hình tài chính mới và minh bạch hóa thị trường vốn.
Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra 6 kiến nghị: đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính; chú trọng phát triển trái phiếu doanh nghiệp, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư bất động sản; sớm kiện toàn và thành lập công ty xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp; tăng cường cơ sở dữ liệu; tăng cường minh bạch thông tin doanh nghiệp; gia tăng biện pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường sơ cấp, thứ cấp; phối hợp chính sách tốt hơn nhất là trong lĩnh vực tiền tệ, tài khóa.
Năm 2018, Ban IV đã tổ chức 5 hội thảo lớn, hàng trăm cuộc gặp gỡ và thu được nhiều ý kiến góp góp hữu ích trong cộng đồng kinh tế tư nhân. Theo ông Trương Gia Bình, 30% kiến nghị được xử lý, 50% ý kiến được chỉ đạo và chuẩn bị triển khai và hơn 10% kiến nghị chưa được triển khai rõ nét.
Nguyễn Hà