Tốc độ điện khí hóa trong giao thông thay đổi khác nhau ở từng quốc gia, đặc biệt là trong 12 năm tới. Bloomberg New Energy Finance (BNEF) dự báo, đến năm 2030, xe điện chiếm 44% doanh số bán xe hạng nhẹ của châu Âu, 41% ở Trung Quốc, 34% ở Mỹ và 17% ở Nhật Bản.
Ngay cả khi xe hơi điện vẫn chưa phổ biến trên thế giới thì xe bus điện cũng đã được khá nhiều quốc gia áp dụng. Một số thành phố và quốc gia đã có các chương trình thí điểm thử nghiệm xe bus điện, phương tiện giao thông mới này đặc biệt bùng nổ ở Trung Quốc, bên cạnh Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan,... Theo Bloomberg, tính đến năm 2017, 99% xe bus điện trên thế giới tập trung tại Trung Quốc, với hơn 385.000 xe chiếc được đưa vào sử dụng, chiếm 17% tổng số xe bus của Trung Quốc.
Xe hơi điện và xe bus điện dự báo sẽ sử dụng 2.000TWh điện vào năm 2040, làm tăng 6% nhu cầu điện toàn cầu. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ xe thông thường sang xe điện được dự báo sẽ giảm thiểu 7,3 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày.
BNEF ước tính, đến năm 2025, một nửa số xe bus trên thế giới sẽ chạy bằng điện và đến năm 2030, 84% xe bus mới được bán sẽ là xe điện. Đến năm 2040, 80% đội xe bus sẽ chạy bằng điện.
Thế nhưng, hiệu quả thực sự của xe bus điện với kinh tế và môi trường ra sao khi nhìn vào các số liệu thống kê thực tế?
Đầu tiên là về chi phí thiệt hại môi trường. Judah Aber, nhà đồng sáng lập EB Start Consulting - công ty quản lý xe bus điện ở Hoa Kỳ, đã thực hiện một nghiên cứu về hệ thống xe bus điện ở New York năm 2015. Ông ước tính, xe bus điện sẽ giảm thiểu khoảng 300.000 đến 575.000 tấn CO2 ở New York. Với chi phí giải quyết thiệt hại môi trường trung bình là 30 USD với mỗi tấn CO2, xe bus điện sẽ tiết kiệm từ 9 - 17,2 triệu USD cho nền kinh tế.
Đối với việc cải thiện sức khỏe người dân, trong báo cáo của mình, Aber ước tính rằng lợi ích sức khỏe của việc chuyển đổi từ xe bus diesel sang xe bus điện là khoảng 150.000 đô la mỗi xe bus điện. Tức là tổng chi cho bệnh tật của người dân sẽ giảm trung bình 100 USD mỗi cư dân New York.
Việc đưa hệ thống xe bus điện vào đời sống cũng không phải chuyện đơn giản. Một phần là do xe buýt điện chưa có lợi thế về cơ sở hạ tầng và lợi thế về nhiên liệu so với các phương tiện giao thông công cộng thông thường, nên nhìn chung, việc sử dụng xe bus điện ban đầu sẽ tốn kém hơn khi hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, ví dụ như trạm sạc điện chưa nhiều bằng trạm xăng.
Xe bus điện cũng bị cho là tốn kém hơn so với xe bus thông thường. Ví dụ, pin là chi tiết đắt nhất đối với xe buýt điện, chúng không có sẵn và khó có thể thay thế bằng nguồn năng lượng khác. Proterra, một start up sản xuất xe buýt điện, sử dụng pin LTO (Lithium Titanate) 90 kWh để sạc trên đường cho xe buýt điện. Công ty này công bố rằng việc thay thế pin mới cho xe bus điện được khuyến nghị là sau 6 năm và mỗi lần thay pin thường có giá 75.000 USD.
Năm 2015, một chiếc xe bus diesel thông thường có giá khoảng 445.000 USD trong khi một chiếc bus điện cỡ tương tự có giá 770.000 USD. Tuy nhiên, chi phí vận hành của xe bus điện thấp hơn, làm cho chúng tiết kiệm hơn về lâu dài so với xe bus động cơ đốt trong. BYD - nhà sản xuất xe buýt điện của Trung Quốc sử dụng pin 140 LFP (Lithium Iron Phosphate) khá lạc quan về giá của pin. Họ cho rằng giá pin sẽ giảm khoảng 33% vào năm 2025.
Ngày 02/05/2019, Tập đoàn Vingroup đã công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, đánh dấu sự gia nhập vào lĩnh vực vận tải hành khách.
Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, VinBus dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do VinFast sản xuất.
VinGroup cho biết xe bus Vinbus sẽ vận hành theo mô hình phi lợi nhuận với mục tiêu xây dựng giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kinh-nghiem-quoc-te-xe-bus-dien-co-thuc-su-hieu-qua-a88303.html