CEO người Việt Nam tại các tập đoàn đa quốc gia có đặc điểm gì chung?

Nhiều năm trước đây, tổng giám đốc và những vị trí quan trọng trong các công ty đa quốc gia đều là người nước ngoài. Giờ đây mọi việc đã thay đổi và việc chuyển giao quyền điều hành cho người Việt đang trở thành một xu hướng lớn.

Năm 1994, doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc (TGĐ) PepsiCo Việt Nam rồi sau đó là Chủ tịch kiêm TGĐ PepsiCo Đông Dương, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại PepsiCo Đông Nam Á. Đây là trường hợp người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Một thời gian dài sau đó, khi Việt Nam bắt đầu bước vào cánh cửa hội nhập, dòng lao động trên thế giới ngày càng được lưu chuyển tự do thì mức độ cạnh tranh đối với các vị trí chủ chốt như CEO trong công ty đa quốc gia trở nên khó khăn với nhân sự người Việt. Tuy nhiên, xu hướng chung đang nổi lên tại các tập đoàn đa quốc gia ngày nay là việc chuyển giao quyền điều hành cho những người "bản địa" tài năng.

Điều này giúp các công ty tiết giảm chi phí nhân sự do để thuê một nhân sự nước ngoài thường phải bỏ ra một khoản thù lao rất cao. Hơn nữa, lãnh đạo người Việt sẽ am hiểu tình hình và đặc tính văn hóa của địa phương, giúp các quyết định đưa ra hiệu quả hơn, đặc biệt trong các thời điểm công ty gặp khó khăn cần có sự linh hoạt.

Tỷ lệ lãnh đạo cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia là người Việt Nam không ngừng gia tăng qua các năm. Ngay thời điểm khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2007 – 2008, nhiều người Việt Nam đã được tin tưởng giao cho trọng trách. Đó là bà Hà Thu Thanh, "nữ tướng" của Deloitte Việt Nam. Gia nhập Deloitte Việt Nam từ năm 1991 và làm giám đốc từ năm 1998, bà Thanh được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch của công ty kiểm toán lớn này kể từ năm 2007 cho đến nay.

Đó là trường hợp của ông Võ Tấn Long, được bổ nhiệm làm CEO của IBM Việt Nam từ tháng 11/2008. Ông Võ Quang Huệ, một kỹ sư kĩ thuật với hơn 20 năm sống và làm việc tại Đức đã được chính thức bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam từ ngày 1/2/2008. Ông Huệ giữ cương vị này cho đến khi gia nhập VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng với vai trò Giám đốc Dự án VinFast (8/2017).

Ở các năm tiếp theo, thị trường lao động trong nước tiếp tục ghi nhận nhiều người Việt Nam được bổ nhiệm vị trí cao nhất tại các tập đoàn FDI. Đặc biệt, chỉ trong năm 2012 đã có 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt thuộc về người Việt. Ông Phạm Thái Lai làm Chủ tịch kiêm TGĐ của Siemens Việt Nam từ tháng 7/2012. Ông Phạm Thế Trường đảm nhận vị trí CEO SAP Việt Nam từ 5/2012 (đến tháng 1/2018 vừa qua, ông Trường chính thức chuyển công tác sang làm tân Tổng Giám đốc của Microsoft Việt Nam).

Ông Vũ Minh Trí sau thời gian dài giữ cương vị lãnh đạo nhiều tập đoàn như CEO Sony Ericsson VN; CEO Yahoo! VN; CEO Qualcomm phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, ông Trí đã chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam từ 7/2012. Tiếp đó là trường hợp của ông Thiều Phương Nam được Qualcomm bổ nhiệm vị trí CEO phụ trách toàn khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia.

Trong giai đoạn 2014 – 2015, có các ông Phạm Hồng Hải (CEO người Việt đầu tiên của HSBC Việt Nam), ông Phạm Văn Dũng (CEO Ford Việt Nam). Gần đây nhất, bà Nguyễn Thị Bích Vân sau thời gian 22 năm gắn bó tại Unilever Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm nữ chủ tịch người Việt đầu tiên của Unilever Việt Nam – công ty đứng vị trí số 1 trong ngành tiêu dùng nhanh Việt Nam. Trước đó, bà Vân đảm nhận vị trí phát triển khách hàng của Unilever cho toàn khu vực ASEAN, Úc và New Zealand.

Trong số các lãnh đạo người Việt trở thành CEO của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, điểm chung dễ thấy là họ đều có thời gian dài sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài hoặc có thời gian gắn bó lâu dài với các tập đoàn đa quốc gia. Như ông Phạm Thái Lai, Chủ tịch kiêm TGĐ của Siemens Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên và làm việc tại châu Âu tới hơn 30 năm.

Ông Võ Tấn Long cũng có hơn 10 năm sống và học tập ở Nga trước khi về nước. Hay ông Thiều Phương Nam đã làm việc cho Intel từ năm 29 tuổi, từng làm Giám đốc kinh doanh của Intel Việt Nam trước khi làm CEO của Qualcomm Đông Dương.

Một điểm đặc biệt khác, ngoài việc đưa người Việt Nam lên giữ vị trí cao nhất tại chi nhánh bản địa, một số công ty nước ngoài còn có dự kiến để gần như 100% người Việt Nam điều hành kinh doanh. Trong số này, Coca Cola Việt Nam là một ví dụ. Hiện tại, trong số gần 2.500 nhân sự của Coca Cola Việt Nam chỉ có 2 người nước ngoài là CEO và giám đốc tài chính. Ông Vamsi Mohan, Tổng giám đốc Coca Cola khu vực Đông Dương và Myanmar tiết lộ, trong vòng vài năm tới, công ty này dự kiến sẽ có CEO người Việt Nam.

Cao Cường

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-nguoi-viet-nam-tai-cac-tap-doan-da-quoc-gia-co-dac-diem-gi-chung-a8847.html