Sáng 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ và đối thoại thường niên lần thứ 4 với các công nhân và lao động kỹ thuật cao trong cả nước tại TP.HCM.

Trước đại diện cho các công nhân kỹ thuật cao trong cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn lắng nghe trực tiếp tiếng nói từ trái tim và khối óc của các công nhân kỹ thuật cao để Thủ tướng cũng như những người tham gia quản lý nhà nước ở các bộ và địa phương có thể thấu hiểu, từ đó thiết kế và hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm phát huy được đội ngũ công nhân kỹ thuật cao. Bởi đây cũng là một động lực cho phát triển đất nước. Vì thế, cùng với nhận bản đề xuất 43 điểm từ Tổng Liên đoàn Việt Nam về phát triển công nhân kỹ thuật cao, Thủ tướng đã dành hơn 3 giờ để lắng nghe những ý kiến từ những người đang quyết định tới năng suất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Sau hơn 3 tiếng trực tiếp lắng nghe 21 ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp để gửi từng bộ, ngành, địa phương trả lời các đề xuất, kiến nghị của các công nhân chứ không phải nói ở đây là xong.

Thủ tướng khẳng định công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý của dân tộc, quốc gia và là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh của đất nước. Thế nhưng, trong hơn 17 triệu lao động có quan hệ lao động trong tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao. Việc doanh nghiệp có năng suất thấp, sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp còn hạn chế, nguyên nhân đầu tiên là do thiếu hụt công nhân kỹ thuật cao.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực, nhất là sẽ tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân, lao động thực hành giỏi, tay nghề cao, với mục tiêu Việt Nam phải phấn đấu vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, là điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ tiếp tục thực hiện những lời hứa từ 3 cuộc đối thoại trước với công nhân ở 3 miền, thông qua việc chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương, chủ doanh nghiệp quan tâm đến 4 vấn đề thiết yếu nhất của công nhân hiện nay, đó là bảo đảm lương và thu nhập đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, bảo đảm nhà ở xã hội cho công nhân, môi trường làm việc, học tập cùng với chỗ học tập và vui chơi cho con em của công nhân. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền các địa phương và doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao. Đặc biệt, các công nhân phải tự học, tự rèn để có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tốt, tự cập nhật kiến thức chứ không nên lãng phí thời gian.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị công đoàn các cấp phải tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận, tương tác với công nhân, đồng thời cũng phải tham gia vào quá trình phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao. Theo Thủ tướng, công đoàn không chỉ lo lương thưởng cho ngày 1/5, hay chỉ nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân, mà công đoàn cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình là hậu phương của người công nhân. Bởi ở Việt Nam đa phần công nhân sống xa quê, xa nhà. Do đó, công đoàn cần tìm giải pháp để có thể thay thế phần nào cho gia đình của họ, để tổ chức công đoàn trở thành gia đình thứ 2 của công nhân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng bằng khen và trao phần thưởng cho các công nhân, lao động kỹ thuật cao tiêu biểu của cả nước.

Theo VTV