Khẩu hiệu hành động "MAKE IN VIETNAM": Đọc lướt có gì "sai sai" và thông điệp bất ngờ ẩn chứa đằng sau

"Make in Vietnam vừa tạo hiệu ứng truyền thông cũng như thể hiện khát khao, chủ động của người Việt trong việc làm chủ công nghệ", bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TTTT) chia sẻ với Trí Thức Trẻ tại buổi họp báo chiều 6/5, trước thềm Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Ngày 9/5 tới đây, Bộ TTTT sẽ tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng vì một Việt Nam hùng cường".

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một diễn đàn quy mô quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ. Diễn đàn được kỳ vọng là khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ, sớm hiện thực hoá mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển.

Điểm đáng chú ý trong Diễn đàn là khẩu hiệu "Make in Vietnam". Cụm từ này từng được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội khi người nhiều người cho rằng viết sai chính tả, người cho rằng tham chiếu từ cụm" Make in India" của Ấn Độ, mục tiêu biến nước này thành trung tâm sản xuất toàn cầu – tức công xưởng thế giới.

Trả lời vấn đề này, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TTTT) cho biết từ cuối năm 2018, Bộ TTTT đã tính tới việc cần có một khẩu hiệu cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT của Việt Nam.

"Nhiều ý kiến được đưa ra nhưng chưa có sự tính toán một cách thấu đáo, cụ thể", bà nói và cho biết dù Bộ đã tham khảo, học tập từ Hàn Quốc, Ấn Độ cũng như các mô hình phát triển khác.

"Sau đó, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất thông điệp ‘Make in Vietnam’. Đây là câu tiếng Anh, đọc qua một lượt sẽ thấy sai sai nhưng nó có hiệu ứng truyền thông. Chính vì nghĩ là sai nên người ta sẽ phải đọc lại, việc đọc lại sẽ khiến họ phải suy ngẫm", bà nói.

Theo bà, cụm từ thường thấy là "Made in Vietnam" với động từ chia ở thể bị động, thể hiện sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, "Make in Vietnam" lại hàm nghĩa sự chủ động, khát khao sáng tạo, làm chủ của người Việt trong công nghệ.

"Nó vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao của chúng ta", bà Hương chia sẻ.

Số liệu của Bộ TTTT cho biết năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin có doanh thu ước đạt 98,9 tỷ USD, tăng trưởng 8%. Trong đó công nghiệp phần cứng – điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm đạt 4,3 tỷ USD, dịch vụ công nghệ thông tin đạt 5,7 tỷ USD và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD.

Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD. Cũng trong năm này, công nghiệp công nghệ thông tin ướng tính đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.

Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn

Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/khau-hieu-hanh-dong-make-in-vietnam-doc-luot-co-gi-sai-sai-va-thong-diep-bat-ngo-an-chua-dang-sau-a88862.html