Thương mại điện tử trở thành ngành kinh doanh hấp dẫn, không chỉ đối với doanh nghiệp quy mô lớn mà còn thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, người bán cá nhân tham gia.
Ngày 27/4 vừa qua, hội thảo Mở rộng Kinh doanh online khu vực Đông Nam Á và Toàn Cầu đã được diễn ra tại Hà Nội với sự phối hợp tổ chức của Vinalink và Boxme Global. Hội thảo thảo luận về tiềm năng của thương mại điện tử Đông Nam Á (ĐNA) và cơ hội cho người Việt tại thị trường hơn 600 triệu dân này.
Tại hội thảo, Bà Lê Minh Trang - chuyên gia về Hành vi khách hàng từ Nielsen công bố nhiều dữ liệu quan trọng về thương mại điện tử (TMĐT) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Theo đó, mức độ tăng trưởng thương mại điện tử tại khu vực ĐNA đạt hơn 30,3%, phát triển nhanh nhất so với các khu vực khác.
TMĐT trở thành ngành kinh doanh hấp dẫn, không chỉ đối với doanh nghiệp quy mô lớn mà còn thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, người bán cá nhân tham gia.
Xu hướng kinh doanh xuyên biên giới của người Việt đã được Ông Hán Văn Lợi - CEO Boxme Global, mạng lưới dịch vụ hậu cần hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, làm rõ trong phần trình bày tại hội thảo. Theo ông Lợi, nhiều mô hình kinh doanh online xuyên biên giới "ăn theo" sự phát triển của thương mại điện tử đã bùng nổ trong 3 năm gần đây.
Trong đó, khái niệm Kiếm tiền online (Make Money Online - MMO) trở nên rất phổ biến, bao gồm những hình thức kinh doanh "du nhập" từ phương Tây như Fulfillment by Amazon (FBA), Print-On-Demand (POD), Dropshipping,.... Không ít người Việt đã thành công khi tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu vào giai đoạn MMO đang là sân chơi cực nóng cho kinh doanh online.
Ông Hán Văn Lợi tại Hội thảo Mở rộng kinh doanh online khu vực Đông Nam Á và Toàn Cầu.
Tuy nhiên, xu hướng MMO tại thị trường châu Âu - Mỹ đã bắt đầu hạ nhiệt từ sau năm 2018 do người Việt đang ngày càng gặp nhiều khó khăn, mức độ cạnh tranh khốc liệt, chi phí quảng cáo tăng cao,... nên thị trường Đông Nam Á dần được cộng đồng kinh doanh xuyên biên giới quan tâm.
Riêng thị trường Việt Nam, doanh thu thương mại điện tử được ước tính sẽ đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Số lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày lên đến 3 triệu đơn và con số này dự đoán sẽ tiếp tục tăng, theo Google & Temasek.
Cùng với Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore cũng tăng trưởng nhanh, trung bình 30%/năm. Doanh thu thương mại điện tử toàn khu vực được dự đoán đạt 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, không thua kém bất kỳ thị trường nào.
Sức hút từ thị trường Đông Nam Á
Hội thảo cũng đưa ra những hỗ trợ quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các trở ngại để phát triển tại thị trường Đông Nam Á. Trong đó, việc tạo nhận diện và quảng cáo tại các nước Đông Nam Á đang được các công ty chuyên về quảng cáo như Novaon, iNet triển khai. Việc xây dựng mạng lưới kho bãi vận chuyển đã được Boxme Global xây dựng và hoàn thiện, các thông tin quan trọng về nhu cầu mua sắm thương mại điện tử được Nielsen cung cấp và việc thanh toán quốc tế được hỗ trợ bởi Payoneer.
Tại hội thảo, 4PX - doanh nghiệp logistics xuyên biên giới hàng đầu tại Trung Quốc cũng có mặt. Theo ông Chris Bu, đại diện từ 4PX cho biết, doanh nghiệp này sẵn sàng hỗ trợ người bán Việt Nam trong vấn đề nhập khẩu nguồn hàng từ Trung Quốc đến toàn khu vực và xử lý đơn hàng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Công ty logistics này cho biết đang hợp tác cùng Boxme để giúp thị trường TMĐT Đông Nam Á phát triển như Trung Quốc trong khoảng 5-10 năm trước. Trong đó, 2 doanh nghiệp sẽ kết hợp ra mắt nền tảng dropshipping (bán hàng không tồn kho) dành riêng cho thị trường tiềm năng này, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt kinh doanh xuyên biên giới tại thị trường này. Dự kiến Netsale sẽ được ra mắt chính thức vào tháng 6/2018 tại 4 nước Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Dropshipping là mô hình bán lẻ mà người bán không lưu giữ sản phẩm trong kho của mình mà mua sản phẩm từ người bán buôn hoặc nhà sản xuất và vận chuyển trực tiếp cho khách hàng. Những nền tàng như Netsale giúp người bán hàng có thể tiếp cận trực tiếp các nguồn hàng từ nhà sản xuất. Từ đó, họ có thể dễ dàng đưa sản phẩm lên bán đa kênh, đa quốc gia. Đơn hàng khi phát sinh sẽ được tự động chuyển về người mua với thời gian và chi phí tối ưu nhất cho từng thị trường.
Như vậy, các điều kiện về kinh doanh xuyên biên giới gần như đã sẵn sàng cho người Việt bắt đầu kinh doanh xuyên biên giới tại Đông Nam Á. Định hướng mở rộng vào tệp khách hàng toàn khu vực hứa hẹn sẽ là con đường mới cho người kinh doanh Việt trong giai đoạn những phân khúc thị trường hiện tại đang bão hòa về nhu cầu và sức mua.
Theo Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-viet-mo-rong-kinh-doanh-online-sang-thi-truong-dong-nam-a-lieu-co-kha-thi-a88877.html