Câu chuyện nhà báo quốc tế trở về trường cũ ồn ào mấy hôm nay khiến tôi nhớ lại buổi họp lớp cuối năm ngoái.
Thời cấp 2, chúng tôi học ở trường năng khiếu huyện nhà. 2 lớp chuyên Văn và chuyên Toán, tròm trèm 30 đứa mỗi lớp. Lớn lên, hầu hết rời quê đi lập nghiệp bốn phương trời.
Một ngày hè 2018 về quê, mấy người bạn nhắc: “Dịp Tết sắp tới, tụi mình huy động cả 2 lớp họp khóa đi, có 60 “mống” nên tụ tập cả cho xôm”.
Gặp gỡ lặt vặt, nhóm nhỏ hay từng lớp một thì vẫn diễn ra rồi, nhưng quy tụ tầm như thế này là chưa có thật. Chúng tôi hồ hởi dự định sẽ tổ chức vào ngày nào đó sau Tết Âm lịch, vì cho rằng đó là dịp có đầy đủ bạn bè hơn cả, mọi người hầu hết đều về quê ăn Tết.
Chẳng ngờ khi kết nối 2 lớp lại với nhau, các bạn đề xuất sẽ họp vào dịp 20/11, không chỉ gặp nhau mà còn là dịp tri ân thầy cô. Cũng đã 25 năm ra trường, đúng là chúng tôi chưa có dịp trở lại “cho ra tấm ra món”.
Một ban tổ chức nhanh chóng được thiết lập, với nguyên tắc: Phải tổ chức cho tất cả cùng về được, và vui.
Câu chuyện tài chính được thảo luận và chốt lại mức đóng góp thấp nhất sẽ là 500 nghìn đồng, còn lại kêu gọi tài trợ tự nguyện, để vừa tổ chức phần lễ cho trang trọng, vừa tổ chức phần hội cho thoải mái.
“Nhóm tài trợ” cho đến nay vẫn trong vòng bí mật. Dù tôi biết có những bạn ở xa không về được vẫn âm thầm góp 20-30 triệu đồng, hay có những bạn doanh nhân cực kỳ bận rộn nhưng không chỉ “góp của” mà còn tích cực “góp công” trong những lần đi lại Hà Nội – Thanh Hóa...
Cũng vẫn là những kế hoạch thường thấy như các buổi họp lớp, họp trường khác: Quà tặng thầy cô, trao suất học bổng học sinh, tặng tranh lưu niệm cho trường... Tất cả đều được thảo luận tỉ mỉ, từ kiểu cổ áo đồng phục, hay dòng chữ gì sẽ ghi trên tấm băng rôn...
Cuối cùng thì chúng tôi chốt được dòng chữ “Yêu thương tìm về”. Nghe có vẻ... sến, nhưng đến khi trở về trong vòng tay thầy cô, bè bạn, chúng tôi cảm nhận rất rõ cảm giác yêu thương không hề là sáo ngữ. Gần 60 cô cậu học trò và 30 thầy cô đã dạy chúng tôi trong suốt những năm cấp 2 đã có buổi gặp gỡ tràn đầy xúc cảm.
Để buổi trở về mang đúng nghĩa tri ân, chúng tôi chọn ngày thứ 7 của đầu tháng 11. Còn trước đó, những bạn trong ban tổ chức sẽ về sớm một ngày để đi thăm viếng tất cả những thầy cô đã mất, thầy cô đã quá già yếu ngày hôm sau không thể đi ra cùng.
Còn một lý do nữa là chúng tôi không muốn mất thời gian của các em học sinh hiện tại, dù rằng là ở những lứa đầu của trường, nhiều bạn thành đạt của khóa có thể “truyền cảm hứng” sinh động cho đàn em sau này...
Những ngày đạp trên chiếc xe “cởi truồng” không gác-đờ-bu từ các xã xa xôi ra thị trấn, vừa đi vừa trêu chọc nhau rôm rả; hay những bữa trưa mang cặp lồng cơm rau muống trứng luộc; rồi cả khoảnh khắc đang ngồi học thì ghế bỗng sập vì có chân được kê bằng chồng gạch... cứ thế tái hiện trong bài diễn văn xúc động.
Thời điểm chúng tôi họp lớp cũng là lúc dư luận đang quan tâm tới chuyện thiền sư Thích Nhất Hạnh về chùa Từ Hiếu, thành phố Huế, nơi ông xuất gia tu học thuở thiếu thời, để "ở lại trong một thời gian rất dài".
Thế là tôi cũng thêm chút "văn vẻ" phát biểu: "Có những người nổi tiếng nhưng chẳng có quê hương để mà về. Còn chúng ta, cũng như thiền sư Thích Nhất Hạnh, đều may mắn là có quê hương để trở về. Trở về để kết nối. Chúng ta kết nối lại với bạn bè, thầy cô, kết nối với quá khứ và kết nối cả tương lai...".
Thế mà mấy cô bạn gái cũng hoe hoe mắt, còn các anh con trai thì chạy ra lắc tay: "Xúc động!".
Cô bạn giáo viên dạy giỏi một trường cấp 3 ở Hà Nội hỏi xin bài diễn văn để “làm chất liệu ra đề cho học sinh”... Bạn nói, những trải nghiệm họp lớp của bản thân là chất liệu quý để dạy học trò một cách thấm thía về sự trân trọng thời học sinh của chính mình. Để làm sao sau này, khi ký ức trở về, đó nên là quãng đời đẹp đẽ...
Mấy ngày hôm nay, một trường học cấp 3 ở Nghệ An đang vất vả giải trình câu chuyện chào mừng một cựu học sinh “lộng danh”. Nhiều người biết chuyện có trách các thầy cô sao lại để giăng cái băng rôn với những ngôn từ rổn rảng “nhà báo quốc tế, thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ danh dự...”.
Tôi thấy giận cái anh đồng nghiệp. Dù anh cố gắng góp sức cho quỹ khuyến học của nhà trường với 20 triệu đồng; nhưng sao lại bắt các thầy cô phải chào đón theo cách như thế? Tôi cũng giận cả những nhà báo đi cùng. Tin yêu, hồ hởi và hồn hậu với các học trò cũ, vốn là thái độ của những người thầy ở quê xưa nay. Thôi thì, thầy cô đã trót tin yêu học trò cũ, nhưng còn những đồng nghiệp khác, sao lại “không có ý kiến gì” trước hành động háo danh như thế?
Bất giác, tôi không khỏi liên tưởng xa xôi. Dường như, sự ghi nhận thành công, thành tựu của các học trò lâu nay vẫn hướng tới những danh xưng học hàm, học vị khiến quan niệm về thành công bị bó hẹp.
Trân trọng (và chào mừng) cả những học sinh bình thường, có cuộc sống lương thiện và tử tế, sẽ góp phần khiến cho kiểu cựu học sinh “lộng danh” không còn đất "dụng võ".
Hạ Anh
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-20-trieu-dong-cuu-hoc-sinh-sao-no-lam-thay-cu-truong-xua-mac-lom-a88954.html