Cuộc trò chuyện của chúng tôi với TS Nguyễn Mạnh Hùng diễn ra sau khi ông có buổi dạy thiền tại báo điện tử Trí thức trẻ. Khoác trên mình bộ quần áo nâu đã cũ, vị doanh nhân bắt đầu với những ký ức về tuổi thơ gian khó của mình...
Thời trung học cơ sở, nửa buổi tôi đi học, nửa buổi đi chăn trâu cắt cỏ. Trâu cũng là trâu chung, 4 nhà 1 con trâu, cách 3 ngày mới đến nhà mình phải chăn. Trưa bắt cua, bắt ốc, đêm thường thức để đi câu. Ngày thường chỉ được ăn 2 bữa, nhưng ngay cả bữa tối cũng lúc có lúc không, lúc đói lúc no.
Khi học kỳ 1 lớp 8 (tương đương hệ lớp 10 ngày nay), tôi bị 2 môn dưới trung bình là hóa học và tiếng Pháp. Thời năm 1979, ai là học sinh yếu sẽ bị đuổi học, hoặc bị đúp.
Tôi quyết tâm học. Ngày nhận được kết quả học kỳ 2 lớp 8, tôi đạt học sinh trung bình, không bị đúp, không bị đuổi học nữa. Đó là một trong những niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi đến bây giờ, khi đã 52 tuổi.
Điều này nghe ra thì buồn cười, nhưng nhờ việc đạt học sinh trung bình mà tôi không bị đuổi học, nếu không, giờ này tôi đang cuốc đất trồng rau, không thể có được công ty sách Thái Hà.
Nhờ cố gắng, lớp 9 tôi đạt học sinh tiên tiến, lớp 10 đạt học sinh giỏi. Thời ấy khi thi đại học năm 1982, nếu 3 môn đạt trên 14 điểm thì vào đại học trong nước, trên 21 điểm thì được học bổng du học. Chẳng biết có phải do may mắn không, tôi đạt 24,5 điểm, được đi học tại Moscow, Liên Xô.
Nhờ việc học ở nước ngoài, tôi được dạy cách tư duy, phương pháp luận. Khác với ở Việt Nam, các thầy cô giảng kiến thức sẵn có, ở nước ngoài các thầy cô dạy mình cách tự học, tự kiếm kiến thức, tự khám phá tiềm năng.
Ở Liên Xô, tôi tập tành buôn bán, kinh doanh đủ thứ mặt hàng thị trường thời đó cần. Hàng hóa, vàng, cả ngoại tệ nữa. Số tiền tích góp lúc gần 30 tuổi cũng được tầm 1 triệu USD.
Khi tốt nghiệp về nước, đóng hàng vào container chuyển về Việt Nam, tài sản lớn nhất khi đó không phải là tiền mà là hàng trăm cuốn sách và vài trăm đĩa than ca nhạc sưu tập được.
Tuổi thơ cơ cực, nhà nghèo có phải là động lực quan trọng giúp ông vươn lên?
Tôi xin kể một câu chuyện như thế này. Một phóng viên đến phỏng vấn hai anh em ruột trong một gia đình. Phóng viên hỏi người anh vì sao ông lại trở thành tiến sĩ, tổng giám đốc một công ty và được vị này trả lời: "Bố ăn trộm, mẹ cờ bạc, nhà nghèo, tôi không còn đường nào khác ngoài cố gắng học hành, cố gắng thành công".
Sau đó gặp người em, phóng viên hỏi tại sao ông ta lại trở thành trộm cướp, ngồi tù nhiều như vậy. Người này trả lời: "Bố ăn trộm, mẹ cờ bạc, nhà nghèo, tôi làm gì còn đường nào khác ngoài thành kẻ trộm cắp, lừa đảo".
Điều đó nói lên rằng cùng một hoàn cảnh đẩy con người đến bước đường cùng, mỗi người sẽ có lựa chọn khác biệt. Người có trí chọn cách cố gắng hết mình vì biết đó là cơ hội để bứt phá; kẻ không có trí chấp nhận buông xuôi, cuối cùng thành người thất bại, hư hỏng.
Đức Phật dạy có 4 hạng người: người đi từ bóng tối đi về ánh sáng; người bóng tối đi về chỗ tối; người đi từ ánh sáng đi về ánh sáng; và người từ ánh sáng đi về bóng tối. Tôi thấy mình may mắn thuộc nhóm người đầu tiên: đi từ nơi tối tăm đến ánh sáng.
Với tôi, hoàn cảnh khó khăn là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng của người khôn khéo và là vực thẳm của người yếu đuối. Cuộc sống đầy thử thách, chông gai, muốn thành công phải trả giá. Nếu chúng ta nhận ra khổ và biết rõ con đường thoát khổ, hay ít nhất là bớt khổ thì sẽ có thành công, bình an.
12 năm làm việc ở FPT, nhân duyên gì khiến ông quyết định rời bỏ vị trí quản lý ở đây để mở công ty sách?
Tôi đầu quân cho FPT từ năm 1995. Năm 1999, tôi đi học ở Mỹ, sau đó sang Úc. Ở 2 nơi này, tôi phát hiện ra nhiều người thầy đi giảng rất giỏi nhưng đã 60-70 tuổi. Các thầy chia sẻ rằng mấy chục năm học, kiến thức, kinh nghiệm rất nhiều nhưng chết không thể mang theo được, nên quyết định đi dạy để truyền lại cho thế hệ sau.
Về Việt Nam, tôi quyết định đi dạy, sẻ chia kiến thức và kinh nghiệm của mình. Ban đầu là các khóa ngắn về quản trị kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng mềm mà Việt Nam rất thiếu.
Lúc còn ở FPT, tôi phát hiện ra FPT làm giàu rất tốt. Nhưng tiền nhiều không phải sung sướng, bởi dù có ngàn tỷ khi chết đi cũng chẳng mang đi được.
Chưa có ai giàu có mà có tượng và được cả nhân loại tôn thờ. Quan sát tôi thấy, nhiều người rất nghèo mà lại được tôn thờ như mẹ Teresa, thánh Gandhi… Những người nghèo ấy không có tiền, nhưng tâm họ sáng, họ cống hiến, phụng sự, cho đi mà không đòi hỏi hay nghĩ đến việc mình cho đi.
Tôi hiểu ra rằng nếu mình chỉ đi vào con đường làm giàu, để có thật nhiều tiền thì mình đã sai, nên phải chuyển sang con đường mới để học những người không có tiền nhưng có trí tuệ và trái tim rộng lớn tràn ngập yêu thương.
Khi tìm kiếm con đường mới, tôi thấy Việt Nam yếu nhất là giáo dục. FPT đã quyết định và mở đại học, sau đó đến cấp 3, cấp 2. Quan điểm của tôi ngược lại, phải dạy từ gốc rễ, từ mầm non, dần lên đại học và sau đại học.
Thời ấy, tôi đã định mở trường mẫu giáo, nhưng nhiều bạn bè khuyên không nên. Từ bỏ giáo dục chính thống, tôi đi theo giáo dục không chính thống: các khóa đào tạo ngắn hạn, học online, tự học, mở phòng đọc sách miễn phí… Tôi nghỉ ở FPT để có sân chơi mới của mình, vừa đi dạy, vừa chia sẻ, viết sách, viết báo.
Một bài học khác cũng giúp tôi củng cố quyết tâm này. Vua Minh Trị là người đã làm thay đổi nước Nhật. Ông cho dịch những sách hay, quý, thiết thực của cả thế giới ra tiếng Nhật để người Nhật đọc và ứng dụng.
Công ty tư nhân đầu tiên của Nhật lại thuộc ngành in ấn, xuất bản và phát hành. Vua Minh Trị đã góp công lớn thay đổi nước Nhật bằng một loạt các quyết định đúng và kịp thời, đặc biệt là trong giáo dục. Từ vua Minh Trị mới ra đất nước và con người Nhật Bản với cách tư duy, trí tuệ ngày nay.
Khi mở công ty sách, tôi quyết định lấy tên là Thái Hà. Hà là dòng sông. Thái có nhiều nghĩa trong đó có nghĩa là bình an, ánh sáng và lớn. Thái Hà có nghĩa là dòng sông lớn, dòng sông bình an, dòng sông ánh sáng. Có 4 thứ ánh sáng: Ban ngày là ánh sáng của mặt trời, ban đêm là ánh sáng của mặt trăng, khi không có ánh sáng của mặt trời mặt trăng ta có ánh sáng của các loại đèn, và ánh sáng của trí tuệ - thứ ánh sáng ít người biết. Ánh sáng trí tuệ sẽ rất khó có được nếu không có sách.
Là doanh nhân, ông cảm thấy điều gì của Phật Pháp ứng dụng đúng nhất vào việc kinh doanh?
Nhân quả. Người tu thấy cây nhờ gốc rễ. Gieo cái gì thì gặt cái đó. Gieo tươi cười thì gặt hạnh phúc, gieo lừa đảo thì gặt thất bại.
Đức Phật dạy chúng ta 2 từ là yêu thương và trí tuệ. Chỉ cần thực hành được cả hai điều này thôi ai ai cũng sẽ hạnh phúc, mọi việc sẽ tuyệt vời.
Với những người đang làm việc, kẻ thông minh là khi chủ trả lương 5 triệu thì làm việc đúng 5 triệu, không hơn và cũng không kém, bởi vì sợ mình thiệt, sợ khổ bản thân mình. 10 năm sau vẫn lương 5 triệu và họ tự khiến mình mãi thiệt.
Với người có trí tuệ, chủ trả lương 5 triệu, họ đồng ý và bỏ ra công sức gấp đôi số lương đó, không sợ mệt, không sợ khổ. Vài năm sau, họ nhận lương 50 triệu và bắt đầu lên giám đốc.
Những người có chí, chủ trả lương 5 triệu, họ đồng ý và làm việc miệt mài không sợ gian khổ, thiệt thòi. 5 năm sau đủ kinh nghiệm và vốn liếng, họ có thể nghỉ việc mở công ty riêng làm chủ, mỗi tháng kiếm 500 triệu dù có thể gặp nguy cơ vỡ nợ, phá sản.
Những người thực tế, khi chủ trả lương 5 triệu, thì làm việc 50% năng lực, để rồi bị trừ lương còn 2,5 triệu. Thời gian dư dả còn lại họ mang tiền này đi chơi, đánh bài 6 lá rồi vỡ nợ.
Còn với những người liều mạng, chủ trả lương 5 triệu, họ không đồng ý, thậm chí còn chửi cả ông chủ, rồi bỏ đi.
Đó là nhân quả, là yêu thương và trí tuệ đấy.
Khi gặp thất bại, khó khăn trong kinh doanh, điều gì giúp ông vượt qua?
Tôi kể cho bạn một câu chuyện. Đại loại rằng, có một vị doanh nhân kia gặp thất bại trong sự nghiệp tìm đến một vị thiền sư và nói rằng hình như cuộc đời và xã hội đang tìm cách nhấn chìm anh ta.
Vị thiền sư không nói gì. Ngài lấy 2 chiếc thùng, một thùng đầy nước và một thùng không. Ngài thả chiếc lá vào chiếc thùng không rồi xách chiếc thùng đầy nước kia từ từ đổ vào chiếc thùng có chiếc lá. Chiếc lá bị cuốn xoáy trong nước, nó lặn xuống, trồi lên liên tục. Cuối cùng khi nước đã đổ vào đầy chiếc thùng rỗng thì chiếc lá lại ung dung nổi lên mặt nước.
Vị thiền sư chỉ vào chiếc lá trong thùng nước và giải thích rằng, nếu người doanh nhân biết thả tâm của mình nhẹ nhàng như chiếc lá thì dù cuộc đời, thương trường có nghiệt ngã đến cũng không thể nhấn chìm anh ta.
Là doanh nhân tu tập, tôi biết rằng khó khăn, thất bại là cơ hội để làm lại, để vươn lên. Tôi hiểu rằng ngay cả khi bị sự cố dù lớn đến đâu cũng còn may mắn hơn hàng triệu người khác và cơ hội bắt đầu lại từ đầu cũng vẫn rất lớn. Thế rồi bình tâm trở lại, bình tĩnh đi làm, tư duy tích cực, tĩnh tâm nghĩ ra những cách làm mới tốt hơn, chắc chắn hơn.
Tu thiền nhiều năm như vậy, ông cảm thấy mình khi còn là một triệu phú USD với bây giờ, khi là một tu sinh, là một thiền sinh khác nhau như thế nào?
Trước thiền tôi mê tiền, nhưng sau này, tiền không còn quan trọng nữa. Tiền tài vật chất chỉ là công cụ, là phương tiện. Tôi phát hiện ra rằng nếu mình chỉ đi vào con đường làm giàu, kiếm thật nhiều tiền thì chưa chắc đã đúng. Dù bây giờ vẫn là một triệu phú đô la nhưng tiền trong mắt tôi chỉ còn là phương tiện để phục vụ cho mình.
Điều đáng tiếc nhất bây giờ là không hiếm doanh nhân Việt Nam bị nô lệ vào tiền, bị tiền sai khiến. May thay, những người hành thiền, có tu tập thì biến tiền thành phương tiện của mình, để phục vụ cho xã hội và cộng đồng.
Mọi người kiếm tiền, đạt được những vị trí tốt là để thỏa mãn các nhu cầu, mang lại cảm giác hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này không bền vững vì nhu cầu này được thỏa mãn sẽ phát sinh nhu cầu mới. Thiền lại là cảm giác hạnh phúc, cảm giác an lạc dài hơn, bền vững hơn.
Tài sản lớn nhất của tôi bây giờ không phải là nhà, xe, hư danh, hay bằng cấp, ví trí CEO... Tài sản lớn nhất là tình yêu thương, mà khó nhất là yêu thương kẻ thù của mình.
Vậy còn xe hơi, hàng hiệu từng dùng, ông làm gì với chúng khi quyết định tu thiền?
Tôi có một chiếc xe hơi 4 chỗ nhưng đã giao cho công ty sử dụng. Rất ít khi tôi dùng xe này, mà chủ yếu đi bộ, đi xe buýt, xe đạp, có khi đi taxi.
Quần áo càng giản dị hơn nữa, chỉ yêu cầu rộng rãi, mặc sao cho thoải mái, như bộ đồ trên người bây giờ, giá cũng chỉ khoảng 100.000 đồng, mặc mấy năm không hỏng, không rách. Những món đồ hiệu trước đây từng dùng phần lớn đã tặng đi, có món còn giữ lại thì chỉ cất trong góc tủ.
Cuộc sống tu thiền của tôi bây giờ đơn giản lắm, tôi ăn chay, thích đồ tươi sạch. Thức ăn hầu như không nấu, thi thoảng có hấp, không dùng đồ chiên xào. Mỗi bữa tôi ăn một bát cơn gạo lứt nấu bằng nồi áp suất, không uống nước lạnh, không dùng đá, không bia, rượu, thuốc lá. Mỗi bữa ăn như vậy chắc chỉ tiêu tốn chưa đến 20.000 – 30.000 đồng.
Ông từng đi nhiều nơi giảng và hướng dẫn thiền, sẽ gặp trường hợp bị nghi ngờ, bị đánh giá là dở hơi khi bỏ công việc để đi làm điều chẳng giống ai?
Gần mười năm trước, tôi mua 2 căn nhà ở phố Tô Hiệu để mở phòng đọc sách miễn phí cho mọi người. Ngày nào tôi cũng đến pha trà, mời bánh kẹo phục vụ bạn đọc.
Một nhà văn khá nổi tiếng thời đó tìm đến nói với tôi rằng: "Anh Hùng ạ, con gái tôi làm ở công ty thời trang, con bé muốn thuê tầng một của anh với giá 20 triệu để làm cửa hàng. Anh lên tầng hai ở và lấy số tiền đó tha hồ ăn tiêu, lại nhàn. Mở phòng đọc sách miễn phí, pha trà mời khách thế này nhưng có mấy ai đến đâu".
Tôi từ chối và nói sẽ vẫn duy trì nhà sách, vẫn pha trà, mời bánh, kẹo. Nhà văn đó nói tặng cho tôi chữ K . Tôi tên "Hùng", ông tặng thêm chữ K để thành "Khùng". Tôi nghe và biết vậy nhưng cũng không phản ứng gì.
Tôi kiên trì làm, không ai làm thì tôi làm. Kết quả ngày nay ai cũng thấy, người Việt giờ đây đọc sách nhiều hơn, hội sách mở khắp nơi.
Thiền cũng vậy. Vài năm trước, thiền rất ít người theo, thậm chí có người kém trí còn cho rằng thiền là mê tín. Nhưng bây giờ thì khác rồi, nhiều cơ quan thiền. Tôi kiên định, không ai làm tự tôi sẽ làm, làm một mình, cho đến khi mọi người thấy hay thì mọi người theo. Người thành công là là người làm cái mà không ai làm hoặc không làm được.
Ông vẫn sử dụng facebook để chia sẻ và kết nối với mọi người. Những chia sẻ thường nhận được sự chú ý lớn của cộng đồng mạng có bao giờ mang tới rắc rối cho ông không?
Cách đây 2 năm, tôi đi châu Âu và được nghe về quyền lực thứ 5 của thế giới: Mạng xã hội. Kể từ đó, tôi sử dụng triệt để facebook để viết và chia sẻ. Thời gian với facebook vốn không mất nhiều, lúc gõ trên máy tính, khi dùng qua điện thoại, nhưng có thể kết nối cùng lúc tới hàng nghìn người.
Vấn đề với facebook cũng có. Khi gõ trên facebook bằng điện thoại, chữ nhỏ, quên đeo kính nên gõ sai chính tả. Có người trách rằng làm CEO công ty sách mà còn sai morat. Cũng có một số người không thích vì tôi hay nói thẳng, nói thật. Có người gửi thư phê bình, góp ý, phản đối,... Tôi nhận và chấp nhận, cầu thị và lắng nghe, thấy đúng thì sửa, thấy chưa đúng thì cứ ngẫm. Biết đâu do vô minh mình chưa nhận ra.
Hình ảnh của một giám đốc chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến hình của công ty, nhưng không ít lần ông lại xuất hiện trên báo chí khi đi khất thực, hát rong. Ông có sợ người khác đánh giá không hay về mình cũng như công ty không?
Theo nguyên lý của tháp Maslow – tháp nhu cầu con người – tầng dưới cùng là nhu cầu sinh lý, sinh tồn; tầng thứ hai là nhu cầu an toàn; tầng ba là nhu cầu giao tiếp; tầng bốn là nhu cầu được tôn trọng, tầng năm là tự thỏa mãn, tự khẳng định.
Những người ở tầng 5 này không quan tâm ai nghĩ gì về mình. Họ sống cho mình, không bị chi phối nhiều bởi lời ong tiếng ve. Muốn cho người khác cái gì thì mình phải có cái đó trước đã. Muốn mang hạnh phúc cho người khác thì mình phải hạnh phúc trước. Bây giờ tôi là một doanh nhân hạnh phúc, đó mới là điều quan trọng. Tôi không sợ người khác nghĩ xấu về mình, nên cũng chẳng lo hộ họ về chuyện có muốn nghĩ xấu về tôi hay không.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-trieu-phu-do-la-tuoi-26-den-nguoi-dan-ong-hanh-phuc-khong-nho-tien-bac-a90259.html