“Điều đầu tiên tôi được nghe vào những ngày chân ướt chân ráo, đó là bò làm ra tiền, gấu cũng làm ra tiền, chỉ có heo là bị làm thịt. Nhưng giờ tôi ở đây để cho bạn biết rằng, tôi chính là một chú heo. Tôi nghĩ việc đa dạng hóa và tất cả những thứ mà người ta dạy tại các trường kinh doanh ngày nay có lẽ toàn những khái niệm sai lầm.”
Đó chính là lời khuyên của Stanley Druckenmiller - huyền thoại đầu tư với thành tích sinh lợi bình quân 30% mỗi năm trong 3 thập kỷ và gần như chưa từng thua lỗ. Ông cũng được biết đến là cánh tay phải của “kẻ đánh sập Ngân hàng Anh” - Geogre Soros.
Stanley Druckenmiller (trái) và Geogre Soros (phải).
|
Trông chừng kỹ giỏ trứng và giữ khô thuốc súng
Druckenmiller ném sự thông thái của số đông - về quan điểm đa dạng hóa danh mục đầu tư - ra khỏi cửa sổ. Thay vì đặt nhiều khoản cược nhỏ đa dạng, ông là người theo triết lý “chơi lớn”, nghĩa là Druck tập trung triển khai một vài khoản cược đáng kể.
Dưới đây là những lời Druckenmiller mô tả về triết lý cược lớn của mình:
“Điều đầu tiên tôi nghe được vào những ngày chân ướt chân ráo, đó là bò (bull-market) làm ra tiền, gấu (bear-market) cũng làm ra tiền, chỉ có heo là bị làm thịt. Nhưng giờ tôi ở đây để cho bạn biết rằng, tôi chính là một chú heo. Và tôi cực kỳ tin rằng cách duy nhất để đạt hiệu suất sinh lời trên trung bình trong dài hạn tại ngành của mình là phải trở thành một chú heo.
Tôi nghĩ việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, cũng như tất cả những thứ mà người ta dạy tại các trường kinh doanh ngày nay có lẽ toàn những khái niệm sai lầm. Nếu bạn nhìn vào tất cả những nhà đầu tư vĩ đại như Warren Buffett, Carl Icahn, Ken Langone, thì họ có xu hướng đặt cược rất, rất tập trung. Họ thấy cơ hội, họ đặt được vào nó, và họ đặt cả “sổ đỏ” vào đó luôn. Đó là nền tảng cho triết lý đầu tư của tôi.
Lỗi lầm mà hầu hết các nhà quản lý quỹ và các cá nhân mắc phải chính là việc lúc nào họ cũng cảm thấy rằng phải nhảy vào cuộc chơi, trong khi cuộc chơi đó là một đống hỗn tạp, chả biết đường nào mà lần.”
Theo Druckenmiller, để kiếm được mức lợi nhuận trên trung bình trong dài hạn thì phải sẵn sàng đặt cược lớn khi bạn có cơ sở quả quyết về tình huống giao dịch.Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng cần phải bảo vệ tiền của mình bằng việc không phí phạm nó vào một “đống hỗn tạp”.
Ý tưởng trên cũng tương tự điều mà nhà đầu tư nổi tiếng Seth Klarman đã viết trong cuốn “Margin of Safety” (Tạm dịch “Biên An Toàn”):
“Tránh thua lỗ nên là mục tiêu tiên quyết của mọi nhà đầu tư. Điều này không có nghĩa là nhà đầu tư lúc nào cũng có tâm thế né tránh rủi ro thua lỗ. Mà đúng hơn, 'đừng để mất tiền' tức là qua nhiều năm, một danh mục đầu tư không nên bị thua lỗ một lượng vốn đáng kể.
Đương nhiên chẳng ai muốn gánh chịu thua lỗ cả, nhưng nếu cứ hành xử giống số đông thì bạn sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi nó. Sự thôi thúc đầu cơ trong mỗi chúng ta rất mạnh mẽ. Viễn cảnh về một bữa trưa miễn phí cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt khi những người khác có vẻ đang chia phần ngay trước mắt ta.
Thật khó để tập trung vào những khoản lỗ khi mà kẻ khác lại đang háo hức kiếm lãi lớn và mấy anh bạn môi giới thì cứ gọi điện liên hồi mời chào những cổ phiếu IPO “nóng sốt mới ra lò”. Tuy thế, việc tránh đi thua lỗ chính là cách chắc chắn nhất để đảm bảo một kết quả sinh lời.”
Bạn cần giữ cho thuốc súng khô ráo để khi thời cơ đến, bạn có thể bóp cò một phát “ngất ngây con gà tây”.
Cờ đến tay ai người ấy phất
Tầm quan trọng của chiến lược “cờ đến tay ai người ấy phất” là thứ mà Druckenmiller học được khi làm việc cho Geogre Soros.
“Tôi học được nhiều điều từ Geogre Soros, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là việc bạn đúng hay sai chẳng hề quan trọng, quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai. Có đôi lần Soros từng chỉ trích tôi khi mà tôi thật sự đúng về thị trường nhưng lại không tối đa hóa lợi nhuận có thể kiếm được từ cơ hội đó.”
Tập trung cao độ vào việc bảo toàn vốn đi kèm với đặt cược lớn chính là triết lý bản lề của nhiều nhà đầu tư vĩ đại. Còn việc giữ những thua lỗ ở mức thấp và thúc đẩy thật mạnh những “kẻ chiến thắng” (những vị thế đạt lợi nhuận) chính là tên của trò chơi đầu cơ.
Theo Druckenmiller, tình trạng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư chủ động (được quản lý chủ động) mà chúng ta chứng kiến hiện nay không đơn giản chỉ vì giới quản lý quỹ đầy rẫy những kẻ xoàng xĩnh, mà ngoài ra động thái đó còn đến từ việc các nhà quản lý e sợ phải chấp nhận những rủi ro cần thiết để tạo ra những năm lợi nhuận lớn. Họ quản lý danh mục quá giống với chỉ số tham chiếu chung, cùng với đó định hướng của họ cũng quá tập trung vào ngắn hạn. Những điều kể trên chính là công thức cho một thành tích đầu tư trung bình. Dưới đây là ý kiến của Druck:
“Nhiều nhà quản lý quỹ, một khi họ kiếm được lợi nhuận 30-40%, thì họ sẽ ‘kết năm’ tại đó. Nghĩa là họ sẽ giao dịch cực kỳ cẩn trọng để phần còn lại của năm đó không làm ảnh hưởng đến thành tích tốt đã đạt được. Cách để có được lợi nhuận thật sự phi thường trong dài hạn là hãy nỗ lực cho đến khi bạn kiếm được 30-40%, và rồi nếu bạn vẫn quả quyết là mình đúng, hãy tiếp tục cho đến 100%. Nếu bạn có thể đạt được mức sinh lợi đâu đó khoảng 100% trong một vài năm và tránh được những năm thua lỗ, thì khi đó bạn có thể đạt được kết quả thật sự tuyệt vời trong dài hạn.”
Tâm trí của nhà giao dịch và cách kiểm soát thua lỗ
Theo Druck, để trở thành một nhà giao dịch chiến thắng bạn cần phải “quyết đoán, cởi mở trong suy nghĩ, ứng biến tốt và cạnh tranh cao độ.”
Một ngày trước cú sụp năm 1987, Druckenmiller chuyển đổi các vị thế của mình từ bán ròng (net-short) sang 130% mua ròng (net-long) vì ông nghĩ rằng đợt bán tháo đã chấm dứt. Druck nhận thấy thị trường bật lên từ các ngưỡng hỗ trợ (về kỹ thuật). Nhưng đột nhiên cũng trong ngày hôm đó, ông nhận ra mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Ngày tiếp theo, ông đảo ngược vị thế thành bán khống thị trường và thực tế đã kiếm được tiền. Đây chính là kiểu tâm lý cởi mở, mềm dẻo ứng biến có trong máu của mọi nhà giao dịch vĩ đại nhất. Druckenmiller có lẽ là người đã thể hiện đức tính này nổi bật hơn hết thảy.
Phong cách “kiên định với quan điểm, cởi mở với thay đổi” thật sự khó nhưng chính là điều tối quan trọng để thành công.
Để có được một tâm trí cởi mở như thế, bạn cần học cách tách cái tôi của mình ngay tức thời khỏi các kết quả giao dịch, như một câu thành ngữ của Việt Nam: “Thắng không kiêu, bại không nản.”
Nếu bạn cho phép thua lỗ ảnh hưởng đến đánh giá của mình, bạn chắc chắn sẽ phạm phải sai lầm lớn. Druckenmiller đã học bài học này khá sớm từ chính Soros.
“Soros là người đón nhận thua lỗ tuyệt nhất mà tôi từng thấy. Ông ấy chả quan tâm liệu ông thắng hay bại đối với một giao dịch. Nếu một giao dịch không ổn, ông ấy đủ tự tin về khả năng thắng những giao dịch khác,và như thế ông ấy có thể dễ dàng quên cái vị thế thua lỗ đó đi.
Có rất nhiều giày xếp ngay ngắn trên giá gỗ, bạn chỉ cần mang vào những đôi vừa vặn với chân mình.Nếu bạn tự tin thật sự, thua lỗ chẳng khiến bạn phiền lòng.”
Một trong những điều hay nhất về cuộc chơi trên thị trường tài chính là miễn bạn vẫn sống sót (bảo vệ được nguồn vốn) thì bạn luôn có thể chơi tiếp (thực hiện thêm những thương vụ khác). Druckenmiller nói rằng: “Điều tuyệt vời trong ngành kinh doanh của chúng tôi đó là tính 'thanh khoản' của nó (ý chỉ có thể chơi nhiều cuộc chơi và dễ dàng thay đổi vị thế), và đương nhiên bạn cũng cần phải biết cách để bước qua những lỗi lầm. Miễn là tôi vẫn kiểm soát tình thế - tức là, miễn tôi vẫn theo sát được những vị thế của mình - thì chẳng có lý gì để mà lo lắng cả.”
Trong một cuộc phỏng vấn,Druckenmillertừng được hỏi tại sao sau từng ấy năm và với cả đống tiền mà ông đã kiếm được, thì Druck vẫn dành ra 60 giờ một tuần để giao dịch?
Để vươn tới đẳng cấp của Druckenmiller, bạn phải giao dịch/đầu tư bởi vì đó là thứ bạn phải làm. Giao dịch/đầu tư phải là lẽ sống của chính bạn.
Thừa Vân - Vũ Hạo (lược dịch)
FILI
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-may-kiem-tien-stanley-druckenmiller-muon-chien-thang-thi-hay-la-mot-chu-heo-va-choi-lon-a90618.html