NAPAS muốn trở thành "ông trùm" xử lý tất cả giao dịch bán lẻ điện tử tại Việt Nam

Để làm được điều đó, NAPAS đang thực hiện rất nhiều biện pháp khác nhau và họ gần như đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số ở mảng tài chính tại Việt Nam.

Nếu không tìm hiểu, hẳn nhiều người không biết Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) là một doanh nghiệp nhà nước, bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp 50% vốn và 50% còn lại được góp bởi các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Nguyên do, họ hoạt động giống như một công ty tư nhân: rất tích cực trong việc chuyển đổi số, hợp tác với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, áp dụng những công nghệ mới nhất, có rất nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau để khuyến khích đối tác dùng dịch vụ của mình…

Từ "ông trùm" trong mảng giao dịch qua thẻ…

NAPAS hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 17.000 máy ATM, 270.000 máy POS, 300 doanh nghiệp thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch…; phục vụ hơn 100 triệu chủ thẻ của 46 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Các sản phẩm dịch vụ chính được NAPAS cung cấp bao gồm Dịch vụ chuyển mạch thẻ nội địa, Dịch vụ cổng thanh toán, Dịch vụ chuyển mạch thẻ quốc tế, Dịch vụ hỗ trợ thu hộ - chi hộ điện tử, Dịch vụ thanh toán và bù trừ điện tử, Dịch vụ chuyển tiền nhanh 24/7.

Năm 2017, chỉ sau 1 năm chuyển đổi số, doanh thu NAPAS tăng 9% so với năm 2016, lên 1.160 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế đã bứt phá mạnh 64% lên 212 tỷ đồng, kéo biên lãi ròng lên tới hơn 18%.

Trong năm 2018, tổng số lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS đạt tương ứng 388,9 triệu giao dịch và 1.763 triệu tỷ đồng, tăng 2,3 lần về số lượng và hơn 50 lần về giá trị giao dịch so với năm 2015.

Tháng 9/2018, NAPAS đã nhận được chứng nhận chỉ tiêu chuẩn bảo mật quốc tế PCI DSS phiên bản 3.2.1, đây là phiên bản mới nhất với nhiều điều kiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn so với phiên bản cũ, đặc biệt bổ sung chi tiết các yêu cầu về xác thực đa nhân tố, chuẩn an toàn trong mã hóa dữ liệu và yêu cầu chính sách duy trì tuân thủ được xuyên suốt trên quy mô toàn công ty cũng như thực hiện rà soát định kỳ.

Theo kế hoạch, năm 2019, hệ thống sẽ xử lý hơn 500 triệu giao dịch và 2.738 triệu tỷ đồng.

NAPAS muốn trở thành ông trùm xử lý tất cả giao dịch bán lẻ điện tử tại Việt Nam - Ảnh 1.

Máy POS dành cho thẻ chip.

Gần nhất, nhằm chuẩn hóa kết nối hệ thống chuyển mạch theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa cũng như hỗ trợ các ngân hàng hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 25 triệu thẻ ATM, 150.000 máy POS và 6.000 máy ATM vào cuối năm, NAPAS đã thông báo sẽ tiếp tục giảm 47%-80% phí dịch vụ chuyển mạch (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật, để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1/5/2019.

Khả năng bảo mật cũng như các tiện ích của thẻ chip cao hơn thẻ từ, nên Ngân hàng Nhà nước thông qua NAPAS, đang khuyến khích các ngân hàng chuyển đổi, tất nhiên các công cụ sử dụng thẻ cũng phải thay đổi theo, như máy POS và máy ATM.

… muốn trở thành "ông trùm" của tất cả giao dịch bán lẻ điện tử

Tuy nhiên, ban lãnh đạo NAPAS vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với những gì đã đạt được, tham vọng của họ là bao quát được tất cả các kênh giao dịch điện tử chứ không phải chỉ qua thẻ.

"Chúng tôi muốn thay toàn bộ NAPAS và cách thị trường nhìn nhận về chúng tôi. Chúng tôi muốn NAPAS trở thành một hệ thống hạ tầng có thể xử lý tất cả giao dịch bán lẻ điện tử tại Việt Nam, không chỉ qua thẻ mà còn qua mobile app, ví điện tử, QR Code và không chỉ của các doanh nghiệp nội địa mà cả quốc tế. Chúng tôi đang tích cực đàm phán với JCB, Master Card…, khuyến khích họ chuyển mạch giao dịch qua NAPAS.

Hạ tầng mà chúng tôi xây dựng sẽ đáp ứng đủ tất cả các nhu cầu, không phân biệt đối xử giữa ngân hàng và fintech", ông Nguyễn Hưng Nguyên – Phó Tổng Giám đốc NAPAS, chia sẻ.

Hiện NAPAS đang xây dựng và phát triển dự án để phục vụ cho tham vọng này - Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch bán lẻ, giao dịch thẻ (ACH).

Về QR Code: Nhiều người ngạc nhiên khi nghe nói NAPAS có thể triển khai hình thức thanh toán này qua hệ thống trong năm nay, tuy nhiên, thật ra họ đã chuẩn bị cách đây 2 năm, khi NAPAS ký kết MOU (biên bản ghi nhớ) hợp tác với Alipay - thuộc tập đoàn Alibaba.

Do thuận lợi của người đi sau, Việt Nam chúng ta đã có những tiêu chuẩn cơ sở để triển khai hình thức QR Code cũng như sự tương thích tương đối giữa Việt Nam và quốc tế. Hiện Napas vẫn đang tìm cách đồng bộ và chuẩn hóa hơn nữa hệ thống của hai bên, nhằm triển khai dự án này sớm nhất. Thế nên, trong tương lai, không chỉ các công ty fintech Việt Nam tham gia vào mạng lưới của NAPAS mà còn có các công ty fintech ở nước ngoài.

Về các công ty fintech: Hiện tại, chính sách của nhà nước cho mảng fintech – ví như ví điện tử, vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải cởi mở hơn. Phần mình, NAPAS sẽ không để xảy ra sự bất công với các fintech. Hiện tại, 30 triệu khách hàng trên NAPAS đang bị các ngân hàng ‘thâm cam’, tranh giành nhau quyết liệt; thế nên NAPAS sẽ tạo ra các sản phẩm sáng tạo hơn, để các fintech có thể khai thác các tập khách hàng ngoài 30 triệu kể trên.

Theo ông Nguyên, mảng fintech giống mảng ngân hàng cách đây hơn 10 năm, khi mạnh ai làm nấy và không chịu liên kết. Sau khi NAPAS thuyết phục được các ngân hàng tham gia mạng lưới chung, tất cả đều phát triển và tăng trưởng vượt bậc, trung bình 30% đến 40%, có sản phẩm/dịch vụ tăng tới 100%/năm. Hợp tác và chia sẻ là điều tất yếu, vì không ai đủ tiềm lực để đến đích một mình. Các fintech Việt cần hợp tác với nhau, với ngân hàng, doanh nghiệp và NAPAS.

Chuyển dịch dữ liệu hạ tầng "lên mây", thử nghiệm công nghệ AI, blockchain

Để có thể thực hiện được mục tiêu tham vọng này, chắc chắn NAPAS phải dựa vào công nghệ và họ đang là một trong những doanh nghiệp có công nghệ dẫn đầu ngành ngân hàng – fintech.

NAPAS sẽ thực hiện chuyển dịch dữ liệu hạ tầng lên điện toán đám mây – icloud trong năm nay, nhưng sẽ thận trọng và thực hiện từng bước. Ngoài ra, họ cũng đang thử nghiệm các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo – AI hoặc blockchain.

Trong năm 2017, NAPAS đã ký thỏa thuận với NETS (Network for Electronic Transfers Pte Ltd) từ Singapore, rằng cả hai sẽ thử nghiệm mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain trong dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới.

Vào tháng 7/2018, trong một sự kiện, ông Nguyên tiết lộ NAPAS và 3 ngân hàng gồm VietinBank – VIB – TPBank đã thử nghiệm mô hình chuyển tiền trên blockchain. Kết quả là chỉ sau 4 tuần, hạ tầng mới thử nghiệm chạy trên blockchain đã hoàn thiện. Các nghiệp vụ chính xử lý giao dịch, đối soát, tra soát tức thời đều đã thực hiện được.

Nhiệm vụ gần nhất mà Ngân hàng Nhà nước giao cho NAPAS, ngoài thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử còn phải nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thanh toán mới trên nền tảng số hóa để hỗ trợ kết nối các kênh ngân hàng.

Ở khía cạnh khác, là một tổ chức trung gian giữa Chính phủ và doanh nghiệp, NAPAS sẽ tham mưu cho các cơ quan quản lý về việc xây dựng các môi trường – dự án thử nghiệm (sandbox), sau đó NAPAS sẽ báo cáo kết quả cho Ngân hàng Nhà nước để xem nó có thành công hay không và nếu nhân rộng thì cần phải tối ưu hóa phần nào.

"Trong thời buổi công nghệ 4.0, nếu chính sách của Nhà nước không theo kịp công nghệ/mô hình/dịch vụ mới, nên chăng hãy để cho cơ chế đuổi theo chúng", ông Nguyên gợi ý.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7/2019, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7%. Mặc dù ngành thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam – tăng trưởng 20% đến 30% một năm, nhưng có tới hơn 80% giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt, bằng phương thức nhận hàng trả tiền trực tiếp.

Do đó, có thể thấy, công việc của NAPAS sẽ còn rất nhiều và hành trình của họ còn rất dài và rất xa.

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/napas-muon-tro-thanh-ong-trum-xu-ly-tat-ca-giao-dich-ban-le-dien-tu-tai-viet-nam-a90728.html