Toạ lạc tại đại lộ Primaveti khu ngoại ô Bucharest là dinh thự được gọi Spring Palace, nơi sinh sống của gia đình người đứng đầu nhà nước Romania trong 25 năm. Từ lâu đài Dracula thuộc Transylvania, đoàn du khách Việt Nam tranh thủ thời gian quay lại ngay thủ đô Bucharest, Romania trước 5 giờ chiều để hoàn tất nốt chương trình tham quan. Tuy là điểm ngoài dự kiến nhưng cũng không kém phần quan trọng vì đây là Dinh thự nhà độc tài Nicolae Ceausescu.
Nằm trong một khuôn viên khá rộng, toà dinh thự nổi tiếng một thời này chứa bao truyền thuyết và bí mật xung quanh đời sống chính trị cũng như riêng tư của nhà độc tài. Đến tận năm 2016, 28 năm sau vụ đảo chính quân sự dẫn đến cái chết còn gây nhiều tranh cãi của Ceausescu thì chính quyền Bucharest mới cho phép công chúng tham quan bên trong toà dinh thự đặc biệt này.
Bắt đầu chuyến tham quan du khách được yêu cầu mang túi vải bọc giầy đề bảo vệ sàn gỗ và những tấm thảm Ba Tư quý giá của toà dinh thự. Trái với sự tẻ nhạt ngoài khuôn viên cộng với lối kiến trúc ũ rũ của tòa nhà, bên trong khá nhộn nhịp các nhóm khách hăm hở đi theo người hướng dẫn. Tour gói gọn trong một tiếng, tối đa nhóm khách chỉ 15 người mà thôi.
Ảnh: Wekipidia.
Nicola Ceausescu sinh tại làng Scornicesti vào năm 1918 trong một gia đình nông dân. Do điều kiện gia đình ông chỉ theo học được 4 năm sau đó lên sống tại Bucharest bằng nghề làm giầy. Ngay từ năm 1932, mới 14 tuổi, Ceausescu đã vào đảng cộng sản và liên tục vào tù vì đảng Cộng sản khi đó là đảng phái bất hợp pháp. Trong song sắt nhà tù ông đã gặp và được lảnh tụ cộng sản nổi tiếng Romania, Gheorghe Gheorghiu Dej đỡ đầu và dạy dỗ. 32 năm sau, năm 1965 Ceausescu đã kế thừa trở thành Tổng thư ký Đảng cộng sản Romania, khi Gheorghiu Dej qua đời.
Trước khi cách mạng nổ ra năm 1989 thì Ceausescu được tung hô như một nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất của Romania nhưng trong con mắt của Mỹ và phương Tây ông là một nhà độc tài sắt máu, hà khắc trong cai trị và đời sống riêng tư vô cùng xa hoa.
Ảnh: La Phi Long.
Khu dinh thự của nhà độc tài nằm trong khuôn viên lên đến 14.000m vuông với 80 phòng được sử dụng cho sinh hoạt gia đình 5 thành viên: Ceausescu, Elena vợ ông và 3 người con (2 trai và 1 gái). Ngoài các sảnh tiếp khách và khu vực sinh hoạt chung thì các thành viên gia đình được bố trí 5 khu vực riêng với không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi, học tập và làm việc hết sức riêng tư.
Du khách còn được đưa đến khu vực rạp chiếu phim gia đình. Theo người hướng dẫn tại đây, Ceausescu rất thích xem phim đặc biệt là phim cao bồi Mỹ của John Wayne hay sưu tầm các loại rượu quý đưa vào trong hầm rượu bên trong tòa nhà dù ông không hề uống.
Vào những ngày biến động tháng 12/1989, vợ chồng Ceausescu dùng trực thăng trốn chạy về quê nhà nhưng bị bắt và chỉ sau một phiên toà kéo dài hai giờ đầy tranh cãi vào 25/12/1989, hai vợ chồng ông bị kết án tử với hàng loạt tội danh như: tham nhũng, phản bội tổ quốc... Liền sau đấy, hai người bị trói ngoặt tay và gục ngã bỡi loạt đạn AK từ 3 người lính bên bức tường nhà xí của doanh trại quân đội cạnh nơi phiên toà được tổ chức.
Nhưng có một chi tiết khá hay về đời sống tình cảm của ông. Ông có một cuộc tình son sắt với Elena, người vợ đồng cam cộng khổ cả đời với ông. Hai người quen nhau khi cùng tham gia cách mạng lúc còn trẻ, cùng hoạt động rồi thăng tiến và bà cũng chính là phó thủ tướng thứ nhất, nhân vật đứng thứ 3 trong chính phủ Romani thời bấy giờ. Điều đó lí giải cho việc bà bị xử bắn cùng ông và lời cuối tại phiên toà của họ là yêu cầu được chết bên nhau.
Ảnh: La Phi Long
Theo chân người hướng dẫn, cả đoàn có dịp chiêm ngưỡng sự hoành tráng và xa hoa bên trong toà dinh thự với tâm trạng phấn kích xen lẫn bái phục. Thập niên 60 dinh thự này được xây dựng dành cho nhà lãnh tụ đầu tiên của đảng Cộng sản Romania - Gheorghe Gheorghiu Dej, ông cũng chính là người thầy, người đỡ đầu Ceausescu trong những năm đầu tham gia đảng Cộng sản Romania khi ông chỉ 15 tuổi, theo lời người hướng dẫn.
Ảnh: La Phi Long.
Lần lượt dạo bước qua các phòng, tuỳ chức năng mà chúng được bài trí theo phong cách Romania đặc trưng với gỗ quý đầy hoa văn điêu khắc cầu kì từ vách, phủ kín cho đến trần cùng đá cẩm thạch trắng, còn những phòng theo phong cách hoàng gia thì nội thất cầu kì dát vàng lắp lánh vô cùng bắt mắt.
Một bức tranh bên trong tòa nhà cũng toát lên độ giàu có quý phái của gia đình Ceausescu. Hầu hết các vật dụng nội thất trang trí trong nhà đều rất đắc tiền. Ảnh: La Phi Long.
Tủ quần áo của gia đình Ceausescu. Ảnh: La Phi Long.
Ảnh: La Phi Long.
Khu vực sinh hoạt riêng của 2 vợ chồng ông tách hẳn 5 khu kia. Đây là nơi lôi cuốn sự tò mò của du khách nhất, khu vực này rộng nhất, chỉ riêng với phòng chứa quần áo của 2 vợ chồng ông đã đủ làm du khách trầm trồ với các dãy kệ tủ to lớn dài ngút mắt. Và nổi bậc nhất là phòng tắm với tường, trần nhà rực sáng một màu vàng vương giả bởi chúng được lát từ hàng nghìn các viên đá nhỏ mạ vàng vuông vắn một cách hết sức công phu, kể cả các vòi nước cũng mạ vàng sáng loáng.
Một phần bên trong căn nhà là niềm ao ước của du khách. Ảnh: La Phi Long.
Ảnh: La Phi Long.
Xây dựng từ thập niên 60 nhưng sự tinh xảo, và xa hoa của dinh thự sau gần 60 năm vẫn còn nguyên đó, dấu ấn thời gian càng tôn tạo thêm sự độc nhất của nó mà thôi. Có lẽ sự bôi nhọ về lối sống xa hoa của lãnh tụ Ceausescu bởi báo chí Mỹ và phương Tây cũng có cơ sở.
Ảnh: La Phi Long.
Trong dòng lịch sử đầy biến động của Cộng Hòa Romania, thật khó để phân định rành ròi công và tội đối với một nhà độc tài chính trị như Nicolae Ceausescu, anh La Phi Long, hướng dẫn viên theo đoàn giải thích thêm cho du khách của mình. Sau năm 1989 dinh thự này được bảo tồn và sử dụng làm nhà khách chính phủ nhưng gặp nhiều khó khăn về chi phí bảo dưỡng nên năm 2014 chính quyền đã rao bán nhưng không một cá nhân hay tổ chức nào dám hỏi mua cả. Vì sợ công trình xuống cấp nên năm 2016 dinh thự chính thức được mở cửa thu phí cho du khách vào tham quan.
Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/du-lich-the-gioi-co-gi-dinh-thu-nha-doc-tai-ceausescu-tai-cong-hoa-romania-thu-hut-du-khach-viet-a90838.html