Việt Nam sắp 'vượt mặt' Malaysia?

Mới đây, người sử dụng mạng xã hội tại Malaysia xôn xao trước nội dung trong một infographic của Theedgemarkets.com với câu hỏi đặt ra liệu Việt Nam sắp 'vượt mặt' Malaysia hay không?

Mới đây, người sử dụng mạng xã hội tại Malaysia xôn xao trước nội dung trong một infographic của Theedgemarkets.com với câu hỏi đặt ra liệu Việt Nam sắp 'vượt mặt' Malaysia hay không?

Giáo dục là chìa khóa để nâng cao sức cạnh tranh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Việt Nam thường được nhìn nhận là một ngôi sao mới nổi và là đối thủ chính để Malaysia phải dè chừng. Nhưng nếu xét về mặt số học, liệu Việt Nam có thực sự sắp 'vượt mặt' Malaysia hay không?

Thế mạnh, điểm yếu nào của Việt Nam?

Trong giai đoạn từ 2013 - 2017 nhìn chung tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có chiều hướng tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng của Malaysia lên xuống thất thường. Về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất so với nhóm 4 nước được so sánh là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế là dân số trẻ và có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp.

Tuy nhiên, Malaysia dẫn đầu về đánh giá mức độ dễ dàng khi hoạt động kinh doanh, tốc độ đô thị hóa cao và có nền tảng thương mại điện tử tốt nhất.

Nội dung infographic xuất hiện vào tháng 4 năm nay gây xôn xao tại Malaysia. - Ảnh: Theedgemarkets.com

Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư Tan Khong Sin (Khoa Kinh tế, ĐH Multimedia, Malaysia) tin rằng Việt Nam sẽ bắt kịp Malaysia về kinh tế. Việt Nam có dân số trẻ hơn và dân số ở Việt Nam lớn hơn Malaysia rất nhiều (dân số tại Malaysia là 32,26 triệu người so với Việt Nam 70 triệu). Hơn nữa, Việt Nam có nhiều tự do hơn về kinh tế. Ở Malaysia có những hạn chế và một số sản phẩm bị đánh thuế rất cao như rượu và thuốc lá.

GS Tan cho biết ông đã từng giảng dạy nhiều tại Malaysia và Việt Nam. Qua nhìn nhận của ông, Malaysia có nền giáo dục tốt hơn nếu so về các chương trình giảng dạy sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Nếu Việt Nam có thể giảng dạy hai ngôn ngữ này trong các trường học, chắc chắn rằng Việt Nam có thể phát triển tốt hơn Malaysia.

GS Tan Khong Sin (hàng ngồi, thứ 5 từ trái qua) tại Khóa đào tạo Phương pháp nghiên cứu và Công bố khoa học quốc tế tổ chức tại Hà Nội, tháng 3.2019 - Ảnh: NVC

Đầu tư vào giáo dục

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để Việt Nam bắt kịp Malaysia nhanh hơn nữa, Giáo sư Tan cho rằng: “Đầu tư vào giáo dục là quan trọng và đây là một khoản đầu tư dài hạn. Tôi hy vọng rằng Việt Nam có thể tập trung vào hai thứ, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Thứ hai là xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản tốt hơn như hạ tầng giao thông. Thứ ba là khuyến khích các học giả và giáo viên giỏi từ nước ngoài về để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phát triển.”

Ông Tan cho rằng mọi quốc gia nên đánh giá sinh viên dựa trên thành tích học tập chứ không phải chủng tộc và tôn giáo, thì khi đó hệ thống giáo dục sẽ có cơ chế giảng dạy rất tốt và do đó tạo ra những sinh viên giỏi nhất mà về lâu dài sẽ có lợi đất nước và nền kinh tế.

Vì vậy, Việt Nam sắp 'vượt mặt' Malaysia hay không vẫn còn nằm ở tương lai và phụ thuộc rất nhiều vào chính sách.

Quá lạc quan ?Không lạc quan như phía Malaysia, đại diện trí thức phía Việt Nam có ý kiến dè dặt. Theo thạc sĩ kinh tế Nguyễn Bá Thọ, chuyên gia chiến lược Công ty Tư vấn ICM, nếu chỉ xét trên GDP quốc gia và thu nhập trên đầu người thì việc Việt Nam ‘vượt mặt’ Malaysia trước 2050 là ‘quá lạc quan’ nếu cả hai cùng duy trì tốc độ phát triển như hiện nay. Theo ông, để vượt một nền kinh tế khác, cột mốc đảm bảo thành công sẽ không chỉ phụ thuộc ở dân số hay tình hình ổn định chính trị mà sẽ dựa trên tốc độ phát triển về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Để ‘vượt mặt’ một quốc gia khác thì điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải hội nhập, hợp chuẩn toàn phần và khuyến khích sự minh bạch để phát triển bền vững.

Hạo Anh

Theo Thanh Niên

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/viet-nam-sap-vuot-mat-malaysia-a90906.html