Tâm an vô sự hết lo, giường êm sẵn đợi bến bờ an nhiên", độ lớn nhỏ của thế giới bên ngoài kia hoàn toàn phụ thuộc vào "kích thước" của cái tâm bên trong bạn!
Khổng Tử nói: "Tại bang vô oán, tại gia vô oán" (bất kể là ở đâu cũng đều không oán than, trách móc), rồi lại nói "Bất oán thiên, bất vưu nhân", có nghĩa là con người, đặc biệt là những người đã bước vào độ tuổi trung niên dù là làm gì cũng phải giữ cho mình sự bình tĩnh, hòa nhã, tâm có tĩnh, khí có hòa thì cơ thể mới có thể khỏe mạnh, tuổi thọ mới được kéo dài.
Trang Tử nói: "Tâm thanh tất tịnh, vô lao nhữ hình, vô dao nhữ tinh, nãi khả trường sinh", chữ "thanh" và chữ "tịnh" ở đây cũng có ý muốn nhấn mạnh "tâm tĩnh" và "khí hòa", câu nói của Trang Tử có nghĩa là chỉ cần tâm thanh tịnh, thì chẳng cần phiền tới cơ thể hay tinh thần, bạn vẫn có thể trường sinh bất lão.
"Bất oán thiên, bất vưu nhân", phàm là con người hãy giữ cho mình sự bình tĩnh, hòa nhã, tĩnh tại.
Quản Trọng, một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu nói: "Ưu uất sinh bệnh, bệnh khốn nãi tử" (có nghĩa là sầu muộn, u uất sẽ sinh bệnh, bệnh lâu ngày rồi sẽ chết dần chết mòn), Mạnh Giao, nhà thơ Trung Quốc thời Trung Đường cũng tin rằng "Tình ưu bất tại đa, nhất tịch năng thương thần." (bi thương nhiều ít không quan trọng, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi thôi cũng có thể làm tổn thương tinh thần của ta). Qua đây, có thể thấy một đạo lý dưỡng sinh đó là chỉ cần tâm tịnh, tinh thần thông suốt thì quá trình lão hóa tự nhiên sẽ chậm lại.
Đào Hoằng Cảnh, nhà thư pháp, dược sĩ, nhà thiên văn học trong các triều đại phương Bắc nhấn mạnh: "Dưỡng tính chi đạo mạc cửu hành cửu tọa, cửu ngọa cửu thính, mạc cường ẩm thực, mạc đại túy, mạc đại sầu ưu, mạc đại ai tư, thứ sở vị hữu trung hòa, năng trung hòa giả cửu tất thọ dã". Ý muốn nói, đạo dưỡng sinh không nằm ở việc đi lâu, ngồi nhiều, nằm nhiều nghe nhiều, không nằm ở việc ăn nhiều, uống quá say, hay suốt ngày ưu sầu, suy nghĩ bi thương mà nằm ở "trung hòa", người có thể "trung hòa" ắt sẽ trường thọ, nhấn mạnh người bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên nên ăn uống điều độ, cư xử đúng mực, tư tưởng nên mở, nên khoan dung ra một chút, đây chính là bí quyết mấu chốt của "dưỡng sinh".
Bí quyết trường thọ của các bậc cao nhân xưa kia đều là giữ tâm ổn định, không mưu cầu vật chất
Nhà thơ Bạch Cư Dị có viết: "Tự tĩnh kì tâm diên thọ mệnh, vô cầu vu vật trường tinh thần" (tự tĩnh tâm ắt trường thọ, không mưu cầu vật chất tinh thần ắt sảng khoái). Tư tưởng "bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi" (không vì sự tốt xấu của người vật bên ngoài hay sự được mất của bản thân mà vui vẻ hay bi thương) của Bạch Cư Dị cũng rất có hiệu quả trong việc dưỡng sinh.
"Thọ tinh" của thơ đàm, Lục Du, lận đận long đong cả cuộc đời nhưng lại thọ tới 85 tuổi, đó là bởi ông rất quan tâm đến vấn đề dưỡng sinh và cũng đã "thu nhập" lại được rất nhiều.
Một bài thơ của ông có viết: "Ngộ thân bẩn vô hoạn, vệ dưỡng tại đắc nghi. Nhất hào bất gia cẩn, bách bệnh sở do tư" (có nghĩa là: sức khỏe của tôi sở dĩ tốt như vậy đó là nhờ sự chăm sóc thích hợp. Chỉ một chút không tập trung thôi là bệnh tật sẽ "thừa nước đục thả câu", tấn công vào cơ thể). Ông hay vận động, hay làm những việc lặt vặt, để cả cơ thể và tâm trí luôn hoạt động, luôn hoạt bát, vì vậy mà lão hóa cũng được đẩy lùi.
Ông còn viết: "Độc thư hữu vị thân vong lão, vô thi tam nhật khước tăng ưu" (Đọc sách giúp quên đi tuổi già, ba ngày không làm thơ ngược lại lại thấy buồn). Mặc dù tuổi cao, nhưng ông chưa bao giờ nghỉ tay, chưa từng "gác bút", đạt được tới cảnh giới dưỡng sinh của chính mình.
Tô Thức, hiệu Đông Pha cư sĩ, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống là một người có tính cương trực, ít giữ mồm giữ miệng, có gì nói đấy nên sự nghiệp chính trị của ông đầy sóng gió, ông cũng vì vậy mà chưa già đã lão hóa, điều này khiến ông quan tâm nhiều hơn đến vấn đề dưỡng sinh. Thuật dưỡng sinh của ông đó là thường xuyên ra ngoài đi dạo, ngắm nhìn xung quanh, thường xuyên mở cửa sổ để đón gió, cách làm đơn giản đó giúp tăng cường khí huyết, giúp "lưu thông" tốt hơn.
Học giả nổi tiếng triều đại Bắc Tống, Trình Hạo có viết trong thơ của mình: "Vân đàm phong khinh cận ngọ thiên, bàng hoa tùy kiễu qua tiền xuyên; thời nhân bất thức dư tâm lạc, tương vị thâu nhàn học thiếu niên". Ông cho rằng người già nên sống một cuộc sống sống động, đầy màu sắc như thanh thiếu niên để có thể luôn vui vẻ mà tận hưởng tuổi già.
Tỏng bài thơ "Ẩm Tửu" của Đào Tiềm, một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc thời nhà Tấn và Lưu Tống có viết: "Kết lư tại nhân cảnh, nhi vô xa mã huyên. Vấn quân hà năng nhĩ, tâm viễn địa tự thiên" (sống giữa một con phố náo nhiệt, phồn hoa bậc nhất nhưng lại chưa bao giờ bị làm phiền bởi xã giao hay tiếng ngựa xe huyên náo, có người hỏi tôi vì sao lại làm được như vậy, tôi rằng tâm tĩnh rồi thì tự nhiên sẽ tránh xa được). Quả thực là "Trong tâm hữu sự sóng gào, tựa như thế giới ào ào toan lo. Tâm an vô sự hết lo, giường êm sẵn đợi bến bờ an nhiên", độ lớn nhỏ của thế giới bên ngoài kia hoàn toàn phụ thuộc vào "kích thước" của cái tâm bên trong.
Giống như Vô Môn Huệ Khai, một vị Thiền sư Trung Quốc thuộc hệ phái Dương Kì tông Lâm Tế, nối pháp Thiền sư Nguyệt Lâm Sư Quán nói: "Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt, hạ hữu lương phong đông hữu tuyết, vô nhàn sự qua tâm đầu, tiện thị nhân gian hảo thời tiết". (1 năm 4 mùa, mỗi mùa đều có cái đẹp riêng, mùa xuân có trăm hoa đua nở, mùa thu có trăng, mùa hè có gió mát, mùa đông lại có tuyết. Con người nếu không lo chuyện bao dồng, không lo lắng, buồn phiền hay sợ hãi, vậy thì mỗi năm, mỗi mùa, mỗi ngày đều là mùa đẹp nhất trong nhân gian).
Viên Mai, một nhà thơ, học giả, nghệ sĩ và nhà ẩm thực nổi tiếng của nhà Thanh, người được mệnh danh là "Văn tinh kiêm Thọ tinh một thời" trong một bài thơ của mình có viết: "Lão hành vạn lí toàn bình đảm, ngân hướng thiên phong lũ điếu đầu. Tổng giác danh sơn tự danh sỹ, bất mông nhất kiến bất cam hưu". Câu thơ đã tiết lộ lý do tại sao ông sống lâu được như vậy, đó chủ yếu là kết quả của quá trình luyện tập trong một thời gian dài qua các chuyến du ngoạn.
"Gia trung nhân hòa", gia đình hòa thuận cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với người già. Thánh thơ Đỗ Phủ từng viết: "Lão thê họa chỉ vi kỳ cục, trĩ tử xao châm tác điếu câu." (Vợ vẽ bàn cờ, con trai làm cần câu cá). Giữa biến An Sử loạn lạc, gia đình ấm áp và hòa thuận đã đem lại tình yêu và tiếp thêm động lực Đỗ Phủ, giúp ông sống thoải mái, tự tại trong những năm cuối đời.
Đạo dưỡng sinh trước giờ luôn là một vấn đề lớn, hi vọng những kinh nghiệm của những danh nhân nổi tiếng thời xưa sẽ giúp ích được cho bạn.
Trí thức trẻ