Chủ tịch Tập Cận Bình thăm JL Mag, một trong những nhà máy khai thác và xử lý đất hiếm lớn nhất đất nước, ở huyện Cám Châu, tỉnh Giang Tây hôm 20/5. Phó Thủ tướng Lưu Hạc đi cùng ông, Tân Hoa Xã đưa tin.
Đây là chuyến thăm trong nước đầu tiên từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh một số học giả Trung Quốc thảo luận về khả năng Bắc Kinh cấm xuất khẩu đất hiếm để gây sức ép với Mỹ.
Đất hiếm là một trong số ít mặt hàng mà chính phủ Mỹ không đưa vào danh sách những mặt hàng mà Washington nâng thuế nhập khẩu mới nhất. Động thái ấy của Mỹ cho thấy tầm quan trọng của đất hiếm. Việc nâng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 300 tỉ USD từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ tháng 7, theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với ban lãnh đạo nhà máy đất hiếm JL Mag ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hôm 20/5. Ảnh: South China Morning Post.
Bài báo về chuyến thăm nhà máy khai thác đất hiếm của Chủ tịch Tập Cận Bình không đề cập tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, song giới quan sát dự đoán đất hiếm sẽ là vũ khí quan trọng đối với chiến dịch trả đũa của Bắc Kinh.
Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới. Đất hiếm của Trung Quốc chứa ít nhất 17 nguyên tố hiếm và chúng có vai trò quan trọng đối với nhiều sản phẩm công nghệ - như nam châm siêu mạnh hay thiết bị điện tử.
Hiện tại sản lượng đất hiếm của Trung Quốc chiếm khoảng 90% sản lượng toàn cầu, nhưng chính phủ kiểm soát hoạt động khai thác rất thận trọng bằng cơ chế hạn ngạch. thậm chí năm ngoái giới truyền thông trong nước còn đưa tin Trung Quốc nhập khẩu ròng đất hiếm.
Jin Canrong, giáo sư bộ môn quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, từng viết trên một bài báo vào tuần trước rằng Trung Quốc nên cấm xuất khẩu đất hiếm để trừng phạt Mỹ vì nâng thuế đối với hàng từ Trung Quốc. Theo Jin, đây là cách khả thi trong bối cảnh Trung Quốc không nhập khẩu một lượng hàng hóa tương đương từ Mỹ để có thể đáp trả tương xứng với chính sách nâng thuế của Nhà Trắng.
Chính phủ Trung Quốc từng biến đất hiếm thành vũ khí vào năm 2010, khi họ giảm sản lượng xuất khẩu tới 40%. Sau đó Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và WTO ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh. Mãi tới năm 2015, Trung Quốc mới bỏ quy định về hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm.
Cấm xuất khẩu đất hiếm chỉ là một trong những ý tưởng mà giới học giả Trung Quốc nêu ra để trả đũa Mỹ. Một số nhà phân tích còn gợi ý Trung Quốc bán "núi" trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 3.000 tỉ USD, hoặc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh để hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng ở nước ngoài - một yếu tố góp phần làm giảm tác động tiêu cực của việc Mỹ nâng thuế.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-tham-nha-may-dat-hiem-cua-chu-tich-tap-can-binh-va-thong-diep-danh-cho-my-a91351.html