7 điều bạn cần cân nhắc trước khi khởi nghiệp

Không ít người có công việc văn phòng ổn định nhưng vẫn quyết tâm rời bỏ để bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, đưa vào hoạt động một doanh nghiệp không phải là một việc dễ dàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều đơn vị mới nhanh chóng trở nên khó khăn vì khối lượng công việc đồ sộ cũng như môi trường làm việc thiếu tính ổn định.

Trước khi bắt đầu thử thách, người kinh doanh cần tự trả lời được một số câu hỏi để biết mình đã sẵn sàng cho các trường hợp có thể xảy ra hay chưa.

1. Khả năng làm việc độc lập của bạn có tốt không?

Liệu bạn có cần được hướng dẫn liên tục và được động viên từ người khác? Công việc của bạn sẽ như thế nào nếu như không có ai theo sát và quản lý?

Nhiều người nghĩ rằng nắm được quyền quyết định có thể dễ dàng hơn nhiều, nhưng điều đó không phải luôn đúng. Mọi chuyện có thể khó khăn khi bạn khởi đầu không có một chỉ dẫn nào cụ thể về những việc cần làm. Một doanh nhân thành đạt hội tụ đầy đủ 3 tính cách: độc lập, tháo vát và không cần một ai theo dõi để đảm bảo làm việc năng suất và hiệu quả.

2. Bạn là người nghiên cứu sản phẩm hay doanh nhân?

Rất nhiều doanh nghiệp thành công được ấp ủ từ những ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, chỉ nuôi một ý tưởng tuyệt vời lại không thể đảm bảo cho một doanh nghiệp thành công. Có rất nhiều trường hợp mà người thành lập chỉ dừng lại tập trung vào sản phẩm, nguyên mẫu, bằng sáng chế… mà bỏ qua các khía cạnh khác của phát triển một doanh nghiệp. Chỉ phát triển để có một sản phẩm hoàn hảo không có nghĩa là khách hàng sẽ ngay lập tức đổ xô đến với doanh nghiệp.

Như một điều hiển nhiên, nếu bạn tự thấy mình giống với một người phát minh hơn là một doanh nhân thì điều này cũng không ngăn cản bạn bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, bạn nên tìm kiếm thêm đối tác thông thạo các kỹ năng kinh doanh và có quan tâm đến ý tưởng của bạn để vươn xa hơn.

3. Ý tưởng kinh doanh có đáng giá với người tiêu dùng?

Có lẽ bạn đã nghe câu nói: "Hãy theo đuổi những gì bạn làm và tiền sẽ đuổi theo bạn", thế nhưng trên thực tế mọi việc không hoàn toàn giống với triết lý đó. Đam mê là chìa khoá của thành công, nhưng để xây dựng một doanh nghiệp có lợi nhuận, bạn cần cung cấp giá trị nhất định mà khách hàng đang tìm kiếm.

Người tiêu dùng sẽ không quan tâm bạn đang theo đuổi ước mơ hay không, họ chỉ chi trả cho những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu và mong muốn của họ. Nếu hoạt động trong lĩnh vực mà khách hàng không quan tâm, doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại.

4. Doanh nghiệp của bạn có gì khác biệt?

Ý tưởng của bạn có tương tự như các doanh nghiệp khác đang hoạt động hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ độc đáo? Quy mô của thị trường mà bạn đang hướng tới? Đó là những câu hỏi quan trọng mà bạn cần suy nghĩ, nhưng chìa khoá thành công không phải lúc nào cũng là tìm bằng được một thị trường trống rỗng, không tồn tại cạnh tranh (điều gần như là không thể). Thay vào đó, mọi thứ phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa công ty của mình và vị trí trên thị trường.

Trong ngắn hạn, bạn không nhất thiết phải đưa ra một ý tưởng mới mà cần có được cái nhìn cơ bản về ngành công nghiệp đang hướng tới và nhận biết đâu là lĩnh vực tiềm năng. Liệt kê các cách tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó và áp dụng chúng. Bạn không cần đi trên một con đường mới nhưng phải cung cấp cho khách hàng lý do chính đáng để thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của mình.

5. Bạn có sẵn sàng làm nhiều việc một lúc?

Khi còn là dân công sở, công ty luôn có những người để bạn gọi điện sửa chiếc máy in bị hỏng hay để hợp tác mở một gian hàng triển lãm thương mại. Tuy nhiên, điều này sẽ không tồn tại nếu như bạn tự mình mở một doanh nghiệp.

Việc tự kinh doanh thường bao gồm rất nhiều các công việc, và đôi khi sẽ phải làm tất cả mọi thứ một mình. Bạn có thể trở thành kỹ thuật viên rồi ngay sau đó làm nhân viên bán hàng, chủ đơn vị kinh doanh... Trước khi tự mở doanh nghiệp cho riêng mình, hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng để thực hiện hàng loạt các chức năng, bao gồm cả những công việc tẻ nhạt nhất.

6. Bạn có nền tảng tài chính để bắt tay ngay vào việc không?

Nếu bạn chưa thể biết chính xác khi nào bắt đầu thu lợi nhuận thì việc thiết lập và vận hành doanh nghiệp sẽ rất căng thẳng. Thu nhập của các doanh nghiệp nhỏ, kể cả các đơn vị làm việc độc lập, đều trong tình trạng lúc lên lúc xuống. Và khi bạn giới thiệu một sản phẩm mới, lợi nhuận có thể không đến ngay lập tức.

Làm sao để bạn vừa đảm bảo được yếu tố tài chính của bản thân và của doanh nghiệp là một việc rất quan trọng. Trong rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian tốt nhất để chuẩn bị cho việc kinh doanh riêng là khi bạn vẫn đang sở hữu một công việc khác.

7. Bạn xử lý thế nào khi bị từ chối và đối mặt với sự thất vọng?

Khi bạn đã đầu tư, việc bị từ chối bất cứ lúc nào cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, là một doanh nhân, bạn luôn phải đối mặt với rất nhiều tin xấu, có thể từ các nhà đầu tư, từ doanh số bán hàng đi xuống hoặc do ít lượng truy cập vào trang thương mại điện tử của mình. Nếu bạn suy nghĩ về các vấn đề phải từ bỏ hoặc do cảm xúc thất thường, bạn sẽ không những bị tốn thời gian mà còn không học được bất cứ bài học kinh nghiệm nào.

Tự trả lời những câu hỏi khó khăn phía trước là sự khác biệt giữa thành công và thất bại. Tuy nhiên, nếu một hoặc hai câu hỏi bạn không tìm được câu trả lời cũng đừng sợ hãi, chùn bước khỏi giấc mơ của mình. Bạn có thể phải thực hiện thêm một số bước cần thiết để đạt mục đích.

Ý Nhi/Theo Business Insider

 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/7-dieu-ban-can-can-nhac-truoc-khi-khoi-nghiep-a91778.html