Lối sống hôm nay sẽ quyết định cuộc đời bạn 20 năm sau này: Rèn luyện bản thân trong khuôn khổ mới mong sau hái trái ngọt

Trong khi một ngày bình thường có vẻ không đáng kể khi so với cả cuộc đời, cả cuộc đời lại là kết quả của mọi ngày bình thường cộng lại. Với những thói quen thường ngày của bạn, kết quả của chúng sẽ được tích luỹ ngày qua ngày.


Trong khi một ngày bình thường có vẻ không đáng kể khi so với cả cuộc đời, cả cuộc đời lại là kết quả của mọi ngày bình thường cộng lại. Với những thói quen thường ngày của bạn, kết quả của chúng sẽ được tích luỹ ngày qua ngày.

Năm 1979, thảm hoạ khủng khiếp nhất thời bình trong lịch sử của New Zealand đã xảy ra.

Ngày 28 tháng 11, một chuyến bay có lịch trình cất cánh vào 8:00 sáng từ sân bay quốc tế Auckland với mục đích cung cấp cho hành khách trải nghiệm ngắm nhìn khung cảnh ngoạn mục của Nam Cực từ trên cao.

Một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm sẽ thuyết minh về những danh lam thắng cảnh khi máy bay tới eo biển McMurdo. Chuyến bay sẽ quay lại Auckland, New Zealand trước 9:00 tối cùng ngày.

Chuyến bay 901 của hãng hàng không Air New Zealand không hẳn là một chuyến bay bất thường. Chỉ có duy nhất một sự cố: Ai đó đã mắc lỗi đánh máy khiến toạ độ đường bay bị thay đổi 2 độ. Mặc dù con số có vẻ nhỏ, 2 độ này được chứng minh là nguyên nhân gây nên vụ tai nạn thảm khốc.

Dưới sự điều khiển của những phi công giàu kinh nghiệm, chuyến bay khởi đầu khá suôn sẻ. Phi hành đoàn bận rộn định vị các danh thắng khi máy bay bay qua vùng biển Nam Cực. Hành khách vui vẻ ngắm nhìn khung cảnh phía dưới trong sự trầm trồ.

Sau nhiều giờ, 2 độ lệch đó trở thành 27 dặm (43 km) lệch đi so với đường bay dự định ban đầu. Không may là hai phi công chưa bao giờ bay đến Nam Cực nên không thể dựa vào các tín hiệu bằng mắt thường để lái máy bay về đúng hướng.

Mặc dù đi chệch khỏi đường bay, các phi công và phi hành đoàn đều tin rằng họ đang bay dọc eo biển McMurdo. Thực tế thì máy bay đang bay thẳng về hướng núi Erebus. Bên ngoài, lớp mây dày lẫn vào với ngọn núi lửa tạo thành một khoảng trắng dày đặc, điều này khiến việc phân biệt giữa mây và núi lửa đang bị bao phủ bởi tuyết trắng trở nên khó khăn.

12:49, hệ thống cảnh báo gửi báo động đến các phi công rằng máy bay đang bay vào vùng có địa hình phức tạp. Dù các phi công đã cố gắng quay đầu máy bay lại nhưng đã muộn. Sáu giây sau, vào lúc 12:50, máy bay đâm vào đỉnh núi, ngay lập tức cướp đi sinh mạng của 257 người trên chuyến bay.

Tất cả mọi chuyện bắt nguồn từ 2 độ sai lệch.

Lối sống hôm nay sẽ quyết định cuộc đời bạn 20 năm sau này: Rèn luyện bản thân trong khuôn khổ mới mong sau hái trái ngọt - Ảnh 1.

Vì sao quỹ đạo quan trọng?

Hai người bắt đầu có cùng điểm xuất phát không có nghĩa họ cũng kết thúc ở cùng một chỗ.

Hai người bạn học chung trường. Một người rất chủ động, giữ các vị trí lãnh đạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người kia thể hiện ở mức tương đối và luôn xếp sau.

Ban đầu, khoảng cách giữa hai người không đáng kể. Một số người còn bỏ qua sự khác biệt đó vì quá nhỏ. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn quan sát trong một khoảng thời gian dài?

10 năm sau, một người thăng tiến đều đặn trong sự nghiệp, nắm nhiều trọng trách hơn và giúp công ty lớn mạnh. Một người làm công việc tương đối ổn định với ít cơ hội phát triển hơn. Trong vòng 20 năm, khoảng cách một thời không đáng kể giờ xa vời như trời với đất.

Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Một số người không mấy nổi bật khi còn đi học về sau giữ những vị trí ấn tượng trong khi học sinh top đầu khi ra đời lại không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, khi bạn nhìn vào xu hướng chung, những người hình thành các thói quen tốt từ sớm thường có thể tiếp tục duy trì chúng sau này.

Những thói quen tốt đó tích tụ lại sẽ đem lại những kết quả tốt, thậm chí trên cả tốt.

Hấp thụ thêm bao nhiêu calo một ngày thì bị béo phì?

Một trong những ví dụ thú vị nhất về quỹ đạo sống liên quan đến chế độ ăn uống. Bạn đã bao giờ nghe đến chuyện ăn một chiếc bánh quy mỗi ngày sẽ khiến cân nặng tăng 6 pound sau 1 năm chưa?

Phép tính khá đơn giản. Theo nhiều nguồn nghiên cứu sức khoẻ, với mỗi 3.500 calo tiêu thụ bạn sẽ tăng 1 pound. Nếu mỗi ngày bạn ăn một chiếc bánh quy chứa 60 calo bạn sẽ tăng nửa pound sau một tháng. Hết một năm, bạn tăng 6 pound và sau một thập kỷ bạn sẽ tăng 60 pound.

Thế nhưng tăng cân có phải chỉ là một phương trình toán học tuyến tính? Theo một nghiên cứu của Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu ước lượng một cách dè dặt rằng nếu bạn tiêu thụ thêm 370 calo mỗi ngày bạn sẽ tăng 35 pound trong 28 năm. Để đạt ngưỡng béo phì trong 25 năm, bạn sẽ phải tiêu thụ thêm 680 calo mỗi ngày so với mức tiêu chuẩn.

Bạn có thể hình dung 680 calo như sau:

Một phần khoai tây chiên cỡ vừa (117g) – 365 calo.

2 lon coca (12 đơn vị thể tích, 368 g) – 138 calo x 2 = 276 calo.

Một chiếc bánh quy (8g) – 40 calo.

Cộng tất cả các món trên sẽ được 681 calo. Nếu bạn chỉ ăn khoai chiên đều đặn mỗi ngày, bạn đã tiêu thụ thêm đủ lượng calo để tăng 35 pound sau 28 năm.

Việc tăng cân cũng phụ thuộc vào cân nặng hiện tại và chế độ ăn của bạn. Một người thấp bé với khẩu phần ăn ít hơn sẽ cảm nhận được tác động của việc đột ngột hấp thụ một lượng lớn calo rõ ràng hơn một người to khoẻ. Sự khác biệt này có nghĩa là việc ăn thêm một chiếc bánh quy có thể ảnh hưởng đến cân nặng của một số người này hơn những người khác.

Ăn một chiếc bánh mỗi ngày không đủ làm bạn béo phì nhưng khi bạn cứ mãi hấp thụ nhiều hơn mức tiêu chuẩn, những phần dư ra đó sẽ dồn lại. Cuối cùng bạn khó có thể dừng cơ chế đó lại.

Lối sống hôm nay sẽ quyết định cuộc đời bạn 20 năm sau này: Rèn luyện bản thân trong khuôn khổ mới mong sau hái trái ngọt - Ảnh 2.

Sự tích tụ của những thói quen hằng ngày

So một ngày với cả đời như thế nào?

Trong khi một ngày bình thường có vẻ không đáng kể khi so với cả cuộc đời, cả cuộc đời lại là kết quả của mọi ngày bình thường cộng lại. Với những thói quen thường ngày của bạn, kết quả của chúng sẽ được tích luỹ ngày qua ngày.

Càng tích luỹ, bạn càng thích nghi. Khi bạn làm điều gì đó trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ quen với nó. Như chuyện dệt vải, thói quen sẽ bện vào cuộc đời bạn và rất khó để gỡ bỏ. Ngay cả những điều đáng sợ nhất cũng có thể trở nên an toàn khi chúng ta tiếp xúc với chúng đủ lâu dài.

Giả sử bạn đang ở trong một mối quan hệ không mấy dễ chịu. Lúc đầu, các bạn có ít ràng buộc nên dễ rời khỏi mối quan hệ. Càng về sau, cuộc sống của đôi bên càng có nhiều sợi dây gắn kết hơn: người thân, bạn bè, tài chính, các quyết định lớn trong đời. Việc chia tay càng ngày càng khó khăn.

Ngược lại, các thói quen tốt kết hợp với nhau tạo ra hiệu ứng tích cực.

Nhiều người tôn vinh Jascha Heifetz là nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nhất mọi thời đại. Sinh năm 1901, thiên tài nhí người Nga đã lưu diễn gần hết châu u suốt những năm tháng thiếu niên. Đến New York vào năm 17 tuổi, ông trở thành huyền thoại với buổi diễn ra mắt tại Carnegie Hall ngay năm đó.

Heifets luyện tập hăng say để duy trì phong độ biểu diễn của mình. Ông từng nói: "Nếu tôi không luyện tập một ngày, tôi biết; hai ngày, các nhà phê bình biết; ba ngày, công chúng biết."

Ngay cả một người tài năng bẩm sinh như Heifetz cũng làm việc chăm chỉ để duy trì, chưa nói đến chuyện cải thiện khả năng chơi vĩ cầm của ông ấy. Nếu kỹ năng chỉ bộc phát vào một ngày thuận lợi nào đó, nó có thể đi xuống nếu ông không luyện tập trong một thời gian ngắn.

Bất kể là kỹ năng hay thói quen nào đó chúng ta muốn duy trì, chúng ta luôn có những ngày muốn buông bỏ tất cả. Có những khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi hoặc một sự cố bất ngờ xảy ra ngăn cản chúng ta tiếp tục. Trong cuộc sống, đó là chuyện bình thường.

Thế nhưng nếu bạn cứ trì hoãn hôm nay, ngày mai rồi ngày sau nữa, bạn sẽ dần trượt dốc. Những thói quen tốt của bạn bắt đầu bị thay thế bởi những thói xấu. Bạn có nhiều lý do hơn.

Cuối cùng, bạn cần đánh giá xem những thói quen hằng ngày đang hướng bạn về đâu. Nếu cần thiết, hãy đưa mình trở về đúng quỹ đạo đem lại cho bạn nhiều lợi ích trong dài hạn. Bỏ lỡ mất một ngày không có nghĩa bạn nên từ bỏ tất cả.

Hãy nghĩ: Nếu bạn lặp lại việc bạn làm hôm nay trong 20 năm, liệu bạn có hài lòng với kết quả sau này nhận được hay không?

Lối sống hôm nay sẽ quyết định cuộc đời bạn 20 năm sau này: Rèn luyện bản thân trong khuôn khổ mới mong sau hái trái ngọt - Ảnh 3.

Sức mạnh của quỹ đạo

Đôi khi chúng ta bị tụt lại so với người khác dù chúng ta đã rất cố gắng. Thành quả nhận lại chưa tương xứng với công sức chúng ta đã bỏ ra. Chúng ta không thể thể hiện hết khả năng do hoàn cảnh đưa đẩy.

Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra. Một công ty đầy quyền lực hôm nay có thể phải nhường vị thế độc tôn cho một công ty khởi nghiệp vào một ngày nào đó nếu không có đột phá trong công nghệ. Một ứng viên tiềm năng trượt vô số cuộc phỏng vấn xin việc sau này trở nên thành công với những kiến thức, kỹ năng tích luỹ được trong những năm tháng khó khăn.

Giống như đồ thị trên thị trường chứng khoán, bạn luôn thấy các đỉnh và đáy tạo thành các góc lởm chởm. Nhưng khi bạn quan sát trong một thời gian dài, đường biểu diễn sẽ chỉ đi theo một hướng mà thôi.

Quỹ đạo của bạn đang đi về hướng nào?


Phương Thảo

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/loi-song-hom-nay-se-quyet-dinh-cuoc-doi-ban-20-nam-sau-nay-ren-luyen-ban-than-trong-khuon-kho-moi-mong-sau-hai-trai-ngot-a91925.html