Doanh nghiệp giải bài toán nhân sự khi ứng dụng công nghệ vào kinh doanh

Thay vì tuyển chuyên viên, doanh nghiệp có thể sử dung dịch vụ thuê ngoài, không đầu tư dàn trải mà chọn giải pháp phù hợp tiềm lực, định hướng.

Thời đại công nghệ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mô hình hoạt động của các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, câu chuyện chuyển đổi số đặt ra nhiều bài toán cần giải, gồm lựa chọn mô hình phù hợp, đạt hiệu quả cao với chi phí thấp. Đồng thời việc tìm kiếm, giữ chân nhân tài trong thời đại 4.0 cũng cần sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn và cung cấp giải pháp nhân sự Talentnet đưa ra một số khuyến nghị giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và định hướng chiến lược nhân sự hiệu quả.

Doanh nghiệp Việt cần xét đến các yếu tố khác hơn là chỉ đo ứng viên bằng thành tích hoặc chuyên môn để tránh những tổn thất đầu tư vì chuyện thay người như thay áoTạo động lực: cần tránh thừa mứa

Doanh nghiệp Việt cần xét tổng hòa nhiều yếu tố chứ không chỉ chỉ tìm ứng viên dựa trên thành tích hoặc chuyên môn để tránh tổn thất đầu tư nhân sự.

Áp dụng công nghệ một cách kinh tế

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết các doanh nghiệp thường rơi vào "bẫy" chọn giải pháp, mô hình tốt nhất khi ứng dụng công nghệ. Thông thường, các giải pháp công nghệ tốt nhất thị trường có chi phí đắt đỏ. Nhiều doanh nghiệp cũng gặp phải tình trạng loay hoay khi cải tổ trang thiết bị hệ thống và xây dựng đội ngũ kỹ thuật nội bộ.

Thực tế cho thấy, việc "tăng dân số" cho đội ngũ kỹ thuật đã ngốn quá nhiều thời gian quản lý sổ sách, tài chính và cả hình thức vận hành của tổ chức.

"Các hoạt động này còn làm giảm đáng kể năng suất hoạt động của doanh nghiệp khi quỹ thời gian dành cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi bị lấn át một cách bị động", Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó tổng giám đốc Talentnet chia sẻ tại hội thảo chuyên đề "Bước tiến doanh nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ" diễn ra mới đây.

Ứng dụng công nghệ để tự động hóa là xu hướng toàn cầu nhưng chưa chắc là giải pháp tối ưu, đặc biệt với doanh nghiệp có nguồn vốn không dồi dào. Chiến thuật "cộng sinh" với các nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài nhân sự có thể là lựa chọn hợp lý giúp san sẻ bớt gánh nặng đến từ các công việc hành chính - văn phòng như tính lương, tuyển dụng, đào tạo... Khi đó, quỹ thời gian của toàn công ty có thể được tận dụng triệt để cho hoạt động kinh doanh hữu hình và cần thiết hơn.

Triển khai chiến lược có chọn lọc

Đại diện Talentnet cũng khuyến nghị, việc xây chiến lược phát triển doanh nghiệp cần tập trung vào các hoạt động chọn lọc và mang tính cốt lõi. Cũng cần lưu ý các mục tiêu và thứ tự ưu tiên trong lộ trình phát triển. Nhằm tạo động lực đồng nhất, không chỉ ban lãnh đạo mà từng phòng ban, đội ngũ nhân viên đều cần nắm rõ đường hướng phát triển này.

"Các lãnh đạo doanh nghiệp cần đầu tư quỹ thời gian của mình cho các hoạt động được ưu tiên, biến mục tiêu chung trở nên hữu hình và cấp thiết với toàn bộ nhân viên. Điều này giúp giảm tránh những sai lệch trong việc hiện thực hóa mục tiêu giữa các cấp lãnh đạo và nhân viên", bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.

Việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài nhân sự giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí quản lý trên đầu người, bảo đảm tính chuẩn xác, hợp pháp và đồng nhất...

Việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài nhân sự giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí quản lý, bảo đảm tính chuẩn xác, hợp pháp và đồng nhất.

Tìm người phù hợp nhất thay vì giỏi nhất

Đối với chiến lược nhân sự, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng người giỏi nhất chưa chắc là người phù hợp với một doanh nghiệp. Nhân tài trong thời đại 4.0 cần đáp ứng các đòi hỏi như phù hợp với tầm nhìn kinh doanh, lộ trình phát triển và giá trị cốt lõi của nhà tuyển dụng.

Đồng thời, sự bùng nổ công nghệ đòi hỏi mỗi cá nhân ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần thích ứng nhạy bén, có một chút liều lĩnh trong sáng tạo và bền bỉ trong việc xây dựng, tái cấu trúc mô hình hoạt động. Lựa chọn nhân tài không chỉ dựa vào năng lực chuyên môn mà còn liên quan khả năng tương thích giữa nhân sự và tổ chức.

Sau quá trình tuyển lựa đúng người, doanh nghiệp cần có những bước đi thận trọng và cởi mở để giữ chân nhân tài, tạo động lực cho đội ngũ phát huy tối đa năng lực. Trong số những động lực thông thường như lương, thưởng, phúc lợi, hoạt động giải trí, cơ hội đào tạo, thăng tiến... chuyên gia từ Talentnet khuyến nghị doanh nghiệp cần tỉnh táo gạn lọc và ưu tiên loại hình phù hợp với quy mô công ty, tránh đầu tư lan man không hiệu quả.

Báo cáo mới nhất từ đơn vị tư vấn Mercer về cách thức tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường lao động cho thấy, các doanh nghiệp có thể phân tầng mô hình lương - thưởng theo 4 câu hỏi đơn giản nhất. Đó là mục tiêu công ty hướng đến là gì, điều gì là giá trị nhất với nhân viên, đối thủ đang sử dụng chiến thuật gì, và giải pháp có hợp lý với nguồn vốn đầu tư và mang tính bền vững hay không.

VnExpress

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nghiep-giai-bai-toan-nhan-su-khi-ung-dung-cong-nghe-vao-kinh-doanh-a92064.html