Bạn chọn con đường nào, nó sẽ quyết định cuộc đời của bạn theo hướng đó. Vì thế, điều quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người là chúng ta có thể nắm giữ được số mệnh và quyết định được giá trị của chính mình.
Đi làm vì tiền hay không muốn mang tiếng bản thân là kẻ ăn bám?
Tiền bạc quan trọng thật đấy, không có nó cuộc sống khó mà tiếp tục dễ dàng được.
Những ai đang bước vào tầm tuổi 25-30 tuổi thì tiền bạc chính xác là yếu tố quyết định nhiều đến cảm giác hạnh phúc của họ. Ít người nói đi làm không vì tiền lương cả. Bây giờ người ta còn mở ra một khóa học giúp mọi người học cách offer tiền lương sao cho ứng viên có được mức lương thỏa thuận cao nhất. Không lạ gì khi nhiều người trẻ đang độ tuổi lao động tham gia vào khóa học ấy. Có những người chấp nhận công việc không hề yêu thích, nhất nhất vẫn gắn bó với nó vì mức lương được trả dễ dàng giúp họ duy trì cuộc sống thoải mái. Nếu ai đó nói họ đi làm vì tiền thì cũng chẳng có gì để chúng ta phán xét họ. Ngay cả sếp của bạn nếu biết bạn có suy nghĩ này anh ấy cũng gật gù đồng ý vì đó là suy nghĩ thực tế ở nhiều người.
Cũng có người đi làm vì tiền để không bị gọi là ăn bám, mặc dù bố mẹ, vợ/chồng của họ có thể kiếm tiền lo cho cả gia đình mà không phải suy nghĩ. Dù gì cũng công nhận rằng tiêu tiền không phải của mình thì thật khó chịu. Giống như việc bạn được mời ăn một vài lần sẽ thấy vui vẻ và thích thú nhưng nếu bạn ăn chực nằm chờ nhà ai đó cả đời thì bạn sẽ luôn thấy mặc cảm.
Một cô bạn của tôi là một thạc sĩ ngành Việt Nam học chưa xin được việc vì ngành đặc thù khó kiếm việc làm. Hiện cô chỉ ở nhà làm cộng tác viên viết bài cho các báo thu nhập vừa đủ tiêu nên luôn bị mẹ chồng nói móc là "con dâu ăn bám".
Bạn kể: "Mẹ chồng em cứ nói bóng gió khiến em tổn thương kinh khủng. Bà bảo rằng cái ngành của em có thành tiến sỹ cũng chả bao giờ xin được việc. Với bà người hữu ích là phải đi làm 8 tiếng, rời khỏi nhà lúc 7h sáng và về nhà lúc 6h chiều mới đúng là hữu dụng. Họ hàng bên chồng cũng khinh em ra mặt. Họ luôn kháo với nhau em là đứa không kiếm ra tiền. Họ nói nhiều câu như: "Học cao làm gì cũng chỉ ở nhà chồng nuôi", "Trí thức cao vời vợi nhưng có nuôi nổi thân mình đâu" như xát muối vào lòng.
Hôm trước mẹ chồng em nựng cu Tí trên tay nói: Sau này cu Tí chỉ cần học tới đại học là ra đi làm kiếm tiền nuôi bố mẹ chứ đừng như mẹ nhé. Mẹ cu Tí học lên tới tận thạc sỹ mà chẳng có tiền mua sữa, mua đồ chơi cho cu Tí đâu". Em thất vọng về gia đình hiện tại của mình vô cùng.
Sau quãng thời gian khủng hoảng bị miệt thị là kẻ ăn bám, cô bạn tôi quyết tâm đi làm tại một công ty tư vấn bảo hiểm. Nhờ kiến thức xã hội sâu sắc cộng thêm khả năng giao tiếp cô ấy sớm trở thành trưởng văn phòng với mức thu nhập trên dưới 30 triệu. Một lý do nữa để chúng ta đi làm chính vì chứng tỏ mình là người hữu dụng, không phải là kẻ ăn bám, người thân sẽ xem thường.
Đi làm trước khi nghĩ đến tiền lương, hãy chứng tỏ mình là một nhân viên giá trị
Đúng vậy, người khôn ngoan là khi đi làm trước khi nghĩ đến tiền lương, hãy chứng tỏ mình là một nhân viên giá trị. Trong môi trường công sở, hãy xây dựng thương hiệu cá nhân cho bản thân là một người làm việc chuyên nghiệp, mẫn cán. Hãy cho tổ chức thấy không có bạn là thiệt thòi lớn với họ. Hãy là một nhân viên trụ cột khó ai có thể thay thế. Hiểu được vấn đề này, cả người lao động và đơn vị tuyển dụng sẽ đạt hiệu quả trong tuyển dụng và giữ chân người tài.
Nhiều người trẻ nói: Tôi có bằng đại học khá giỏi thì công ty bắt buộc phải trả lương cao hơn những người khác, không được ép tôi làm thêm việc, chế độ đãi ngộ phải tốt trong khi họ chưa làm ở doanh nghiệp một ngày nào để chứng minh mình giá trị.
Bill Gates từng nói: "Bạn đứng thứ mấy trong lớp không quan trọng, nhưng phải thể hiện được đẳng cấp khi bước chân ra xã hội". Vì vậy tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng: Hãy tập trung làm việc chứng minh giá trị của bản thân mình trước tiên. Cuộc đời không phải lớp học, cuộc đời là một sân chơi lớn, một khi đủ năng lực môi trường nào bạn cũng sẽ tồn tại được, đến khi đó lương được trả bao nhiêu không còn là vấn đề bạn bận tâm nữa.
Có một câu chuyện thế này:
Trong ngôi chùa nọ, có một lão hòa thượng nổi tiếng là người đức hạnh và trí tuệ. Một hôm, có một tiểu hòa thượng chạy đến hỏi thầy: "Thầy ơi, trong cuộc đời chúng ta, điều gì quý giá nhất ạ?"
Sư thầy trả lời: "Con ra vườn sau mang một khối đá nhỏ ra chợ bán. Nếu có người hỏi giá, con đừng nói gì, chỉ giơ hai ngón tay ra thôi. Nếu họ vẫn tiếp tục trả giá, hãy nói con không bán, ôm đá về, rồi ta sẽ nói cho con biết trong đời người điều gì quý giá nhất".
Sáng ngày hôm sau, tiểu hòa thượng ôm đá ra chợ bán. Người đi chợ rất đông, ai cũng hiếu kỳ trước khối đá được rao bán. Một phụ nữ tiến lại hỏi: "Khối đá này bán bao nhiêu tiền?"
Tiểu hòa thượng liền giơ hai ngón tay lên. Người phụ nữ nói: "2 đồng à?". Thế nhưng tiểu hòa thượng lắc đầu.
– Vậy có phải 20 đồng không. Được, tôi đang muốn mua về để nén dưa muối.
Tiểu hòa thượng nghe nói vậy, trong đầu không khỏi thảng thốt: "Trời ơi, khối đá không đáng một xu mà bán được 20 đồng, trên núi chỗ mình ở có cả đống!" Thế nhưng nhớ lời thầy dặn, tiểu hòa thượng vẫn không bán mà hớn hở về khoe thầy.
– Thầy ơi, hôm nay có một phụ nữ trả khối đá của con 20 đồng. Thầy ơi, giờ thầy đã có thể nói cho con biết trong đời người điều gì quý giá nhất chưa ạ?
– Đừng có nóng vội. Sáng mai con hãy mang khối đá này đến viện bảo tàng. Nếu có người hỏi giá, con cứ giơ hai ngón tay lên. Nếu họ mặc cả, con đừng bán mà đi về đây, chúng ta nói chuyện tiếp.
Sáng ngày hôm sau, bên ngoài viện bảo tàng, một nhóm người hiếu kỳ vây quanh chú tiểu, rỉ tai nhau: "Một khối đá bình thường thế này, có giá trị gì mà để vào bảo tàng nhỉ?", "Một khi đặt nó trong bảo tàng, nhất định nó phải có giá trị, chỉ là chúng ta chưa biết mà thôi".
Khi đó, có một người trong đám đông tiến lên, hỏi: "Tiểu hòa thượng, cậu bán khối đá này bao nhiêu tiền?" Không nói không rằng, chú tiểu giơ hai ngón tay ra. Người kia nói: "200 đồng phải không?"
Tiểu hòa thượng lắc đầu. Người kia lại nói: "2000 đồng thì 2000 đồng, chúng tôi cũng đang muốn dùng đến khối đá để điêu khắc một pho tượng".
Nghe thấy vậy, tiểu hòa thượng bất ngờ lùi một bước, vô cùng kinh ngạc. Thế nhưng chú tiểu vẫn nghe lời thầy không bán mà mang đá về chùa.
Gặp lão hòa thượng, chú nói ngay: "Thầy ơi, hôm nay có người trả con 2000 đồng để mua khối đá này. Hôm nay, thầy nhất định phải trả lời câu hỏi của con hôm trước."
Sư thầy cười lớn, nói: "Mai con mang khối đá đến cửa hàng đồ cổ một chuyến và làm như những lần trước. Lần này, ta nhất định sẽ trả lời cho con trong đời người điều gì quý giá nhất."
Tiểu hòa thượng vẫn băn khoăn về câu hỏi mà sư thầy chưa cho lời giải đáp.
Sáng ngày thứ ba, mặt trời vừa mọc, tiểu hòa thượng đã ôm đá xuống núi, đến thẳng cửa hàng đồ cổ.
Vẫn như những lần trước, rất nhiều người vây quanh, bàn tán xôn xao. "Đây là đá gì vậy nhỉ, đào được ở đâu, có từ thời đại nào, có thể dùng được vào việc gì…?" Và sau cùng, cũng có người bước ra hỏi: "Tiểu hòa thượng, khối đá này bán bao nhiêu tiền?"
Chú tiểu từ từ giơ hai ngón tay lên, không nói một lời. – "20.000 đồng ư?"
Chú tiểu quá kinh ngạc, "a" lên một tiếng thật to. Vị khách kia cho rằng mình trả giá thấp quá, liền vội sửa lời: "Không không không, tôi nói nhầm, tôi trả cho chú 200.000 đồng!"
Tiểu hòa thượng nghe đến đây, thực sự không còn biết chuyện gì đang xảy ra. Nhưng theo lời thầy dặn, chú không bán mà ôm đá chạy như bay về chùa, vừa hỏi sư phụ vừa thở không ra hơi:
"Thầy ơi, chúng ta sắp giàu to rồi. Hôm nay có người trả khối đá này 200.000 đồng! Bây giờ, thầy nói cho con biết trên đời này điều gì đáng quý nhất đi."
Lão hòa thượng xoa xoa đầu đệ tử nhỏ, giọng nhẹ nhàng, tràn đầy yêu thương: "Con ạ, thứ giá trị nhất trong đời người giống như khối đá này vậy. Nếu con để mình ở chợ, con chỉ đáng 20 đồng. Nếu con đặt mình trong bảo tàng, con sẽ đáng giá 200 đồng.
Nếu con đặt mình trong tiệm đồ cổ, con đáng giá 200.000 đồng. Ở mỗi nơi khác nhau, giá trị cũng sẽ khác nhau, giá trị của đời người vì thế mà có sự khác biệt!"
Đọc xong câu chuyện, liệu chúng ta đã phần nào tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của chú tiểu? Phải chăng điều quý giá nhất trong đời người đó là việc chúng ta có thể tự ý thức được giá trị của chính mình trong cuộc sống?
Và câu chuyện này liệu có gợi mở, giúp chúng ta suy nghĩ về cuộc đời của chính bản thân mình? Chúng ta sẽ "bán đấu giá" chính mình ở một cuộc bán đấu giá như thế nào, ở chợ rau, bảo tàng hay tiệm đồ cổ? Chúng ta sẽ tìm cho bản thân một nơi như thế nào để tồn tại và chứng minh bản thân?
Đừng sợ người khác nhìn mình như thế nào, quan trọng nhất là bản thân mình nhìn nhận mình ra sao.
Giá trị của tôi, bạn và tất cả chúng ta không dựa trên việc người khác phán xét mình ra sao. Chỉ cần chúng ta tự ý thức được giá trị của mình, bạn sẽ luôn cảm thấy cuộc đời của mình ý nghĩa.
Ai nói bạn không có giá trị? Trừ khi bạn coi mình là hòn đá và tự vùi mình trong bùn lầy, không một ai có thể đưa ra bất cứ định nghĩa nào về cuộc đời bạn.
Bạn chọn con đường nào, nó sẽ quyết định cuộc đời của bạn theo hướng đó. Vì thế, điều quý giá nhất trong cuộc đời mỗi con người là chúng ta có thể nắm giữ được số mệnh và quyết định được giá trị của chính mình.
Hãy đặt mình vào một nơi xứng đáng. Có thể tỏa sáng hay không là do chúng ta lựa chọn, giống như cùng một viên đá, khi được bán ngoài chợ và bán ở tiệm đồ cổ, giá trị của nó hoàn toàn khác nhau.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Mr Why Phạm Ngọc Anh - CEO ASK TRAINING JSC)