Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang "vô tiền khoáng hậu"

"Cách tốt nhất để trân trọng sinh mệnh đó là đốt cháy nó một cách triệt để, không ngừng ‘vật lộn’ với những công việc mà mình thích làm. Đừng vội dưỡng sinh, bởi dưỡng sinh đồng nghĩa với việc chờ đợi cái chết", bà Tsuneko Sasamoto nói.


"Cách tốt nhất để trân trọng sinh mệnh đó là đốt cháy nó một cách triệt để, không ngừng ‘vật lộn’ với những công việc mà mình thích làm. Đừng vội dưỡng sinh, bởi dưỡng sinh đồng nghĩa với việc chờ đợi cái chết", bà Tsuneko Sasamoto nói.

"Dù bạn bao nhiêu tuổi, nếu như bạn luôn có suy nghĩ rằng: "Mình đã ở cái tuổi này…", vậy thì cuộc đời bạn coi như hỏng bét." - Đó là câu nói nổi tiếng của của nữ phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên tại Nhật Bản - Tsuneko Sasamoto.

Tsuneko Sasamoto sinh năm 1914, năm nay bà đã tròn 105 tuổi. Thời đó, Nhật Bản vô cùng phong kiến và lạc hậu, phụ nữ gần như chỉ là cỗ máy sinh đẻ.

Tsuneko Sasamoto với tư cách là số ít nữ phóng viên hiếm có, bà quyết định làm chút gì đó, quyết không để cuộc đời mình có chút nuối tiếc nào. Sử dụng máy ảnh để ghi chép và lưu trữ lại những việc xảy ra trước mắt là cách làm tốt nhất thời bấy giờ.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 1.

Ở tuổi ngoài 100, bà Tsuneko Sasamoto vẫn miệt mài làm việc và học hỏi

"Những việc mà tôi muốn làm, tôi nhất định sẽ làm!"

Cuộc đời Tsuneko Sasamoto đã từng trải qua chiến tranh Thái Bình Dương, động đất Tokyo, bong bóng kinh tế… một loạt những biến cố lịch sử nhưng không thể đẩy lùi được quyết tâm tiến về phía trước của bà.

Năm 71 tuổi, bà nghĩ rằng mình không thể giống như một "bà già", ngày ngày ngồi lì trong nhà không có việc gì làm, hoặc chỉ nằm dài phơi nắng…

Trong khi những người cùng tuổi hưởng thụ tuổi già, Tsuneko Sasamoto quyết tâm nhấc máy ảnh lên, ghi chép lại mọi khoảnh khắc mà bà muốn, dốc toàn bộ tâm sức vào công việc.

Mặc dù đã 71 tuổi và đã nằm ngoài vòng tranh chấp xã hội nhiều năm, muốn lập lại nghiệp cũ, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng những việc mà bà đã quyết định làm, bà nhất định sẽ làm.

Bà dành trọn 6 năm, tự mình đi khắp mọi ngóc ngách lớn nhỏ trên đất nước Nhật Bản, phỏng vấn vô vàn chị em phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đồng thời bà còn tổ chức triển lãm nhiếp ảnh khắp nơi trên toàn đất nước Nhật Bản mang tên "Thời kỳ chiêu hoàng của Tsuneko Sasamoto".

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 2.

Nhiếp ảnh là niềm đam mê suốt cuộc đời Tsuneko Sasamoto

"Ai nói tôi già? Tôi vẫn còn trẻ chán mà!"

Sau khi kết thúc triển lãm nhiếp ảnh, Tsuneko Sasamoto không hề để mình nhàn rỗi, bà quyết tâm viết lại những gì mắt thấy tai nghe và xuất bản thành sách. Dù chỉ có vài người xem, cảm thấy hữu ích những cũng đáng để bà cảm thấy vui mừng.

Rất nhiều người khuyên Tsuneko Sasamoto, tuổi cao không nên dày vò bản thân nữa mà hãy chú ý nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Nhưng bà bật cười rồi nói: "Ai bảo tôi già? Tôi vẫn còn trẻ chán mà".

Bà luôn tràn đầy tính hiếu kỳ đối với thế giới. Trong cuốn sách "Cô gái tràn đầy tính hiếu kỳ, năm nay 97 tuổi" bà viết: "Nói hoa mỹ thì là tính hiếu kỳ, nhưng thực ra chỉ là dù con tim sợ hãi những đôi chân vẫn muốn bước đi, dù không thích nhưng vẫn muốn xem. Thế giới tổng quan muôn hình vạn trạng, dù có thể khiến những người không biết gì biết thêm một chút thôi, tôi cũng muốn nỗ lực hết sức mình để lưu lại dấu tích".

Hơn nữa, Tsuneko Sasamoto không bao giờ công khai tuổi thật của mình trước ống kính, bởi bà không muốn được quan tâm, chú ý quá nhiều.

Mãi tới năm 96 tuổi, lần đầu tiên khi bà quyết định công khai tuổi thật của mình, đã khiến cả hội trường ngỡ ngàng, bởi mọi người đều nghĩ rằng bà mới chỉ hơn 70 tuổi. Không ngờ, tuổi bà đã gần 100.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 3.

Tsuneko Sasamoto thời trẻ

Lối sống phù hợp với bản thân mới là tốt nhất

Khi được hỏi về bí quyết khỏe mạnh và trường thọ là gì? Tsuneko Sasamoto đã trả lời:

"Ăn đúng và đủ 3 bữa. Trước kia bác sỹ từng nói, tuổi già nên ăn nhiều rau và đậu. Nhưng tôi lại làm ngược lại. Từ lúc trẻ tới bây giờ tôi luôn thích ăn thịt, hơn nữa tôi không ăn món chính và đồ ngọt, tôi chỉ uống rượu vang đỏ".

Thực ra, không có cái gọi là bí quyết trường thọ thực sự. Chỉ có những thứ thích hợp với bản thân mới là tốt nhất.

Không chỉ vậy, lối sống của Tsuneko Sasamoto còn kỷ luật tới mức khiến người khác phải nể phục:

Ngày nào bà cũng kiên trì thức dậy lúc 6 giờ sáng và đi ngủ vào lúc 11 giờ tối. Buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên bà làm đó là mở ti vi phát hội thoại tiếng Anh để nghe và học theo. Vừa xem ti vi vừa tập Yoga.

Sau khi ăn sáng, bà sẽ bắt đầu đọc sách khoảng 2-3 tiếng. Dù là báo chí, tạp chí, tập san, hay sách vở, đọc sách luôn là nội dung công việc không thể thiếu trong ngày của bà.

4 năm qua, bà tự học tiếng Anh bằng tất cả tâm sức của mình. Nghị lực và độ khó của công việc này, dù là người trẻ cũng tuyệt đối không phải là việc đơn giản. Vậy mà một người trăm tuổi như bà vẫn kiên trì nó mỗi ngày.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 4.

Quan trọng hơn cả sự vinh dự và vẻ vang đó là ý nghĩa thực sự phía sau đó

Năm 100 tuổi, bà nhận được giải thưởng "trang phục đẹp nhất", là người đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản đoạt giải ở độ tuổi này. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là tất cả trang phục quần áo trong cuộc sống đời thường của Tsuneko Sasamoto đều không phải hàng hiệu. Mà là những trang phục bình dân được bà tự tay chỉnh sửa thủ công sau khi mua về.

Bà nói: "Có những người tự cho rằng mình rất sang trọng, tiết kiệm tiền mua đồ ăn ngon để mua quần áo hàng hiệu đắt tiền, nhưng thực chất lại rất tầm thường".

Chỉ khi chiến thắng được tham vọng về vật chất, biết mình thực sự muốn gì thì bạn mới không bị đồng tiền chi phối và không sống thành hình tượng mà ngay bản thân mình cũng thấy ghét.

Năm 102 tuổi, Tsuneko Sasamoto giành được giải thưởng cao nhất trong làng nhiếp ảnh thế giới "Giải thưởng thành tựu nhiếp ảnh trọn đời". Khiến cả thế giới kinh ngạc, nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng với công sức và tâm huyết mà bà bỏ ra.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 5.

Phụ nữ dù bao nhiêu tuổi cũng đều cần đến tình yêu

Chồng bà đã mất nhiều năm, nhưng bà vẫn luôn sống một mình.

Nếu nói không cô đơn kỳ thực rất giả dối. Rất nhiều người khuyên bà đi bước nữa. Nhưng bà không muốn tùy tiện kiếm lấy một người, sống tạm nốt phần đời còn lại.

Mãi cho tới khi bà sang Pháp làm việc, bà gặp một nhà điêu khắc tên là Charles. Hai người tuy gặp nhau muộn nhưng vẫn trở thành những người bạn tri kỷ thường xuyên liên lạc với nhau.

Thế nhưng, do tuổi tác và khoảng cách địa lý, nên cả hai không tiến thêm bước nữa. 10 năm sau, trong dịp giáng sinh 96 tuổi, bà quyết tâm bày tỏ tình cảm với Charles.

Tsuneko Sasamoto gửi cho Charles một tấm thiệp chúc mừng, bên trong chỉ vẻn vẹn có 3 chữ "I LOVE YOU". Nhưng đợi mãi không có hồi âm.

Bà cho rằng mình đã bị từ chối, đau lòng mất một thời gian. Nhưng sau đó bà mới hay tin thì ra tạo hóa trớ trêu, Charles đã qua đời trước dịp lễ giáng sinh do đau tim đột ngột.

Charles không kịp đọc tấm thiệp chúc mừng của Tsuneko Sasamoto, điều này trở thành nỗi đau vĩnh viễn trong lòng bà.

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 6.

"Nếu như tôi không chịu thua sẽ không ai có thể khiến tôi gục ngã"

Họa vô đơn chí, Tsuneko Sasamoto vừa bước qua sinh nhật tuổi 97 thì bị ngã gãy xương tại nhà. Bà hôn mê bất tỉnh mà không có ai phát hiện ra.

22 giờ đồng hồ sau đó, hàng xóm mới phát hiện báo cảnh sát, khó khăn lắm mới cứu được bà. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bà bị gãy đùi và cổ tay trái, bà không thể tự mình đi lại bình thường được nữa.

Điều này thực sự là sự đả kích rất lớn đối với bà, nhưng bà không hề bỏ cuộc "Tôi vẫn còn muốn làm rất nhiều việc". Thế nên, hàng ngày bà đều rất tích cực điều trị và tập luyện phục hồi.

Điều này khiến tất cả mọi người trong bệnh viện đều hết sức kinh ngạc. Bởi lần đầu tiên họ thấy một người 97 tuổi mà vẫn chăm chỉ tích cực điều trị và tập luyện. Hơn nữa, trong quá trình điều trị phục hồi sức khỏe, bà vẫn duy trì thói quen chải chuốt và trang điểm mỗi ngày, quyết không để mình trở nên tàn tạ. Dù khoác trên mình bộ quần áo bệnh nhân, nhưng bà vẫn chau chuốt tỉ mỉ, thậm chí còn sơn cả móng tay.

Sau khi trải qua biến cố tình yêu và sức khỏe, Tsuneko Sasamoto càng thấm thía hơn: "Nếu như bạn thực sự muốn làm gì đó, đừng bao giờ dằn vặt hoặc đợi chờ một cách vô nghĩa. Thay vào đó hãy sống ở hiện tại, hạ quyết tâm và lập tức hành động".

Giống như những gì mà bà đã viết trong cuốn sách của mình: "Cách tốt nhất để trân trọng sinh mệnh đó là đốt cháy nó một cách triệt để, không ngừng ‘vật lộn’ với những công việc mà mình thích làm. Đừng vội dưỡng sinh, bởi dưỡng sinh đồng nghĩa với việc chờ đợi cái chết".

Cuộc đời ngắn ngủi, do vậy đừng tự tạo thêm tiếc nuối cho chính mình. Sau biến cố gãy xương, vốn kiên quyết không sống trong viện dưỡng lão, nay Tsuneko Sasamoto quyết định nghe theo lời khuyên của bác sỹ ở lại viện dưỡng lão.

Thế nhưng căn phòng nhỏ của bà hoàn toàn khác biệt với những căn phòng của người khác. Trên tường treo một bức tranh sơn dầu hoa hướng dương do bà tự vẽ. Trong tủ bày biện rượu vang đỏ và ly uống. Trên bàn làm việc có bút và những cuốn sách mà bà yêu thích nhất. Tủ quần áo được treo móc gọn gàng với đầy đủ các loại trang phục và mũ.

Ai nói già rồi không cần phải lịch sự, trang trọng? Ai nói già rồi không thể sống một cách tinh tế? Tsuneko Sasamoto tự nói với mình rằng: "Sống ngày nào là phải tinh tế ngày ấy, sống tốt mỗi ngày".

Có bao nhiêu người trong cuộc đời này có thể làm được điều đó?

Cuộc đời rộn rã của phóng viên Tsuneko Sasamoto: 71 tuổi vẫn chăm chỉ làm việc, 86 tuổi miệt mài yêu đương, 102 tuổi gặt hái vinh quang vô tiền khoáng hậu - Ảnh 7.

 

Hãy cười thật nhiều, mọi thứ sẽ không có gì đáng ngại cả

Trong các cuốn sách của Tsuneko Sasamoto thường rất ít nhắc đến những câu chuyện đau khổ hoặc tháng ngày gian lao. Bởi bà không muốn mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho người khác. Thay vào đó là tràn đầy hy vọng và năng lượng tích cực:

"Hãy luôn mỉm cười, dù buồn cũng phải mỉm cười. Bởi dù là vận may hay con người đều thích quần tụ ở những nơi thoải mái, sáng sủa và tràn ngập tiếng cười".

Có những người mới 18 tuổi đầu đã chết yểu. Nhưng có những người trên trăm tuổi vẫn tràn trề sức sống. Tsuneko Sasamoto là một trong những người như vậy.

Nụ cười không bao giờ biết lừa gạt người khác. Tsuneko Sasamoto luôn luôn tươi cười và rạng ngời như vậy, làm sao có thể "già đi" được.

"Tôi luôn có những người muốn gặp, những nơi muốn đi và những việc muốn làm! Không còn tâm sức để nghĩ đến cái chết! Muốn làm gì hãy làm đó, chỉ cần tính hiếu kỳ còn tồn tại thì luôn có những sự bắt đầu mới".

Đến nay, Tsuneko Sasamoto đã 105 tuổi, xác thịt tuy đã hao mòn nhưng linh hồn của bà vẫn luôn tỏa sáng. Sẽ có một ngày, bà phải nói lời từ biệt với thế giới này, nhưng lúc đó bà đã thực sự được viên mãn trong lòng.

Theo đuổi chính mình, tao nhã một đời, hình tượng sống của Tsuneko Sasamoto thật đáng ngưỡng mộ. Hy vọng tất cả chúng ta đều có thể như vậy!

Cuộc đời ngắn ngủi, mỗi người lại chỉ sống một lần, hãy sống sao để cuộc đời ấy khép lại bằng một dấu tròn viên mãn.


Ngọc Thủy

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-doi-ron-ra-cua-phong-vien-tsuneko-sasamoto-71-tuoi-van-cham-chi-lam-viec-86-tuoi-miet-mai-yeu-duong-102-tuoi-gat-hai-vinh-quang-vo-tien-khoang-hau-a92209.html