20 năm trước, 5 hàng ô tô lớn đã đề nghị Việt Nam mở cửa thị trường ô tô. Nhưng Việt Nam không đồng ý. Đến nay, Việt Nam mới sản xuất 250 nghìn xe/năm trong khi Thái Lan là 3 triệu.
Mới duy trì được trên 250 nghìn xe ô tô
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Đại biểu Quốc hội mới đây cho thấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2017, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 258 nghìn xe. Năm 2018, sản lượng tiếp tục được duy trì đạt trên 250 nghìn xe/năm.
Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ,...
“Ngành ô tô đã đóng góp hàng tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nhập siêu. Đồng thời tạo ra việc làm trực tiếp cho hơn 120 nghìn lao động”, Bộ Công Thương nêu.
Tính đến năm 2018, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 41 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận “đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ”.
Bộ này tiếp tục thừa nhận tỷ lệ nội địa hóa của một số dòng xe còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra nên “cần sớm có các giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa”. Bộ Công Thương bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công nghệ cao (động cơ - hộp số - bộ truyền động)... để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, thực tế đã thất bại khi không đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa...
So với các nước, Bộ Công Thương chỉ ra tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam kém xa. Cụ thể, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.
“Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA có hiệu lực", Bộ Công Thương đánh giá.
Bảo hộ không giúp ngành ô tô phát triển
Nguyên nhân khiến ngành ô tô èo uột, Bộ Công Thương cho rằng: Đối với lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe chở người đến 9 chỗ ngồi (xe con), Việt Nam là nước đi sau trong khu vực (so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Chuỗi sản xuất ngành ô tô do các tập đoàn đa quốc gia chi phối. Họ quyết định hoàn toàn việc nghiên cứu - phát triển, địa điểm sản xuất, phương thức bán hàng... Trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn của Nhật Bản, Hoa Kỳ... đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có qui mô rất lớn trong khu vực ASEAN.
Công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất, vì vậy các tập đoàn này không có các dự án đầu tư quy mô lớn ở Việt Nam do quy mô thị trường quá nhỏ, bằng 1/10 Thái Lan, 1/5 Indonessia.
Về công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, Bộ Công Thương cho biết: Do thị trường nội địa nhỏ, chỉ ở mức độ hơn 300 ngàn xe/năm, trong khi số lượng doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp lớn (56 doanh nghiệp) nên không không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô vì hiệu quả kinh tế thấp do sản lượng nhỏ. Hơn nữa, các nguyên vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Nói về tương lai ngành ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương vẫn nói về những chiếc xe ô tô con “made in Việt Nam”.
Để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, gắn liền với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô, Bộ Công Thương định hướng tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Vinfast và các dự án khác.
“Đây là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới”, Bộ Công Thương đánh giá.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước), để góp phần giảm giá xe “made in Việt Nam”.
Một chuyên gia làm trong ngành ô tô chia sẻ: Năm 2001, 5 nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam viết thư đề nghị mở cửa thị trường ngay lập tức nếu muốn phát triển công nghiệp ô tô. Thời điểm ấy, Thái Lan mới có 300 ngàn xe 1 năm, giờ họ hơn 2 triệu xe. Việt Nam không chấp nhận do lo ngại ngân sách thất thu.
“Bản thân nhà sản xuất họ không cần bảo hộ đâu, các nhà hoạch định cấp cao của các hãng ô tô nhìn vấn đề theo hướng toàn cầu. Nhưng mình không nghe, không mở cửa, nên thời điểm ấy Việt Nam 20 ngàn xe mà nay cũng chỉ 200 ngàn xe”, vị này tiếc nuối.
Theo vị này, vấn đề của ngành công nghiệp ô tô không phải là có bảo hộ hay không. Nếu có bảo hộ đi nữa thì trong nước cũng không thể làm được vì giá thành quá cao.
“Sản lượng thấp thì giá thành lên cao ngay, nên ô tô có bảo hộ bao nhiêu đi nữa cũng không phát triển được”, chuyên gia này chia sẻ.
Lương Bằng
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ky-tich-20-nam-thai-che-tao-3-trieu-o-to-made-in-viet-nam-250-ngan-xe-a92452.html