Giá điện mặt trời đến tay người dùng lên đến 3.500 đồng/số điện, cao gần gấp đôi mức giá bán lẻ bình quân hiện hành. Điện sạch chưa bao giờ là rẻ.
Điện mặt trời đắt cỡ nào?
Theo quyết định 11 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ, mức giá điện mặt trời rất hấp dẫn, lên tới khoảng 2.086 đồng/kWh (tương ứng 9,35 cent/kWh, điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) và kéo dài tới 20 năm, cao hơn nhiều giá nguồn điện khác.
Mức giá này cao hơn giá nhiệt điện, thủy điện theo Khung giá phát điện 2019 do Bộ Công Thương ban hành. Cụ thể, nhiệt điện dùng than nhập khẩu có giá 1.677-1.896,05 đồng/kWh (mức giá này chưa bao gồm thuế GTGT, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung). Còn thủy điện là 1.110 đồng/kWh.
Nhiều chủ đầu tư đang chạy nước rút vận hành điện mặt trời trước tháng 7/2019. Ảnh: Lương Bằng |
Tuy nhiên, mức giá 2.086 đồng/kWh mới chỉ là là giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua của chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời.
Còn khi đến tận người tiêu thụ cuối cùng, nếu tính đúng, tính đủ vẫn có chi phí đắt đỏ so với các nguồn năng lượng truyền thống. Điều này các tổ chức "cổ vũ" cho điện mặt trời thường không phân tích đủ.
“Tính đúng, tính đủ” tức là thêm chi phí truyền tải, phân phối, nguồn dự phòng.
Cụ thể, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ nói riêng về các dự án Trang trại điện mặt trời, chi phí truyền tải và phân phối hiện nay khoảng 410 đồng/kWh. Để truyền tải năng lượng mặt trời từ các dự án này đến khách hàng tiêu thụ cuối cùng ứng với hệ số công suất bằng 1/3 nguồn truyền thống thì tổng chi phí truyền tải ước tính 1.230 đồng/kWh, tương ứng 5,2 cent.
Ngoài ra, khi vận hành điện mặt trời, EVN phải có thêm chi phí dịch vụ hệ thống. Chi phí này liên quan đến các nguồn dự phòng hệ thống do tính không điều khiển được (đứt quãng) của năng lượng mặt trời. Tức là, khi điện mặt trời “sụp” công suất vì mây che hay giông lốc, thì phải có nguồn điện dự phòng phát lên lưới để bù đắp (xem thêm tại đây).
Nếu dự phòng bằng điện khí thì chi phí gấp đôi điện mặt trời, còn dự phòng bằng nguồn điện chạy dầu diesel thì khá đắt đỏ. Chi phí cho 1 kWh điện chạy bằng dầu diesel là khoảng trên 5.000 đồng.
Tại Mỹ, khi lượng nhà máy điện mặt trời chiếm 10%, chi phí tăng thêm để phục vụ dự phòng vào khoảng từ 0,29 cent/kWh khi nhà máy điện mặt trời xây tập trung. Đối với hệ thống điện Việt Nam, tư vấn ELIA - Bỉ đã tính toán lượng dự phòng cho năm 2025 khoảng 1.250 MW (ứng vơi sai số dự báo nguồn năng lượng tái tạo là 5%), với chi phí cho dịch vụ dự phòng khoảng 1,3 cent/kWh.
“Tổng hợp các yếu tố trên, ngoài giá phải trả cho chủ đầu tư (2.086 đồng/kWh), chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất 5,5 cent/kWh”, EVN tính toán.
Như vậy, tính đầy đủ các yếu tố, thì giá điện mặt trời đến tay người tiêu dùng vào khoảng 3.500 đồng/kWh (khoảng 14,95 cent/kWh).
Vì thế, trong một văn bản gửi Bộ Công Thương, EVN kiến nghị không khuyến khích đầu tư điện mặt trời bằng mọi giá. Cụ thể, việc khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời phải đồng bộ với lưới truyền tải và phân phối và phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu thụ cuối cùng, không khuyến khích đầu tư ở các vùng không có tiềm năng và không có phương án giải tỏa công suất.
Điện mặt trời có giá không hề rẻ. Ảnh: Lương Bằng |
Giảm giá mua điện mặt trời sau tháng 6/2019
Mức giá 2.086 đồng/kWh chỉ áp dụng với các dự án vận hành trước tháng 7/2019. Hiện Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định mới thay thế Quyết định 11 theo hướng giảm bớt ưu đãi cho dự án điện mặt trời.
Bộ Công Thương đề xuất giá mua điện của Dự án điện mặt trời mặt đất chia thành 4 vùng. Trong đó, vùng 1 ít tiềm năng phát triển điện mặt trời nhất có giá cao nhất trong 4 vùng. Còn vùng 4 - nhiều tiềm năng nhất - có giá thấp nhất.
Cụ thể: vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung ở các tỉnh phía Bắc) có mức giá cao nhất (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh).
Đặc biệt là, vùng 4 - vùng có tiềm năng cao nhất (Ninh Thuận, Bình Thuận... ) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).
Trao đổi với PV.VietNamNet, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận không đồng tình với phương án giá mua điện mặt trời ở Bình Thuận có mức thấp nhất, là 1.525 đồng/kWh.
Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở, cho rằng: Nếu áp dụng mức giá này sẽ làm triệt tiêu lợi thế của địa phương. Bình Thuận, Ninh Thuận... là vùng có bức xạ cao, chủ yếu vùng khô cằn sỏi đá, thì người ta phải sản xuất năng lượng mặt trời. Điều này đáng ra phải được phát huy, khuyến khích về giá cho nhà đầu tư.
Trong khi vùng có bức xạ thấp như Đồng bằng trung du phía Bắc làm điện mặt trời không hiệu quả thì dùng đất đó để sản xuất cái khác. “Sao phải nâng giá điện mặt trời ở đó để khuyến khích đầu tư điện mặt trời làm gì”, ông Hồ Minh Kính băn khoăn. “Đó là vô lý, đi ngược lại quy luật”.
“Cho nên, tỉnh Bình Thuận không đồng ý với dự thảo đó. Tốt hơn hết là quy định một giá như trước đây”, vị lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận chia sẻ và cho hay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương.
“Nếu giá của thiết bị, máy móc đầu tư điện mặt trời càng ngày càng giảm, giúp giá thành giảm, thì có thể giảm giá khuyến khích xuống một chút trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng để cân đối, tránh bù giá của ngân sách”, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận đề xuất.
Góp ý cho mức giá điện sau tháng 6/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng nên thực hiện cơ chế đấu thầu (chọn nhà đầu tư - PV) với mức giá trần theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Lương Bằng