Ông Mai Triều Nguyên bán nhà, mở cửa hàng tâm huyết nhất cả đời

Cửa hàng mới của ông Mai Triều Nguyên được đầu tư xây dựng cực kỳ kỹ lưỡng, đặt đam mê lên trên mục tiêu kinh doanh.

Mai Nguyên vừa khai trương cửa hàng công nghệ lớn nhất từ trước đến nay của họ trên đường Võ Thị Sáu, Q.1, TP.HCM. Ông chủ Mai Triều Nguyên, người được biết đến nhiều trong giới công nghệ do kinh doanh mặt hàng này ngay từ ngày đầu, cho biết phải bán nhà để đầu tư cửa hàng này, và mục tiêu kinh doanh được xếp sau niềm đam mê.

Ông Mai Triều Nguyên đã giành thời gian kể về các giai đoạn phát triển của Mai Nguyên, đồng thời chia sẻ về cửa hàng mới là tâm huyết cả đời ông. Dưới đây là toàn bộ lời kể của ông, ICTnews ghi lại.

Ông Mai Triều Nguyên - Ảnh: Hải Đăng

Cửa hàng Mai Nguyên đầu tiên được thành lập năm 2002 ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM nhưng trước đó 3 năm, tôi đã lập cửa hàng ở Hoàng Văn Thụ, lấy tên Triệu Vũ nhưng làm ăn không hiệu quả. Tính đến nay tròn 20 năm trong ngành điện thoại, chứng kiến mọi thăng trầm của ngành này tại Việt Nam…

Không thay đổi thì chết

Cứ dăm ba năm thì Mai Nguyên lại có bước đi mới. Các bước chuyển đổi này không có sự chuẩn bị và tính toán, mỗi bước đi, chặng đường đi tùy vào cơ hội kinh doanh và hướng đi của thị trường. Đặc biệt Mai Nguyên bắt kịp và đi theo đúng mọi xu thế của thị trường công nghệ.

Chẳng hạn tôi đã khởi đầu từ thời điện thoại cơ bản, nơi các hãng Nokia, Motorola là những cái tên huyền thoại. Rồi đến smartphone, nhưng vẫn chỉ là smartphone cơ bản với sự chiếm lĩnh của hệ điều hành Symbian (của Nokia), tiếp đến các hệ điều hành như Windows Mobile. Sau đó là đến thời kỳ điện thoại xa xỉ với các cái tên như Mobiado, Vertu. Thời đó mọi người “trúng” chứng khoán và bất động sản nên Mobiado như biểu tượng của thành công.

Gần đây nhất thị trường điện thoại trở lại smartphone bùng nổ, với Android và iPhone. Đây mới thực sự là thời kỳ bùng nổ của smartphone và kéo dài đến nay.

Cho đến cửa hàng này, Mai Nguyên chỉ thu gọn lại còn bán hàng của hai hãng chủ lực là Samsung và Apple, đây giống như Coca Cola và Pepsi trong lĩnh vực nước giải khát vậy. Từ hai ba chục nhãn hàng điện thoại chỉ gom lại còn hai hãng là do đứng trước một thử thách phải thay đổi, không thay đổi thì chết.

Bây giờ Việt Nam, đặc biệt khu vực thành thị, người ta không còn thay đổi điện thoại nhiều như xưa nữa, gần giống với các nước phát triển rồi. Khách giờ chỉ mua hàng khi máy vừa ra mắt, khi hãng tung chương trình khuyến mại rầm rộ, sau đó rồi thôi. Chả lẽ chỉ bán có một lúc đó, qua thời điểm bán được thì nhân viên ngồi chơi? Do đó phải nghĩ cách để phát triển. Bây giờ một vài chuỗi lớn mở rộng quy mô, giành hết khách rồi, mình kinh doanh cá nhân cần phải tìm đường đi riêng.

Từ suy nghĩ đó mình chuyển qua hướng đồ chơi công nghệ, các loại đồ âm thanh thông minh. Tất cả những đồ kinh doanh cho cửa hàng này đều xoay quanh một hệ sinh thái phục vụ cho di động, trong đó hai nhãn cốt lõi là Samsung và Apple.

Cửa hàng mơ ước lớn nhất cuộc đời

Trong cửa hàng này, có tất cả thiết bị âm thanh di động cho đến lớn hơn như là loa thanh, bộ dàn lớn, bộ loa âm tường, dàn xem phim,... đều xoay quanh hệ sinh thái di động. Mọi thứ đều có thể điều khiển bằng chiếc di động trên tay người sử dụng.

Mô hình này kinh doanh phục vụ cho nhóm khách hàng sử dụng smart home (nhà thông minh), và là lựa chọn hợp xu hướng diễn ra toàn cầu chứ không phải là trái ngành.

Hai ước mơ lớn nhất cuộc đời tôi năm nay đều đã thực hiện được. Đầu tiên là chuyến lái mô tô như ước nguyện, chạy trên nước Mỹ trong vòng 9 ngày qua 7 tiểu bang, tổng cộng 6.400 cây số, là chuyến đi của cuộc đời.

Điều thứ hai năm nay làm được là cửa hàng mơ ước lớn nhất trong cuộc đời. Nó không nằm trong tính toán, kế hoạch gì gớm hết mà xuất phát một cách tự nhiên theo quá trình phát triển của mình. Cửa hàng có diện tích tầng trệt 300 mét vuông, tầng trên 300 mét vuông làm văn phòng, đã gom hầu hết tất cả những gì tinh túy nhất trên thị trường công nghệ thế giới vào đây, chỉ có hàng chính hãng có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam.

Cửa hàng này là một hệ sinh thái với tất cả sản phẩm tốt nhất được gom lại. Từ chỗ mình chơi, mình đam mê nên tìm hiểu các sản phẩm này và đưa hết chúng vào đây. Chỉ những sản phẩm mình dùng thấy ưng ý mới đưa vào.

Người ta mua Mercedes, tôi dùng tiền đó xây cửa hàng, coi như xây nhà mình vậy

Áp lực lớn nhất để mở cửa hàng này đó là việc trưng bày sản phẩm. May mắn là có các hãng hỗ trợ, cộng với phần công sức của mình mới ra cửa hàng như vầy. Do phải có hàng trưng bày nên các mặt hàng tồn kho từ vài triệu, vài chục triệu đến hơn trăm triệu là bình thường. Do đó, chưa có gì tôi thích mà tôi không đưa vào. Nó là cửa hàng theo đúng mơ ước của tôi, đúng ý tôi nhất từ trước đến nay.

Tôi phải bán một căn hộ chung cư được 5 tỷ mấy chục triệu để đổ vào đây, tổng cộng cửa hàng ngốn gần 6 tỷ đồng. Nếu không làm vì đam mê thì khó có thể dựng nên cửa hàng này. Do đó để cho mình dễ chấp nhận, tôi cứ coi như nó là ngôi nhà thứ hai của mình, mình đầu tư cho mình.

Ví dụ một người mê xe Mercedes chẳng hạn, họ sẵn sàng bỏ 5 tỷ để mua một chiếc xe, thì tôi bỏ 6 tỷ xây nhà. Nghĩ vậy cho đỡ mệt đầu. Trong ngôi nhà này, khách hàng là người thân, nhân viên là em út. Tất cả mọi người đều chung niềm đam mê công nghệ, nằm trong hệ sinh thái công nghệ.

Cửa hàng này như tình yêu, chỉ có một

Dĩ nhiên nếu nói xây cửa hàng không vì mục đích kinh doanh thì không đúng. Kinh doanh thì phải kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình nhưng suy nghĩ bây giờ khác.

Hồi nhỏ, trẻ thì lao và kinh doanh để kiếm được đồng tiền nhưng tới thời điểm trung niên rồi thì bắt đầu có suy là kinh doanh ngoài việc kiếm tiền thì phải thỏa đam mê. Giờ thỏa đam mê phải đưa lên hàng đầu, kiếm tiền xếp sau. Chứ đặt nặng vấn đề doanh thu lợi nhuận thì sẽ khó mở một cái như thế này.

Cửa hàng này bán tất cả mọi thứ về công nghệ. Từ đồng hồ thông minh, camera hành trình, drone, loa, pin sạc, tai nghe, đĩa CD,... Sau này sẽ hỗ trợ các ca sĩ phát hành đĩa, miễn sao mình làm cho đa dạng cửa hàng này để khách hàng bước vô sẽ thấy một hệ sinh thái khép kín gồm dàn âm thanh, đĩa CD, đĩa than,...

Ngoài ra cũng sẽ có một trung tâm sửa chữa tất cả các thiết bị từ di động đến loa, amply, đến đồng hồ các kiểu, gần như mọi thiết bị điện tử,... để cửa hàng trở thành một trung tâm trải nghiệm mua sắm dịch vụ trọn gói.

Khách khi vào đây sẽ được tư vấn trọn gói, từ cách thiết lập modem kết nối mạng, tức những thứ nhỏ nhất, căn bản nhất cho đến những bộ dàn quy mô nhất, những giải pháp nhà thông minh gọn nhẹ tiết kiệm nhất.

Cửa hàng này được tôi dồn toàn bộ 100% tâm huyết nên sẽ không còn cái thứ hai. Như tình yêu vậy, chỉ có một thôi.

Không bon chen, dành thời gian tận hưởng cuộc sống

Bây giờ ở tuổi trung niên, sống chậm lại và suy nghĩ khác đi. Không còn bon chen như hồi trẻ nữa. Bao nhiêu thăng trầm đã trải qua hết rồi. Lên bờ xuống ruộng trải hết rồi. Từng hùn hạp lỗ banh xác rồi nên bây giờ kinh doanh nhẹ nhàng hơn, không nhìn người ta mà bon chen nữa.

Chẳng hạn tôi vẫn có bộ phận online để phục vụ khách hàng của mình, nhưng nói làm sao để tốt như Tiki thì không muốn so sánh. Tôi cũng không muốn trở thành Thế Giới Di Động hay FPT Shop hay Viễn Thông A. Tôi chính là tôi thôi. Mình làm ăn nhỏ lẻ, cá nhân thì mình đi theo cái gì mà mình có thể điều khiển được, đi trên chính đôi chân mình và chính cái gì mình làm được. Quan trọng nhất là sống với đam mê, sống với chất của mình.

Mà nói vậy chứ tôi vẫn còn làm các cửa hàng cho Samsung, cho Bose, do đó không thiếu việc và thu nhập vẫn không tệ (cười). Bây giờ làm việc nhưng phải có thời gian trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống nữa.

Những chuyến đi, những trải nghiệm qua chừng đó năm mới đúc kết được con người tôi hôm nay. Nếu không đi, không trải nghiệm thì khó nghĩ ra mô hình cửa hàng thế này, khó thuyết phục các đối tác đứng cùng mình làm những thứ này. Chắc chắn khi còn trẻ tôi sẽ chẳng bao giờ làm được một cửa hàng như vầy.

Đây là cửa hàng tập hợp hết mọi sản phẩm âm thanh. Khách vào có thể tự do lựa chọn, trải nghiệm sản phẩm nhiều hãng khác nhau. Chẳng hạn khách muốn trải nghiệm 5 bộ loa các hãng khác nhau thì cửa hàng đáp ứng đầy đủ, khi nào thấy thích thì thôi.

Còn khi đi ra cửa hàng chuyên một hãng, có thể khách sẽ bị nhân viên hãng tập trung quá vào điểm mạnh của họ, khiến khách phân tán, còn khi muốn so sánh các hãng khác nhau thì không được.

Nếu khó khăn, sẽ chỉ duy trì một cửa hàng này hoặc vài ba cái

Đây là cửa hàng trung tâm của Mai Nguyên, những cửa hàng khác sẽ là cửa hàng vệ tinh. Thực ra Mai Nguyên hiện tại có 6 cửa hàng. Qua 20 năm vẫn là 6 cái tức là quy mô quy mô nhỏ. Cái mình mong muốn là một cửa hàng hội tụ và đậm chất công nghệ chứ không muốn mở ra nhiều, bởi vì bây giờ kinh doanh rất khó, càng mở rộng và không kiểm soát được được thì rất khó.

Sau này nếu thị trường khó khăn thì những cửa hàng nào hoạt động không ổn, hoặc khách hàng chỉ thích tới cửa hàng lớn này thì có thể đóng bớt những cái bên ngoài. Mặc dù có thể chỉ có một cái thôi hoặc hai ba cái thôi nhưng chất lượng làm cho khách hàng cảm thấy sung sướng thì đó là mơ ước của tôi, chứ không phải mở nhiều.

Hải Đăng
Theo ICTnews

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-mai-trieu-nguyen-ban-nha-mo-cua-hang-tam-huyet-nhat-ca-doi-a92507.html