Facebook Messenger ở Singapore không chỉ để tán gẫu như tại Việt Nam. Người dùng nếu có tài khoản MasterCard có thể chuyển tiền cho nhau thông suốt tại 96 quốc gia ngay trên khung trò chuyện. Dù chỉ mới có 3 ngân hàng hỗ trợ nhưng mức độ mở rộng là rất lạc quan.
Ở Nhật Bản, Rakuten được biết đến như một gã khổng lồ về thương mại điện tử. Tuy nhiên, đại gia này không chỉ kiếm tiền bằng việc bán hàng. Tại sự kiện Money 20/20 Asia vừa diễn ra ở Singapore, ông Hiroshi Takasawa – CEO Rakuten Asia tự hào công bố "thế lực" của hãng trong lĩnh vực tài chính.
Rakuten Card đang là thẻ ghi nợ phổ biến nhất Nhật Bản. Rakuten Bank cũng đang là ngân hàng online số một tại nước này. “Hệ sinh thái của chúng tôi bao gồm các dịch vụ Internet, fintech và nội dung số. Ba mảng này được xây dựng trên công thức bởi ba thành tố gồm thương hiệu, khách hàng thân thiết và dữ liệu”, vị CEO này bật mí.
Với khẩu hiệu 'Hệ thống thanh toán di dộng toàn cầu', Ant Financial đang tích cực quảng bá hình ảnh ở Singapore. Ảnh: Viễn Thông |
Còn hàng loạt ví dụ khác, với những bước mở màn bằng dịch vụ ví điện tử như Alibaba với AliPay, Samsung với SamsungPay, Apple với ApplePay. Chưa biết các hãng công nghệ lớn sẽ có sản phẩm gì tiếp theo để lấn sâu hơn vào ngành tài chính. Thế nhưng, đó dường như là xu hướng chắc chắn.
Gần đây nhất, Wall Street Journal cho biết Amazon đang đàm phán hợp tác với JPMorgan Chase, Capital One và vài ngân hàng lớn khác. Theo tính toán của Bain & Co, Amazon khả năng sẽ có hơn 70 triệu khách mảng ngân hàng trong 5 năm tới, khi hãng cung cấp tài khoản vãng lai không lãi suất và những dịch vụ tài chính khác. Nếu điều này xảy ra, Amazon thực sự là "siêu đối thủ" của những ngân hàng sừng sỏ hàng đầu thế giới.
Không đâu xa, giữa năm ngoái, khoảng 1.000 nhân viên bán thời gian của Ngân hàng DBS (Singapore) đã tràn ra khắp các trung tâm mua sắm ăn uống của đảo quốc để chào mời những chủ cửa hàng sử dụng dịch vụ thanh toán PayLah! của DBS. Động thái diễn ra bởi DBS buộc phải tranh thủ "chiếm đóng" thị trường trước các dịch vụ thanh toán của Ant Financial thuộc Alibaba đang lan rộng.
“Chúng tôi đang tích cực trong quá trình chuyển đổi, với các công nghệ từ chuỗi khối đến trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi không quan tâm lắm đến các ngân hàng khác đang làm gì mà đang xem những gã khổng lồ công nghệ làm gì trong lĩnh vực tài chính. Chúng tôi buộc phải theo kịp họ”, ông Piyush Gupta – Giám đốc điều hành DBS Group nói.
CEO DBS Group (bên phải) nói nhà băng này đang dõi theo các hãng công nghệ và tích cực để đuổi kịp tại Money 20/20 Asia do MasterCard tổ chức. Ảnh: Viễn Thông |
“Tôi có tham dự một hội nghị ở Madrid vào năm ngoái, có một nhà sáng lập của Unicorn - startup đạt giá trị hàng tỷ đôla - đã đứng lên và nói lý do chính mà ông bắt đầu kinh doanh là vì các ngân hàng đã thất bại trong xã hội”, ông Derek White – Giám đốc toàn cầu về Giải pháp khách hàng của Ngân hàng BBVA (Tây Ban Nha) kể lại.
Tuy nhiên, sự cao ngạo của vài người đứng đầu giới công nghệ hay tâm lý yếm thế của một số lãnh đạo nhà băng trước tình hình mới không mấy ảnh hưởng đến ông. Với Derek, phát biểu kiểu này là vô nghĩa. Và ngành ngân hàng vẫn còn tương lai, nếu đi đúng.
Ngành ngân hàng đang mang đến 18 triệu việc làm trên toàn cầu, hỗ trợ sinh kế cho hơn 100 triệu người, cho vay 66.000 tỷ USD một năm và là nơi mà nhiều người vẫn tin tưởng gửi vào 52.000 tỷ USD mỗi năm.
Lý do các hãng công nghệ lớn bắt đầu muốn cung cấp dịch vụ ngân hàng bởi hiện tại họ đang nắm giữ tần suất tương tác cao, khối lượng dữ liệu lớn nhưng với giá trị tương đối thấp. Trong khi đó, ngân hàng tạo ra các bộ dữ liệu có tần suất thấp nhưng giá trị cao.
“Các hãng công nghệ lớn có trung bình 2.000 lần tương tác với mỗi khách hàng mỗi năm, ví dụ như ai đó ‘thích’ một bài đăng trên Facebook hay tìm máy cắt cỏ trên Google. Trong khi ngân hàng có con số thấp hơn 10 lần nhưng giá trị cao hơn, về tiền bạc lẫn tình cảm”, vị chuyên gia nói.
Rất nhiều công ty trên thế giới sử dụng công thức NTS như một nền tảng để thỏa mãn nhu cầu khách hàng và đó cũng là gợi ý cho ngành ngân hàng từ đại diện BBVA. NTS tức là Needs (nhu cầu), Time (thời gian) và Stress (căng thẳng).
Theo nhà kinh tế Chile Manfred Max Neef , con người có 9 nhu cầu cơ bản và hầu hết đều dính dáng trực tiếp đến tiền bạc. Trong khi đó, mỗi người có 3 phần 8 giờ mỗi ngày để làm việc, ngủ, làm việc khác và đâu đó 1,4 tiếng cho mạng xã hội. Phải hiểu được họ sử dụng tiền bạc như thế nào trong lúc ấy.
Cuối cùng, theo khảo sát của GfK với 27.000 người ở 22 quốc gia, với hầu hết mọi người, tiền là nguyên nhân gây ra căng thẳng lớn nhất trong cuộc đời của họ. Thế nên, tương lai được tạo nên bằng cách các ngân hàng hiểu khách hàng dùng tiền thế nào và xây dựng niềm tin trên đó.
Cũng theo vị lãnh đạo này, ngoài phát huy thế mạnh niềm tin, các ngân hàng cần tích cực trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, để có được những yếu tố mà các gã khổng lồ công nghệ đang có là hỗ trợ, trực quan, thích nghi và an toàn.
Viễn Thông
VnExpress
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/dai-gia-cong-nghe-va-tai-phiet-ngan-hang-ai-so-ai-a9259.html