Ngôn ngữ nói là công cụ giao tiếp chủ yếu nhất của chúng ta trong các cuộc gặp trực tiếp. Từ ngàn xưa dù là làm ăn hay phép tu thân, các cụ cũng đã xếp thứ tự giọng nói lên trên tất cả các yếu tố khác khi đề cập tới tượng số trong bộ chỉ số Thanh – Thần – Khí – Sắc. Không chỉ có nhận định, các bậc cao nhân còn tìm cách giúp người thường nhận ra và chỉnh sửa năng lực của mình thông qua giọng nói. Dù vậy, ít khi chúng ta để ý nên dùng giọng của mình ra sao.
Dưới đây là một số thống kê mà tôi có được trong quá trình tìm hiểu và tư vấn tại các doanh nghiệp:
1. Giọng từ ngực hoặc bụng. Thống kê cho thấy, tại các nươc có bầu cử công khai, xu hướng nói chung là người ta bầu cho các chính trị gia có giọng trầm nhiều hơn là giọng thanh. Vì người ta thường gán cho người giọng trầm là người có quyền lực và trách nhiệm hơn so với người có giọng thanh. Chúng ta nên có một số bài tập để đưa giọng từ cổ kiểu “chót lưỡi đầu môi” sang thành giọng ở bụng dạng “lời nói từ gan ruột”! các bài tập này có cả trong nghề sales lẫn trong nghề diễn viên, còn từ ngàn xưa thì nó nằm trong phép tu thân của các môn tâm linh chân chính nhất.
2. Chất giọng: người ta thích chất giọng trầm ấm, dầy và mượt mà (nói suôn sẻ không ngắt quãng). Nó giúp diễn giả lôi kéo người nghe vào bối cảnh mình dựng lên và bị thuyết phục ở trong đó mà họ không thấy buồn ngủ! Lại cũng có một số bài tập làm chất giọng của chúng ta được như vậy, đặc biệt hay liên quan tới các bài tập yoga hệ phái kundalini hay dưỡng sinh khác như Nội gia của Trung Quốc.
3. Truyền cảm: lên xuống và thể hiện được cảm xúc của chính mình khiến người nghe không bị nhầm, ví dụ: đang thể hiện vui người ta lại nghe thành giọng buồn hoặc ngược lại. Nghe thì đơn giản vậy nhưng truyền cảm thì đòi hỏi chúng ta có tình cảm với nội dung không và có muốn thể hiện tình cảm đó ra ngoài hay không? Trên đó, khi đã thể hiện được cảm xúc rồi, chúng ta còn phải biết nhấn nhá làm sao cho thực sự tác động lên được tinh thần và tình cảm của đối phương trong giao tiếp.
4. Tốc độ vừa phải không quá nhanh quá chậm làm người ta nghe rõ từng câu chữ. Việc này đòi hỏi người tập phải liên tục nghe lại những đoạn mình giao tiếp và điều chỉnh cho phù hợp. Không quá nhanh hay chậm còn tuỳ vào khả năng nghe của người nói. Với người dùng một chất giọng hay vùng miền khác thì nên nói chậm lại và rõ ràng hơn.
5. Độ lớn giọng nói cùng với cảm giác tích cực tăng dần: diễn đạt sự vui vẻ tăng dần bằng giọng nói. Tăng dần vì người ta quyết định theo cảm xúc, không ai muốn mình đang buồn mà lại phải đưa ra quyết định.
Đỗ Xuân Tùng - Công ty tư vấn và đào tạo nhân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/5-tieu-chuan-ve-giong-noi-trong-nghe-sale-a9293.html