Giấc mộng Olympic tan tành vì chịu thua kình ngư Michael Phelps, VĐV bơi lội quyết định mở trường dạy bơi cho trẻ em và trở thành ông chủ startup thành đạt

Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra.

Năm 2008, Chris DeJong đã đối đầu với kình ngư Michael Phelps trong một cuộc đua giành suất trong Đội tuyển bơi lội Mỹ tham dự Olympic Bắc Kinh năm 2008.  DeJong từng xếp hạng thứ năm trên thế giới trong bộ môn bơi ngửa tuy nhiên anh đã lỡ kỳ Thế vận hội năm 2004. Chính vì vậy, anh khao khát đến Bắc Kinh vô cùng mãnh liệt.

Giấc mộng Olympic tan tành vì chịu thua kình ngư Michael Phelps, VĐV bơi lội quyết định mở trường dạy bơi cho trẻ em và trở thành ông chủ startup thành đạt - Ảnh 1.

DeJong (trái) và Michael Phelps (phải) trong một giải thi đấu.

Thế nhưng, tài năng bơi lội này đã để thua Michael Phelps 3/10 giây và giấc mơ Olympic của anh cũng kết thúc tại đây. Ở thời điểm đó, DeJong 24 tuổi. Anh chia sẻ: "Tôi biết rằng sự nghiệp thi đấu của mình đã chấm dứt và thực sự không biết nên làm gì tiếp theo. Đó là khoảng thời gian khó khăn đối với tôi".

Tuy nhiên, chính thất bại trước Michael Phelps đã tạo tiền đề để DeJong đạt được thành công như ngày nay.

Hiện anh đang điều hành Big Blue, một công ty do anh đồng sáng lập năm 2012 chuyên dạy bơi cho trẻ em. Trường có 5 cơ sở hoạt động tại Chicago và sau khi chuyển sang hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại vào tháng 10 năm ngoái, DeJong ước tính Big Blue sẽ có 400 cơ sở trên khắp nước Mỹ trong 10 năm tới.

Anh giãi bày: "Thành thật mà nói, nếu đủ điều kiện tham gia Olympic, tôi sẽ không bao giờ có động lực để kinh doanh dựa trên chuyên môn của mình".

DeJong vốn là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh và anh cho rằng trường luật sẽ là một lựa chọn khả thi. Tuy vậy, đó chỉ là một suy nghĩ thoáng qua bởi anh vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ đam mê bơi lội.

Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, DeJong đã dạy các lớp học bơi riêng cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi ở quanh Chicago. Ban đầu, mọi thứ còn rất khó khăn bởi anh chỉ dựa vào truyền miệng và cái danh vận động viên bơi lội chuyên nghiệp để thu hút khách hàng mới.

Giấc mộng Olympic tan tành vì chịu thua kình ngư Michael Phelps, VĐV bơi lội quyết định mở trường dạy bơi cho trẻ em và trở thành ông chủ startup thành đạt - Ảnh 2.

DeJong mở trường dạy bơi đầu tiên năm 2012.

Một người bạn tại đại học Iowa là John Lonergan cũng tham gia giảng dạy bộ môn này cùng anh mỗi tuần. Mỗi bài học 30 phút có giá 20 USD. Đối với DeJong, dạy trẻ em bơi lội còn là một cách giúp anh phục hồi sau thất bại và tìm lại niềm vui với bộ môn này.

DeJong nói: "Chúng tôi dạy bơi trong 2 năm rưỡi và nhận ra rằng hàng tuần mình đã hướng dẫn khoảng 600 đứa trẻ. Và chúng tôi cũng kiếm được một khoản không tệ từ công việc đang làm".

Sau đó, hai người đã lập kế hoạch kinh doanh và tìm kiếm các nhà đầu tư trong đó có một số phụ huynh của học viên để tài trợ cho việc xây dựng bể bơi cố định.

Một trong những nhà đầu tư đầu tiên tham gia là tỷ phú đồng sở hữu của đội bóng chày Chicago Cubs, Todd Ricketts, người có con gái là học viên của DeJong. Ricketts cùng một vài người khác đã cùng nhau đầu tư 1,2 triệu USD để DeJong xây dựng bể bơi.

Tháng 4/2012, DeJong và Lonergan mở trường dạy bơi Big Blue đầu tiên tại Wilmette, Illinois, một vùng ngoại ô phía bắc Chicago. DeJong phụ trách thiết kế cơ sở và chương trình giảng dạy cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 12 tuổi.

Bể bơi ở Big Blue luôn sử dụng nước ấm để học viên không bị lạnh và thảm chuyên dụng để giảm tiếng ồn và trơn trượt khiến các bé bị ngã. Các cơ sở đều có điều hòa và Wi-Fi miễn phí cho phụ huynh. Ngoài ra, công ty còn cung cấp phần mềm của riêng mình mang tên "Lesson Buddy" cho phép cha mẹ lên lịch học và theo dõi tiến bộ của con theo thời gian thực.

Giấc mộng Olympic tan tành vì chịu thua kình ngư Michael Phelps, VĐV bơi lội quyết định mở trường dạy bơi cho trẻ em và trở thành ông chủ startup thành đạt - Ảnh 3.

Một cơ sở của Big Blue.

Chỉ một tuần sau khi khai trương, lượng học viên đăng ký tại Big Blue tăng vọt từ 600 lên 2.200. Thời gian đầu, DeJong cho biết đội ngũ của anh bị choáng ngợp bởi tốc độ tăng trưởng quá nhanh nhưng dần dần họ đã bắt kịp và thu hút thêm một số nhà đầu tư mới. Đến nay, Big Blue đã huy động được tổng cộng 20 triệu USD.

Từ khi chuyển sang hình thức kinh doanh nhượng quyền, DeJong đã chuyển nhượng thành công cho 5 địa điểm ở Denver, 10 địa điểm ở Chicago, 6 địa điểm ở Minneapolis và 3 địa điểm ở Salt Lake City. Tuy không tiết lộ doanh thu hàng năm nhưng anh cho biết việc kinh doanh đã có lãi. Theo Big Blue, tổng mức đầu tư cho một chi nhánh nhượng quyền mới dao động từ 1,8 triệu USD đến 3,6 triệu USD đã bao gồm chi phí về bất động sản và marketing.

DeJong chia sẻ: "Đối với tôi, việc một vận động viên đột ngột trở thành doanh nhân mà không có bất kỳ kinh nghiệm kinh doanh nào trước đó là một thách thức lớn. Thành công bước đầu của tôi phần lớn là nhờ bài học mà tôi học được trong bơi lội. Đó là sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ".

theo CNN

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giac-mong-olympic-tan-tanh-vi-chiu-thua-kinh-ngu-michael-phelps-vdv-boi-loi-quyet-dinh-mo-truong-day-boi-cho-tre-em-va-tro-thanh-ong-chu-startup-thanh-dat-a92973.html