Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? (P.2)

Khi nói đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, những cái tên như Thành Thành Công, BIM, Trung Nam hay Bamboo Capital…sẽ được nhắc đến, không chỉ vì họ rất coi trọng lĩnh vực đầu tư này mà còn bởi họ tham gia cuộc chơi từ rất sớm.

Vì không có một thống kê chính thức nào, nên rất khó để nói doanh nghiệp nào của Việt Nam đang thật sự dẫn đầu cuộc chơi năng lượng tái tạo. Do đó, chúng tôi chỉ đề cập đến những doanh nghiệp mà chúng tôi có thông tin, theo đó, Tập đoàn Thành Thành Công, BIM Group, Trung Nam Group và Bamboo Capital đang là những nhà đầu tư nổi bật trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

[Xem phần trước: Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? - P.1]

Tập đoàn Thành Thành Công

Có thể nói, Thành Thành Công là một trong những doanh nghiệp Việt nhảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sớm nhất ở Việt Nam. Trong hội nghị khách hàng của Thành Thành Công vào giữa năm 2017, họ từng chia sẻ rằng: điện mặt trời và điện gió sẽ là hai mảng được tập đoàn chú tâm phát triển trong tương lai gần, với nguồn vốn đầu tư sẽ vào khoảng 1 tỷ USD.

Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc Thành Thành Công còn cho biết: "20 nhà máy điện mặt trời sẽ là 20 nhà máy in tiền cho tập đoàn đến 2020. Chúng tôi sẽ phát triển các dự án điện mặt trời theo vốn góp là 30% và vốn vay 70%. Hiện, trong két sắt của Thành Thành Công, 300 triệu USD đã sẵn sàng".

Ngày 12/10/2018, nhà máy điện mặt trời Phong Điền – Thừa Thiên Huế của Điện Gia Lai (thuộc Thành Thành Công) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia và đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được đóng điện.

Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? (P.2) - Ảnh 1.

Nhà máy điện mặt trời Phong Điền - Thừa Thiên Huế.

Cho tới thời điểm này, ngoài nhà máy ở Phong Điền, Điện Gia Lai đã đóng điện thêm 5 nhà máy điện mặt trời khác, nâng tổng công suất lên gần 350 MW. Họ vẫn còn một nhà máy ở Trúc Sơn – Đắc Nông đang triển khai và 1 dự án ở Nhị Hà – Ninh Thuận đang xin bổ sung quy hoạch. Không giống như nhiều nhà đầu tư khác, Thành Thành Công chủ yếu làm những dự án công suất nhỏ trải dài nhiều tỉnh thành.

Theo tiết lộ từ Thành Thành Công, đến năm 2020, tập đoàn dự định sẽ sản xuất khoảng 1.000 MW điện mặt trời, 40 MW điện gió, chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của tập đoàn. Cụ thể: Tây Ninh có 324MW, Bình Thuận 300MW, Ninh Thuận 300MW, Gia Lai 49MW… Suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm.

Tập đoàn BIM

Với tổng công suất 330 MW, cụm nhà máy bao gồm nhà máy điện BIM 1 có công suất 30 MW; BIM 2 có công suất 250 MW và BIM 3 có công suất 50 MW khi đóng điện vào 27/4/2019 được xem là nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á thời điểm đó. Cụm 3 nhà máy này được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, lắp đặt hơn 1 triệu tấm pin năng lượng mặt trời, dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.

Ông Đoàn Quốc Huy - Phó chủ tịch HĐQT BIM Group, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo BIM Energy, cho biết: "BIM Group định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hướng đến năm 2022, tổng công suất năng lượng sạch do BIM Energy cung cấp cho thị trường sẽ đạt tổng quy mô 1000 MW".

BIM Energy đang hợp tác với AC Energy thuộc Tập đoàn Ayala - một trong những doanh nghiệp lớn nhất Philppines, để thành lập liên doanh BIM/AC Renewable phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận. AC Energy là một trong những công ty năng lượng phát triển nhanh nhất châu Á với hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư về năng lượng tái tạo và nhiệt tại Philippines cũng như trong khu vực tới 2025.

Tập đoàn Trung Nam

Cũng như BIM, Tập đoàn Trung Nam không đầu tư quá nhiều dự án nhưng những dự án họ đầu tư luôn có công suất rất lớn.

Hiện doanh nghiệp này có 1 tổ hợp điện mặt trời và điện gió lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á tại huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận với tổng công suất 356 MW, vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng cùng một nhà máy điện mặt trời công suất 165 MW đang thi công tại xã Duyên Hải - Trà Vinh.

Giai đoạn 1 của tổ hợp nhà máy tại huyện Thuận Bắc - Ninh Thuận vừa đóng điện vào cuối tháng 4/2019. Theo ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng Giám đốc Trung Nam Group, nếu dự án hoàn tất 100%, mỗi năm nó sẽ cung cấp cho thị trường từ 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh điện.

Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? (P.2) - Ảnh 2.

Tổ hợp điện mặt trời và điện gió của Trung Nam Group ở Ninh Thuận.

Phần điện gió được xây dựng trên tổng diện tích đất rộng 900ha, với tổng công suất gần 152 MW gồm 45 trụ với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 17 trụ đã hoàn thành đưa vào vận hành, giai đoạn 2 là 16 trụ sẽ hoàn thành vào quý 4/2019 và 12 trụ còn lại hoàn thành vào năm 2020.

Điện mặt trời có tổng công suất 204 MW, gồm 700.000 tấm panel pin, 45 bộ thiết bị Inverter và công nghệ chuyển hoá bức xạ mặt trời, 7.800 dãy hệ giá đỡ điều hướng.

Tập đoàn Bamboo Capital

Ngay từ năm 2017, Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đã xem năng lượng mặt trời là mảng đầu tư chiến lược của mình. Trong ĐHCĐ năm 2018, ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch BCG đã nhận định: "Hiện tại, năng lượng tái tạo đang là loại năng lượng rẻ nhất hành tinh. Lĩnh vực năng lượng tái tạo vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa bền vững lại an toàn".

Nhà máy điện mặt trời đầu tiên được khởi công xây dựng tại Long An vào ngày 16/9/2018 là của BCG, đó là nhà máy điện mặt trời BCG Băng Dương của Công ty CP Năng lượng BCG Băng Dương (thuộc BCG).

Hiện BCG đang có 3 dự án điện mặt trời tại Long An: BCG Băng Dương với công suất 40,6 MW và GAIA giai đoạn một 30 MW (tổng công suất 100,4 MW) đang trong giai đoạn triển khai và sẽ đóng điện trước tháng 6/2019; dự án Sunflower với công suất 50 MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trình lên Bộ Công thương thẩm định. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này tầm 4.400 tỷ đồng.

BCG còn đang nghiên cứu một dự án điện gió 45 MW tại mốc số 17 ở huyện Trần Đề - Sóc Trăng, cũng như dự án điện mặt trời trên mặt nước tại Quảng Nam với công suất lớn – có thể trên 100 MW, hay dự án điện mặt trời tại Bến Tre…

Theo BCG, dù lợi nhuận của ngành năng lượng tái tạo chỉ vào khoảng 6% đến 7% hàng năm, nhưng bền vững. Trong tương lai, họ cam kết sẽ sẽ cung khoảng 2.000 MW điện mặt trời - điện gió cho thị trường Việt Nam và có thể vươn ra thế giới nếu họ làm chủ được công nghệ.

Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ai-dang-dan-dau-trong-mang-nang-luong-tai-tao-o-viet-nam-p-2-a93267.html