Tháng 10/2018, Tổng cục Thuế Trung Quốc đã điều tra về thuế với ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng và kết luận cô phải nộp bổ sung. Cộng thêm tiền phạt, ngôi sao này phải nộp khoảng 130 triệu USD.
Đây là mức nộp phạt thuế cá nhân cao kỷ lục tại Trung Quốc. Sự kiện trên cũng báo động một loạt thay đổi trong quy định tính thuế thu nhập ở quốc gia tỷ dân.
Từ đầu 2019, các điều chỉnh trong hệ thống tính thuế bắt đầu có hiệu lực tại Trung Quốc. Chính phủ muốn giảm gánh nặng thuế với người thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, người giàu phải nộp thuế nhiều hơn.
Tuy nhiên, giới nhà giàu Trung Quốc đã nhìn ra nguy cơ này từ trước đó và có sự chuẩn bị kỹ càng để bảo vệ số tài sản lên đến hàng tỷ USD.
Theo Bloomberg, chỉ trong khoảng cuối năm 2018, một số đại gia Trung Quốc đã chuyển hơn 17 tỷ USD cho các quỹ tín thác. Các quỹ này chủ yếu nằm ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, là thiên đường thuế.
Theo Financetwitter, giới nhà giàu có xu hướng chuyển khối lượng tài sản khổng lồ của họ ra nước ngoài, để tránh thuế hoặc che giấu các giao dịch kinh doanh. Từ năm 2000, ước tính từ 1.000 đến 4.000 tỷ USD đã được chuyển ra nước ngoài bằng các hình thức khác nhau.
Theo Woon Shiu Lee, người đứng đầu bộ phận kế hoạch tài chính một ngân hàng Singapore, kể từ nửa cuối năm 2018, số lượng khách hàng Trung Quốc quan tâm đến các quỹ ủy thác ở nước ngoài đã tăng 35%. Giới nhà giàu Trung Quốc quan tâm việc thiết lập một quỹ ủy thác, cung cấp kế hoạch xử lý thuế.
Cuối năm 2018, một trong những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc là Ngô Á Quân, Chủ tịch của Longfor Group Holdings, đã chuyển 7,5 tỷ USD sang quỹ ủy thác đứng tên con gái bà.
Bà Ngô Á Quân trong một buổi họp báo tại Hong Kong. Ảnh: Jerome Favre/Bloomberg. |
Một tỷ phú khác là Trương Sĩ Bình, nằm trong danh sách 500 người giàu nhất hành tinh của tạp chí Forbes, cũng sử dụng một quỹ ủy thác được thành lập ở quần đảo Cayman. Vị tỷ phú thông qua quỹ ủy thác để nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Ngụy Kiều. Doanh nghiệp này là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất Trung Quốc.
Quỹ ủy thác đặt quyền sở hữu tài sản thuộc về bên thứ ba, do đó các tỷ phú Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong việc đưa ra một số quyết định quản trị. Tuy nhiên, dựa vào quỹ này, giới nhà giàu có thể bớt được khoản thuế lên tới 20% lợi nhuận.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng việc chuyển bớt tài sản ra nước ngoài có thể là một chiến lược khả thi, nhưng không phải là một biện pháp chắc chắn. Một số nhà phân tích nhấn mạnh cách đó chỉ giúp kéo dài thời gian đóng thuế mà thôi.
Nguyên nhân là các hướng dẫn mới về thuế tại Trung Quốc không rõ ràng cách xử lý quỹ tín thác ở nước ngoài. Do đó, trong tương lai việc đóng thuế ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải thích của chính phủ.
Zing